Cấp thiết giảm áp lực lãi suất với doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã có ngân hàng tăng lãi suất huy động lên mức 9,5%/năm, lãi suất cho vay cũng đã vượt qua ngưỡng 11%. Nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng. Khi không còn nhiều “dư địa” giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, nhiều ý kiến mong rằng, các chính sách hỗ trợ khác sẽ được Chính phủ và các bộ, ngành đẩy mạnh hơn nữa để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn do nhiều ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn do nhiều ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng. Ảnh: Lê Tiên

Một ngân hàng số vừa tăng lãi suất tiền gửi lên 9,5%/năm dành cho các khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng. Trước đó, nhiều ngân hàng như SCB, ABBank, Kienlongbank, SeABank tăng lãi suất huy động lên trên 8,5%/năm. Nhiều nhà băng khác cũng đã đưa lãi suất huy động lên vùng 8%/năm như Viet Capital Bank, NamABank,...

Theo giới phân tích, từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 với một số lý do. Đó là: nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi; thanh khoản thị trường chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng; nhu cầu tiền mặt mùa Tết Nguyên Đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Báo cáo thị trường tiền tệ phát hành ngày 18/10 của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, mặt bằng lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện tại đã tăng khoảng 200 - 250 điểm cơ bản so với cuối năm 2021, áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm. Theo SSI, các ngân hàng và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn khi các điều kiện trên thị trường vốn thắt chặt hơn với việc hạn mức tín dụng hạn chế, diễn biến trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu không thuận.

Từ phía doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSme) cho biết, mức lãi suất cho vay mới được các ngân hàng thông báo tới doanh nghiệp là từ 11%/năm trở lên với khoản vay kỳ hạn 3 năm, cao hơn hẳn mức lãi suất 7 - 8%/năm được áp dụng trước đó. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng chưa được giải ngân, vì nhiều ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng.

“Doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có nguồn vốn để sử dụng khi mùa vụ kinh doanh cuối năm sắp hết. Trong khi đó, chưa có doanh nghiệp nào trong Hiệp hội chúng tôi nhận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2%. Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận cắt giảm chi phí hoạt động, giảm sản lượng sản xuất. Rất mong các giải pháp hỗ trợ triển khai hiệu quả hơn để doanh nghiệp có cơ may phục hồi trong năm nay và trở lại phong độ sản xuất, kinh doanh trong năm sau”, ông Quốc Anh nói.

Từ góc độ khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, sức ép tăng lãi suất đang rất lớn. “Dù NHNN đã nới biên độ tỷ giá USD/VND nhằm góp phần giảm áp lực tăng lãi suất, song từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay. Nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 11 và tháng 12 năm nay như dự báo, thì NHNN có khả năng sẽ phải tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % từ nay đến cuối năm, nhằm phù hợp với diễn biến thị trường. Như vậy, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng”, ông Hiếu nói.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, với lãi suất huy động phổ biến ở mức 8%/năm thì lãi suất cho vay sẽ ở mức trên 11%/năm để bảo đảm lợi nhuận cho hoạt động của các ngân hàng. “Phần lớn các tổ chức tín dụng của Việt Nam trông cậy nguồn lợi nhuận chính đến từ hoạt động tín dụng. Mặt bằng lãi suất tăng không chỉ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn là trở ngại đáng kể với các nhà băng trong việc duy trì hiệu quả và cả cơ quan điều hành chính sách tiền tệ”, ông Linh nhận định.

Theo vị chuyên gia này, khi chính sách tiền tệ không còn nhiều “dư địa” để giữ lãi suất ở mức thấp thì cần vận dụng các giải pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, qua đó thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế. Theo đó, có thể tăng liều lượng các chính sách hỗ trợ về tài khóa, như giảm thuế, phí. Đồng thời, triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…

“Vẫn có thể hy vọng đà tăng lãi suất của Fed sẽ giảm nhiệt bởi nếu lãi suất tăng quá cao, USD tăng giá quá mạnh thì nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn lớn”, ông Linh chia sẻ và đánh giá, từ đầu năm đến nay, NHNN đã rất linh hoạt và hiệu quả trong việc điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá theo biến động trên thị trường tài chính thế giới. Qua đó, giúp thị trường tiền tệ nói riêng và nền kinh tế nói chung ổn định. Ông Linh đặt niềm tin, cơ quan điều hành đang tiếp tục theo dõi sát sao và cân đong từng yếu tố để có sự điều tiết chính sách phù hợp nhất với bối cảnh thị trường.

Chuyên đề