Châu Âu đối mặt với khủng hoảng khí đốt chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có khiến nền kinh tế tiến gần bờ vực suy thoái và dấy lên nghi ngờ về tham vọng biến đổi khí hậu của khu vực.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nga cắt giảm nguồn cung

Nga đã giảm đáng kể dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu kể từ khi các quốc gia phương Tây áp lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Điện Kremlin do xung đột tại Ukraine.

Mặc dù Moscow phủ nhận sử dụng khí đốt như một vũ khí, nhưng người châu Âu vẫn cho rằng, Gazprom - công ty năng lượng quốc doanh Nga - không còn là nhà cung cấp đáng tin cậy. Nguồn cung khí đốt từ Nga giảm xuống là một vấn đề đối với các nước châu Âu vì khu vực này từng phải nhập khẩu tới 40% lượng khí đốt dự trữ từ nước này.

Dữ liệu từ Nord Stream, nhà điều hành đường ống Nord Stream 1 vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức, xác nhận lượng khí đốt đến phương Tây đang ngày một ít đi. Riêng tuần trước, nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1 đã giảm từ mức 40% xuống 20% công suất. Gazprom lý giải việc cắt giảm này là để bảo trì tua bin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng, lời bào chữa của Gazprom là một trò hề. Trước đợt giảm mới nhất này, nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1 đã bị giảm mạnh xuống còn 40% công suất trước khi đường ống này tạm dừng để bảo trì trong khoảng 10 ngày (từ 11 - 21/7).

Theo Ủy ban châu Âu (EC), 12 quốc gia thành viên đang phải vật lộn với sự sụt giảm về nguồn khí đốt, thậm chí một số nước đã bị cắt giảm hoàn toàn.

Các quan chức đứng đầu EU cho rằng, Nga đang "tống tiền" châu Âu và "vũ khí hóa" nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, Moscow nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang lo ngại nguồn cung sẽ bị cắt đứt hoàn toàn, đặc biệt khi nhiều ngành sử dụng khí đốt như một nguyên liệu thô trong quá trình sản xuất. Trong bối cảnh này, châu Âu đang nỗ lực tìm nguồn cung thay thế và các nguồn năng lượng khác. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này là nhiệm vụ khó khăn trong một thời gian ngắn.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Giá khí đốt tăng vọt

Giá khí đốt tự nhiên đã tăng vọt kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra và ngay cả trước khi Nga bắt đầu thắt chặt dòng khí đốt. Áp lực giá lại tăng lên mỗi khi Nga giảm nguồn cung sang châu Âu do mức độ quan trọng của hàng hóa này đối với một số lĩnh vực và khó có các lựa chọn thay thế.

Ông Salomon Fiedler - chuyên gia kinh tế tại Berenberg cho rằng, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang đắt hơn nhiều so với mức giá trung bình trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019.

"Bình thường một năm, EU sử dụng khoảng 4,3 tỷ MWh khí đốt tự nhiên. Do đó, nếu giá tăng cao khoảng 100 Euro/MWh trong một năm thì EU sẽ phải trả mức giá này thay vì được hưởng lợi từ các hợp đồng cố định giá dài hạn. Chi phí này sẽ tăng lên khoảng 430 tỷ Euro (437 tỷ USD), tương đương 3% GDP năm 2021 của EU", ông Salomon Fiedler nhận xét.

Bên cạnh đó, giá khí đốt cao hơn sẽ ảnh hưởng tới hóa đơn năng lượng của các công ty và hộ gia đình trên toàn châu Âu.

Triển vọng tăng trưởng tan vỡ

Với nguồn cung sụt giảm và giá cao, cuộc khủng hoảng khí đốt đang làm lung lay triển vọng kinh tế của châu Âu.

Theo dữ liệu tăng trưởng mới nhất của khu vực đồng tiền chung châu Âu, GDP chỉ tăng 0,7% trong quý II, cao hơn kỳ vọng của thị trường. Nhưng ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng, châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Hồi đầu tháng này, EC dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực này ở mức 2,7% trong năm nay và 1,5% trong năm tới. Tuy nhiên, EC cũng cho rằng, việc ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga có thể khiến khu vực rơi vào suy thoái trong cuối năm nay.

“Giá khí đốt cao làm tăng chi phí của doanh nghiệp và thắt chặt ngân sách của người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi dự báo khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ rơi vào suy thoái vào mùa thu này với mức lạm phát vẫn cao”, ông Salomon Fiedler cho biết.

Chuyên đề