Chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo

(BĐT) - Trong thời gian thế giới xoay chuyển vì đại dịch, các công trình kiến trúc vẫn được xây dựng và hoàn thiện, nhưng thiếu đi dòng người tới chiêm ngưỡng. Bước sang năm 2023, khi đại dịch đã ở phía sau, Financial Times vừa giới thiệu những công trình kiến trúc độc đáo, ghi đậm dấu ấn văn hóa, xứng đáng được ngắm nhìn trong năm mới.

Trung tâm nghệ thuật Biểu diễn Đài Bắc

Khai trương vào tháng 8/2022, Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Đài Bắc là công trình được mong đợi từ lâu. Nằm bên cạnh chợ đêm Shilin nổi tiếng, kiến trúc rộng 59.000 m2 này có hình thức đặc biệt với ba khán phòng nhô ra từ một khối lập phương trung tâm.

Bên trong bao gồm nhà hát Globe Playhouse có sức chứa 800 chỗ ngồi, nhà hát lớn Grand Theater 1.500 chỗ ngồi và Blue Box 800 chỗ ngồi. Grand Theater và Blue Box cũng có thể được kết hợp để tạo thành một siêu nhà hát khổng lồ có sức chứa lên tới 2.300 chỗ ngồi.

Nổi bật nhất trong số này là Globe Playhouse - khán phòng có dạng hình cầu và được nâng đỡ bên ngoài trên hai cột.

Austin Wang, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Đài Bắc cho biết: “Mọi tiền sảnh, mọi quảng trường, mọi ngóc ngách bất ngờ đều tràn đầy tiềm năng sáng tạo. Chúng tôi tin rằng nhà hát của tương lai sẽ phát triển vượt trội so với các không gian sân khấu thông thường. Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Đài Bắc được chuẩn bị cho mọi hình thức nghệ thuật trình diễn đương đại từ những nghệ sĩ mạo hiểm nhất”.

Bảo tàng M+ Hong Kong

Tòa nhà M + ở Khu Văn hóa Tây Kowloon là một trong những bảo tàng lớn nhất về văn hóa thị giác hiện đại và đương đại trên thế giới, trưng bày văn hóa thị giác thế kỷ XX và XXI bao gồm nghệ thuật thị giác, thiết kế và kiến trúc, và hình ảnh chuyển động.

Bảo tàng ở rìa cực Nam của Kowloon, nhìn ra cảng Victoria, một trong những địa danh mang tính biểu tượng nhất của Hồng Kông, vừa hoành tráng về hình thức kiến trúc vừa hoàn toàn mở trong cảnh quan đô thị.

Với hình khối kiến trúc độc đáo, bộ sưu tập hiện vật trưng bày đồ sộ và đặc biệt là triết lý hoạt động rất đặc trưng, công trình với cái tên M+ được xem là một trong những bảo tàng tiên phong trong việc cách tân, vượt qua các mô hình bảo tàng nghệ thuật truyền thống.

Tòa nhà bao gồm hai khối - khối bên dưới có hình vuông rộng và phẳng, khối thứ 2 được thiết kế bên trên với hình dáng cao và mỏng - giao nhau tạo thành chữ T ngược. Khối nhà bên trên có một mặt bên hoàn toàn được bao phủ bởi một màn hình LED cao 66m. Thiết kế của các tấm nền được tối ưu hóa để duy trì khả năng hiển thị của màn hình từ các góc độ, khoảng cách và điều kiện ánh sáng khác nhau.

Khách sạn Marcel, Mỹ

Khách sạn Marcel được xây dựng trên khu vực ghi đậm dấu ấn lịch sử, từng là biểu tượng của những năm 1970 tại New Haven (Connecticut, Mỹ). Dự án cải tạo tòa nhà cũ và xây dựng mới đã hình thành khách sạn Marcel với 165 phòng và là khách sạn tiêu chuẩn Net zero đầu tiên tại Mỹ.

“Có 2 ý tưởng lớn xuyên suốt quá trình hình thành khách sạn Marcel. Thứ nhất, trân trọng tinh thần và dấu ấn thời gian trong từng chi tiết trong quá trình tái tạo một khách sạn đặc biệt. Thứ hai, tạo nên vòng tuần hoàn mới, nơi khách sạn có thể phục vụ cho sự phát triển bền vững”, Becker - công ty kiến trúc và xây dựng khách sạn Marcel cho biết.

Net zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể. Để đạt được tiêu chuẩn Net zero trong kiến trúc, tòa nhà phải sử dụng các loại năng lượng tự thân nhiều nhất. Theo đó, khách sạn sử dụng năng lượng từ hơn 1.000 tấm pin bao phủ phần mái và các khu vực bên ngoài; sử dụng kính 3 lớp để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hệ thống điện và đèn sử dụng công nghệ cấp nguồn POE (Power over Ethernet)…

Chuyên đề