Cần thêm giải pháp giúp doanh nghiệp vực dậy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sức khỏe kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đang cho thấy sự sụt giảm đáng kể, với lợi nhuận sau thuế của 1.114 DN niêm yết trong quý I/2023 giảm tới 27,6%. Trong đó, các DN phi tài chính suy giảm lợi nhuận cao nhất: 44,7% so với cùng kỳ 2022. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của một quý trong 10 năm qua nếu không tính giai đoạn đại dịch Covid-19.

Lần thứ 4 trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 19/6/2023. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy, dòng vốn giá thấp vẫn cách xa thực trạng hoạt động của DN. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp chính sách cần trực diện hơn, hiệu quả hơn mới có thể giúp DN vực dậy tăng trưởng.

Nguồn: NHNN, BVSC tổng hợp

Nguồn: NHNN, BVSC tổng hợp

Sức khỏe DN qua các con số

Hơn 1 năm qua, bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các nước đối tác thương mại lớn như châu Âu ở trong nguy cơ suy thoái, khiến kinh tế Việt Nam năm 2023 giảm động lực tăng trưởng từ hoạt động xuất khẩu.

Trong nước, các động lực khác tạo nên tăng trưởng gồm tiêu dùng và đầu tư (đầu tư công + đầu tư tư nhân) cũng gặp những khó khăn nhất định, khiến GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,23%. Nếu không tính giai đoạn Covid-19 năm 2020, đây là mức tăng GDP thấp nhất kể từ năm 2011, đồng thời cho thấy xu hướng suy giảm của tăng trưởng GDP từ quý IV/2022.

Trong khó khăn chung của nền kinh tế, sức khỏe của DN đang suy yếu nặng nề, thể hiện qua lợi nhuận sau thuế của 1.114 DN niêm yết quý I/2023 giảm tới 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng DN phi tài chính, lợi nhuận 3 tháng đầu năm giảm đến 44,7%.

Trong số 16 ngành phi tài chính, chỉ có 2 ngành là du lịch và giải trí, y tế là ghi nhận tăng trưởng về doanh thu. Ở nhóm suy giảm, nhóm tài nguyên cơ bản giảm mạnh nhất, 87%, trong khi bán lẻ giảm 77,7% so với cùng kỳ năm trước. Với ngành bán lẻ, sức mua trong dân cư suy yếu, những lo ngại về triển vọng kinh tế đã tác động lớn tới niềm tin tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tới hành vi mua sắm khiến lợi nhuận DN sụt giảm sâu.

Với khối DN bất động sản (BĐS), lợi nhuận sau thuế quý đầu năm 2023 ghi nhận tăng 48,3%, nhưng mức tăng này chủ yếu từ đóng góp của Công ty CP Vinhomes (VHM). Nếu không tính VHM trong nhóm BĐS, mức sụt giảm lợi nhuận sau thuế của khối DN BĐS lên tới 32,6%. Lợi nhuận sau thuế của khối DN này được dự báo sẽ còn giảm trong các quý tới, do khả năng triển khai dự án, bán hàng chưa có dấu hiệu hồi phục. Không riêng BĐS, lợi nhuận của nhiều nhóm ngành phi tài chính dự báo chưa thể lấy lại đà tăng trưởng trong 1 - 2 quý tới.

Tăng trưởng LNST (yoy) các ngành phi tài chính trong 5 quý gần nhất

Tăng trưởng LNST (yoy) các ngành phi tài chính trong 5 quý gần nhất

Cần thêm giải pháp quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Trước khó khăn của DN, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ DN và sức cầu tiêu dùng trong nước. Về chính sách tài khóa, Nghị định 12/2023/NĐ-CP, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất trong năm 2023. Tính toán của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy, riêng biện pháp giảm thuế VAT khoảng 2% năm 2023 có thể giúp tiết kiệm cho người tiêu dùng 24.000 tỷ đồng.

Với đầu tư công, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số cơ quan liên quan liên tục làm việc với các tỉnh, thành, các bộ, ngành nhằm tìm giải pháp để thúc đẩy giải ngân. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cao nhất từ trước đến nay với 726.000 tỷ đồng. Nếu giải ngân được 95% theo mục tiêu thì lượng vốn khổng lồ này sẽ là động lực tăng trưởng GDP. Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 177.040 tỷ đồng, hoàn thành 25,5% kế hoạch năm, thấp hơn trung bình giai đoạn 2014 - 2022 với tỷ lệ hoàn thành 30,26%. Thực tế này đòi hỏi phải có thêm các giải pháp để giải ngân đầu tư công đạt kế hoạch, là trợ lực lớn nhất cho tăng trưởng GDP năm nay.

Về chính sách tiền tệ, Việt Nam nằm trong số ít các nền kinh tế đi đầu trong tiến trình hạ lãi suất điều hành. Tính đến nay, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, hạ mặt bằng các mức lãi suất chính khoảng 1,5%. Dù mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh từ mức đỉnh hồi đầu năm, nhưng vẫn đang cao hơn giai đoạn 2021 và đầu năm 2022. Theo đó, lãi suất đầu ra vẫn ở mức cao.

Cùng với việc hạ lãi suất điều hành, NHNN ban hành một số thông tư mới như Thông tư 02/NHNN, Thông tư 03/NHNN để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các ngân hàng và DN. Các văn bản này mở cơ chế cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024; giãn mức trích lập dự phòng trong 2 năm giúp kinh doanh của ngân hàng bớt xấu…

Điểm khó khăn nhất của nền kinh tế là thị trường BĐS. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm hỗ trợ thị trường BĐS, như Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; hay chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong quy định về phòng cháy chữa cháy… Các chính sách cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo, gỡ khó cho DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và sức cầu yếu trong nước vẫn bó chặt khả năng tăng trưởng của đại đa số DN. Mặt bằng lãi suất đã dần hạ nhiệt, nhưng tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế vẫn ở mức thấp, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Quan sát hoạt động của các DN cho thấy, điều DN cần nhất là lãi suất thấp và dòng tín dụng chảy mạnh, thấm vào DN. Với mức lãi suất trên 10% như hiện nay, rất khó để DN duy trì hoạt động, chưa nói đến khả năng mở rộng. Tăng trưởng tín dụng thấp 3,27% trong 5 tháng đầu năm nay cho thấy, cung - cầu vốn giữa DN và ngân hàng còn khoảng cách lớn. Việc thiếu hụt nguồn vốn giá rẻ sẽ khiến nhiều DN thấy trước nguy cơ phá sản, đồng thời dẫn tới xu hướng nợ xấu tăng nhanh trở lại.

Hỗ trợ người lao động mất việc làm, thúc đẩy tiêu dùng trong nước là những vấn đề cần được thực hiện trực diện và mạnh hơn từ Nhà nước. Trong khó khăn của DN, hàng vạn người lao động rơi vào tình trạng thiếu/mất việc làm. Người lao động chơi vơi, DN suy giảm sức mạnh nội lực, cũng chơi vơi không kém. Thực tế này khiến DN khó có thể vực dậy tăng trưởng ngay cả khi cơ hội từ bên ngoài thị trường tốt hơn.

Củng cố niềm tin cho nhà đầu tư và khơi thông dòng chảy trên thị trường vốn là một giải pháp rất cần cho nền kinh tế, nhưng chưa được quan tâm nhiều. Thị trường cổ phiếu quý I/2023 có vốn hoá lên tới 7,3 triệu tỷ đồng, tương đương 82,15% GDP cả nước. Đây là kênh nhiều DN có thể huy động được vốn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cao, khó tiếp cận. Tuy nhiên, rất ít DN phát hành tăng vốn thành công kể từ đầu năm đến nay. Tổng giá trị phát hành cổ phiếu mới kể từ đầu năm 2023 đến nay đạt 6.060 tỷ đồng, chưa bằng 9% con số 68.044 tỷ đồng huy động trong năm 2022 và rất thấp so với con số 101.990 tỷ đồng của năm 2021. Đối với kênh trái phiếu DN, nếu không tính trái phiếu do các ngân hàng phát hành, tổng lượng phát hành trong 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 35.000 tỷ đồng, giảm đến 73% so với cùng kỳ 2022.

Để dòng chảy vốn trong nền kinh tế nói chung, qua thị trường chứng khoán nói riêng thông suốt trở lại, cần có các giải pháp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cần dẫn dắt các nỗ lực này bằng việc tạo ra nhiều cuộc đối thoại chính sách, đối thoại giữa DN và nhà đầu tư, xúc tiến đầu tư, gỡ vướng cho các chủ thể trong đầu tư, huy động vốn… Khi niềm tin được khôi phục, dòng tiền tích lũy trong dân chúng mới có thể rút ra từ những cất giữ an toàn để chảy vào sản xuất kinh doanh, với đối tượng hấp thụ vốn chính là DN.

Chuyên đề