Kinh tế châu Âu đối mặt với nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo CNN, nền kinh tế châu Âu - đóng góp gần 1/5 GDP toàn cầu - đang phải đối mặt với thách thức khó khăn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hơn 2 năm trước. 

Giống như Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, châu Âu đang vật lộn với vòng xoáy lạm phát, có khả năng chấm dứt sự bùng nổ tiêu dùng hậu phong tỏa. Bên cạnh đó, châu lục này còn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng cùng nắng nóng bất thường.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, viễn cảnh châu Âu rơi vào suy thoái ở cuối năm nay hoặc đầu năm sau đang ngày càng cao. "Tôi cho rằng, khả năng cao chúng ta sẽ có một cuộc suy thoái trong mùa đông", Erik Nielsen - Kinh tế trưởng tại Ngân hàng UniCredit (Italy) cho biết.

Trạm tiếp nhận khí nén của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. Ảnh: CNN

Trạm tiếp nhận khí nén của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. Ảnh: CNN

Khủng hoảng năng lượng

Mối lo lớn nhất với kinh tế châu Âu hiện tại là khả năng tiếp cận năng lượng. Lo ngại về việc Moskva cắt đứt nguồn cung khí đốt để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây đang ngày một tăng lên.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nếu khí đốt từ Nga "ngưng chảy", các nước dễ tổn thương là Slovakia, Séc và Hungary có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng, khiến GDP có thể giảm tới 6%. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu - Đức được dự báo mất 220 tỷ euro (225 tỷ USD) trong 2 năm tới.

Theo Ủy ban Châu Âu (EC), 12 thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bị Nga cắt hoàn toàn hoặc một phần khí đốt. EC cho biết, dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu hiện ít hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự lo lắng đã tăng lên kể từ khi tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đóng cửa đường ống Nord Stream 1 để bảo dưỡng, đưa giá khí đốt của châu Âu lên mức cao nhất kể từ tháng Ba. Dòng chảy khí đốt qua đường ống này rất quan trọng, thường đáp ứng 12% nhu cầu của cả châu Âu, theo S&P Global Platts. Thời gian qua, giới chức châu Âu vẫn lo ngại liệu đường ống này có được mở lại nữa hay không, và sau đó Nga sẽ cung cấp bao nhiêu khí đốt qua đây.

Tuy nhiên, từ trước đó, lượng khí đốt đi qua đường ống này đã giảm mạnh. Tháng trước, mức giảm lên tới 60%, buộc Berlin tuyên bố "khủng hoảng khí đốt".

Lạm phát

Lạm phát tại EU trong tháng 6 đã lên 9,6%. Con số này đối với 19 nước sử dụng đồng Euro là 8,6%.

Để chặn lại đà tăng này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến nâng lãi suất trong hôm nay (21/7), lần đầu tiên kể từ năm 2011. Tuy nhiên, ECB sẽ phải vượt qua nhiều thách thức nếu muốn kiểm soát tình hình.

ECB đã chậm chân so với nhiều cơ quan khác, như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - đã nâng lãi suất từ vài tháng trước. Lãi suất tại châu Âu được duy trì ở mức âm từ năm 2014. Tuy nhiên, nếu sự thiếu hụt năng lượng khiến khu vực này vào suy thoái, ECB có thể phải buộc ngừng nâng lãi suất.

"Tình hình hiện tại không cho ECB nhiều cơ hội để mạnh tay nâng lãi suất", Carsten Brzeski - Giám đốc Vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng ING nhận định.

Nếu suy thoái diễn ra, lạm phát có thể giảm bớt mà không cần ECB can thiệp sâu. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng không mấy mặn mà với kịch bản này, bởi nó sẽ dẫn đến làn sóng thất nghiệp.

Một bức ảnh được chụp vào ngày 18/7 cho thấy một vũng nước giữa lòng sông Rhine gần như khô cạn ở Cologne, miền tây nước Đức, khi nhiều khu vực ở châu Âu trải qua đợt nắng nóng. Ảnh: CNN

Một bức ảnh được chụp vào ngày 18/7 cho thấy một vũng nước giữa lòng sông Rhine gần như khô cạn ở Cologne, miền tây nước Đức, khi nhiều khu vực ở châu Âu trải qua đợt nắng nóng. Ảnh: CNN

Biến đổi khí hậu

Cháy rừng đang diễn ra trên khắp Tây Ban Nha và Pháp do nắng nóng kỷ lục có thể gây tác động xấu lên hoạt động kinh tế ở châu Âu.

Các nhà nghiên cứu tại EU cho biết, gần nửa lãnh thổ châu Âu đang "có nguy cơ" bị hạn hán. Trong khi đó, Đức đang vật lộn với sự sụt giảm mực nước sông Rhine - tuyến thương mại quan trọng. Nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động vận tải biển đang bị ảnh hưởng.

Điều này sẽ càng gây sức ép lên lĩnh vực sản xuất rất quan trọng của Đức. Các nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Toàn cầu Kiel ước tính nếu, mực nước thấp duy trì trong 30 ngày, sản lượng công nghiệp của Đức sẽ giảm 1%.

Nguy cơ suy thoái

Tuần trước, EC dự báo, kinh tế EU chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm nay và 1,5% vào năm sau. Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng, lạm phát cũng có thể đạt đỉnh 8,3% năm 2022, sau đó hạ nhiệt về 4,6% năm 2023.

Sylvain Broyer - Nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Ratings cho rằng, suy thoái chưa chắc đã xảy ra, khi tài chính của các hộ gia đình vẫn ổn định và đầu tư công vẫn tăng. Mùa hè này được dự báo là mùa du lịch nhộn nhịp, giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Theo ước tính của ông Broyer, dù "tăng trưởng giảm mạnh là điều chắc chắn 100%", khả năng "suy thoái toàn diện" lại thấp hơn, chỉ khoảng 30 - 43%.

Tuy nhiên, rủi ro này đang tăng lên. Một khảo sát của Bank of America với các quỹ đầu tư ở châu Âu tuần này cho thấy, 86% người tham gia khảo sát dự báo suy thoái trong năm tới. Tỷ lệ này chỉ là 54% trong tháng trước.

Chuyên đề