Một số địa phương xin cơ chế đặc thù cho các dự án hạ tầng giao thông với lý do không thuyết phục. Ảnh: Lê Tiên |
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc áp dụng cơ chế này trong một số ít trường hợp cấp bách là cần thiết, song phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu 2013, đi kèm với đó là các giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đặc biệt là không để xảy ra việc lợi dụng quy định này nhằm “phá rào” pháp luật, không đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.
Hạn chế chỉ định thầu
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước khi Luật Đấu thầu 2013 ra đời thì hiện tượng chỉ định thầu tràn lan, các địa phương trình Chính phủ xin chỉ định thầu rất nhiều. Do vậy, khi soạn Luật Đấu thầu 2013, Quốc hội rất quan tâm và những nội dung quy định về chỉ định thầu trước đây đề cập ở nghị định được xem xét đưa vào Luật.
Và trong Luật Đấu thầu 2013, nội dung về chỉ định thầu (Điều 22) được quy định tương đối cụ thể nhằm đảm bảo tính hiệu lực cao, thực hiện thống nhất, nhất quán, nghiêm túc trên phạm vi toàn quốc, từ Trung ương đến địa phương và các bộ, ngành có liên quan. Trong Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2013 (NĐ63), phần về chỉ định thầu chỉ hướng dẫn hạn mức chỉ định thầu; còn phạm vi, đối tượng, các trường hợp được chỉ định thầu đã được quy định chi tiết trong Luật.
Cụ thể, NĐ63 quy định: Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: (1) Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; (2) Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
“Trong thời gian tới, hạn mức này sẽ còn giảm hơn nữa khi Việt Nam thực hiện các cam kết về hội nhập trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác”, ông Tăng cho biết. Hiện tại, theo quy định của UNDP thì hạn mức được áp dụng chỉ định thầu là dưới 2.500 USD (khoảng 55 triệu đồng).
“Đấy là quan điểm xuyên suốt khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật Đấu thầu 2013. Và phải nhắc lại là từ khi Luật Đấu thầu 2013 và NĐ63 có hiệu lực thi hành, người có thẩm quyền quyết định việc chỉ định thầu theo đúng quy định của Luật. Việc quyết định chỉ định thầu phải trên cơ sở phạm vi, đối tượng đã quy định trong Luật và người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Cũng theo quy định thì không còn chuyện trình Thủ tướng Chính phủ xin chỉ định thầu”- ông Tăng nhấn mạnh.
Theo ông Tăng, tinh thần của Luật Đấu thầu 2013 là, ngoài một số nội dung chỉ định thầu được hướng dẫn tại NĐ63, các văn bản hướng dẫn luật khác không hướng dẫn thêm về chỉ định thầu hoặc dùng tên gọi khác nhưng bản chất là để chỉ định thầu.
“Đặc biệt” không phải là chỉ định thầu
Điều 26 quy định, trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Có nghĩa là, khi không thể áp dụng một trong các hình thức: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, chỉ định thầu theo quy định của Luật thì mới áp dụng cơ chế đặc thù.
Vì vậy, việc áp dụng Điều 26 là không dành cho trường hợp chỉ định thầu, nên rất hy hữu. Đồng thời, người có thẩm quyền phải trình được phương án lựa chọn nhà thầu cho trường hợp đặc biệt mà không phải là các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định trong Luật, trong đó có chỉ định thầu. Và khi thấy rằng lý do đó xác đáng, phương án đó là khả thi thì mới áp dụng, chứ không phải trường hợp đặc biệt là chỉ định thầu.
Ông Tăng lưu ý, không thể nhầm lẫn lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt với chỉ định thầu. Còn nếu không thực hiện đúng như vậy thì các cá nhân, đơn vị liên quan, kể cả cơ quan, đơn vị đề xuất, cơ quan trình, cơ quan thẩm định và cơ quan chấp thuận phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Tất cả đều phải làm rõ. Phải kiên quyết chặn đứng hiện tượng chỉ định thầu nhưng lại gọi là trường hợp đặc biệt. Vì trường hợp đặc biệt không phải là chỉ định thầu”- ông Tăng nhấn mạnh và cho rằng, việc một số đơn vị lấy lý do đẩy nhanh tiến độ để xin cơ chế đặc thù là không thoả đáng. Đó không phải là trường hợp đặc biệt, vì các dự án đều cần đẩy nhanh tiến độ - một trong các yếu tố cấu thành hiệu quả đầu tư. Nếu cơ quan trình mà không đưa ra được tính đặc biệt và phương án thực hiện đặc biệt, cơ quan thẩm định cũng không thấy phương án đó là đặc biệt mà vẫn báo cáo người có thẩm quyền thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong việc vận dụng cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện các công trình, dự án dù có đặc thù hay không, vấn đề thực hiện đúng quy định của pháp luật là yêu cầu tối thượng. Liên quan đến vấn đề áp dụng quy định của pháp luật về đấu thầu, ông Tăng nhấn mạnh: “Để thực hiện đúng cái này thì kể cả cơ quan đề xuất, cơ quan trình, cơ quan thẩm định, cơ quan phê duyệt và người phê duyệt ở bất kể cấp nào đều phải tuân thủ pháp luật”.