Thống đốc Lê Minh Hưng điểm lại, năm nay thị trường ngoại tệ và tỷ giá ổn định đã củng cố lòng tin vào đồng tiền Việt Nam. Ảnh: Tường Lâm |
Từ những điểm lại của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng 29/12, có thể nhìn thấy nhiều điểm sáng trong chính sách tiền tệ năm nay.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong năm qua ngành ngân hàng đã đạt được khá nhiều kết quả khích lệ, đặc biệt là trong điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng.
Thống đốc cho hay, ngay từ đầu năm ngành ngân hàng đã phải đứng trước áp lực rất lớn trong việc giữ mặt bằng lãi suất, bởi mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội, Chính phủ đề ra khá cao, nhu vốn đầu tư gia tăng, mục tiêu phát hành trái phiếu chính phủ với khối lượng lớn, kỳ hạn dài. Những điều này tạo áp lực rất lớn đến lãi suất. Nhưng kết quả cả năm cho thấy mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã được giữ ổn định, lãi suất cho vay có giảm. Bình quân lãi suất cho vay đã giảm 0,5 - 1%. “Đây là một nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành trong điều hành, góp phần duy trì tín dụng, góp phần tăng trưởng kinh tế”, Thống đốc nhận định.
Về tỷ giá, Thống đốc Lê Minh Hưng điểm lại, năm nay thị trường ngoại tệ và tỷ giá ổn định đã củng cố lòng tin vào đồng tiền Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Thanh khoản được đảm bảo, biến động từ các sự kiện thế giới như brexit, FED tăng lãi suất, đồng tiền các nước khác mất giá, nhưng Việt Nam vẫn giữ mặt bằng tỷ giá ổn định, điều này có ý ngĩa quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố lòng tin trên thị trường. Tính cả năm, đồng Việt Nam mất giá 1,1 – 1,2%.
“Đặc biệt, những năm trước can thiệp vào thị trường ngoại tệ rất mạnh để ổn định tỷ giá. Năm nay can thiệp ít nhưng tỷ giá vẫn ổn định vì thị trường ngoại tệ đảm bảo, thanh khoản tốt”, ông Hưng cho biết.
Tăng trưởng tín dụng năm nay cũng sẽ đạt kế hoạch, với mức dự kiến là 18,5%. Chất lượng tín dụng được quan tâm, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, giảm và có biện pháp kiểm soát rủi ro cấp tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, ví dụ bất động sản.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng nhìn nhần còn nhiều vấn đề tồn tại, nổi lên cơ cấu tín dụng vẫn còn những rủi ro, có những phân khúc phải kiểm soát chặt chẽ hơn như bất động sản; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu vẫn còn nhiều thách thức, khuôn khổ pháp lý cần phải hoàn thiện hơn.