Cất cánh từ những đại công trình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mùa xuân này, người dân đôi bờ vịnh Cửa Lục (Quảng Ninh) được kết nối gần hơn bởi cầu Tình Yêu. Nhiều công trình giao thông lớn khác trên cả nước cũng về đích đúng hẹn trong xuân mới. Những công trình giao thông trọng điểm có sức lan tỏa, có ý nghĩa lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đang được Nhà nước, nhà đầu tư dồn lực thực hiện. Khi hạ tầng ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, nền kinh tế sẽ có điều kiện thuận lợi để cất cánh, bứt phá mạnh mẽ.
Cầu Tình Yêu (tên trong Dự án là cầu Cửa Lục 1) tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân 2 bờ vịnh Cửa Lục. Ảnh: Đỗ Giang
Cầu Tình Yêu (tên trong Dự án là cầu Cửa Lục 1) tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân 2 bờ vịnh Cửa Lục. Ảnh: Đỗ Giang

Những công trình đón xuân

Những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, người dân Quảng Ninh đã có thể đi lại qua cầu Tình Yêu (tên trong Dự án là cầu Cửa Lục 1) trên vịnh Cửa Lục sau khi cầu này thông xe ngày 1/1/2022. Cây cầu không chỉ là công trình giao thông tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân 2 bờ vịnh Cửa Lục, rút ngắn thời gian và khoảng cách đi từ Hoành Bồ tới trung tâm TP. Hạ Long, kết nối các khu công nghiệp, hệ thống đường cao tốc, khai thác lợi thế đất đai khu vực phía Bắc TP. Hạ Long, mà còn là một công trình kiến trúc đẹp, hiện đại, độc đáo.

Cầu Tình Yêu và đường dẫn có tổng chiều dài toàn tuyến 4.265m, với tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng, được khởi công từ ngày 28/4/2020. Trong đó, cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê tông với 6 làn xe cơ giới, là cầu 6 làn xe đầu tiên của Quảng Ninh. Dự án trọng điểm này được thực hiện và hoàn thành chỉ sau 20 tháng thi công.

Cũng trong ngày 1/1/2022, tỉnh Quảng Ninh chính thức đưa tuyến đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả vào hoạt động. Tuyến đường dài 18,6 km, quy mô 6 làn xe, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2019, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, trong đó, có hạng mục đường hầm xuyên núi dài 235m, là đường hầm xuyên núi lớn nhất tại Quảng Ninh và có nền đường lớn nhất Việt Nam hiện nay. Công trình đi vào sử dụng ngay ngày đầu năm mới 2022 không chỉ kết nối nhanh giữa hai thành phố lớn nhất Quảng Ninh thay vì chỉ có Quốc lộ 18 như lâu nay, mà còn mở ra một không gian phát triển mới, nhất là khai thác lợi thế về mặt biển.

Ngày đầu năm mới 2022 cũng đánh dấu mốc cho một công trình trọng điểm khác của tỉnh Quảng Ninh. Đó là tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái - mảnh ghép cuối cùng của trục cao tốc xương sống Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được thông xe kỹ thuật. Tuyến cao tốc có chiều dài hơn 80 km, tổng vốn đầu tư khoảng 11.195 tỷ đồng, kết hợp đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Sau thông xe, các hạng mục cuối cùng sẽ tiếp tục được hoàn thành, sớm đưa tuyến đường chiến lược này vào khai thác trong năm 2022. Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh sở hữu đường cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam, mở rộng cánh cửa kết nối Việt Nam, Trung Quốc, châu Á và đón nhận nhiều cơ hội mới. Tuyến cao tốc này cũng kết nối với tuyến cao tốc dài nhất nước ta là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây.

Ở phía Nam, sau cả thập kỷ mong đợi, người dân vùng “gạo trắng nước trong” Cần Thơ và nhiều tỉnh miền Tây khác đã có thể “đi cao tốc về quê ăn tết”. Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành tuyến chính, cơ bản hoàn thành các tuyến nối. Ngày 19/1/2022, trước thềm xuân mới Nhâm Dần, tuyến chính đã được thông xe kỹ thuật. “Phương châm của chúng tôi là “chậm một ngày thêm một ngày mắc nợ nhân dân” nên dù dịch bệnh, vật giá tăng..., hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng động viên nhau nỗ lực làm liên tục ngày đêm”, ông Đông chia sẻ.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo phương thức PPP với chiều dài 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang, tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM, giúp giảm tải cho Quốc lộ 1A. Khi Dự án cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành vào cuối năm 2023 sẽ tạo một mạch liên cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ.

Trên khắp cả nước, nhiều công trình giao thông lớn cũng đang được tăng tốc thi công. Năm 2022, Hà Nội dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Tuy 2, mở rộng tuyến đường từ Âu Cơ - Xuân Diệu đến cầu Nhật Tân, hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến...

Dọc các miền đất nước, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đang được các ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung thi công, sớm hoàn thành theo mục tiêu.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km, mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành. Ảnh: Tiên Giang

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km, mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành. Ảnh: Tiên Giang

Kỳ vọng những đại dự án mới

Với cuộc “cách mạng” về cắt giảm số lượng dự án trong kỳ kế hoạch, 2,87 triệu tỷ đồng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài. Dòng vốn đầu tư công được định hướng vào các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức PPP.

Trong đó, nguồn vốn được bố trí hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đáp ứng yêu cầu về tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1); khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025…

Riêng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông - trục giao thông xương sống của cả nước, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, quy hoạch toàn tuyến dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, hiện đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Với vai trò là trục huyết mạch, cần sớm hoàn thành để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 11-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội đã đề ra mục tiêu “đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.

Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập (27 km còn lại gồm: đoạn Hòa Liên - Túy Loan triển khai theo dự án riêng và cầu Cần Thơ 2 đầu tư sau năm 2025).

Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tuyến đường cao tốc nối liền mạch từ Lạng Sơn đi Cà Mau khi hoàn thành sẽ tạo tiềm năng, cơ hội lớn để kết nối giữa các trung tâm kinh tế, văn hóa, đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên cả nước. Tuyến đường không chỉ cải thiện lưu lượng giao thông trên trục huyết mạch mà còn giúp phát triển công nghiệp, nông nghiệp các khu vực tiếp giáp, tạo cơ hội cho khoảng 60% dân số sinh sống dọc trục đường được hưởng lợi. Đây là điều kiện quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, phát triển vượt bậc.

Với hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn triển khai trên cả nước, trước thềm xuân mới, mỗi người dân Việt Nam có niềm tin vào sự cất cánh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững.

Chuyên đề