Các doanh nghiệp lớn sẽ là “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, hưởng lợi theo. Ảnh: Quang Tuấn |
Tuy nhiên, để “đoàn tàu” doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh hơn, theo nhiều ý kiến, bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cần hướng tới thúc đẩy phát triển lực lượng DN tư nhân lớn trong nước để họ phát huy vai trò “đầu tàu” dẫn dắt, lôi kéo.
Thiếu lực lượng doanh nghiệp dẫn đầu
Theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hồi giữa năm 2018, 99% DN tư nhân của Việt Nam là DNNVV. Số liệu tổng kết năm 2018 của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2018 đang ở mức 11,3 tỷ đồng.
Số DN tư nhân có quy mô lớn chiếm số lượng khiêm tốn. Bên cạnh đó, theo Bộ KH&ĐT, sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu được hình thành sau một giai đoạn tích lũy ngắn ngủi, dựa vào vốn tự có và ít được Nhà nước hỗ trợ. Quá trình phát triển theo mô hình tập đoàn của nhóm DN này hiện gặp phải một số khó khăn về quản trị, mô hình, do phần lớn phát triển từ quy mô DN gia đình. Các liên kết trong mô hình tập đoàn còn khá đơn giản, chưa triển khai được các hình thức liên kết “mềm” khác thông qua thỏa thuận, hợp tác sử dụng thương hiệu, dịch vụ, kết quả nghiên cứu đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ chung trong tập đoàn theo nguyên tắc thị trường. Lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn kinh tế và DN thuộc khu vực tư nhân mới chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như dịch vụ, bất động sản… Vì vậy, DN tư nhân Việt Nam thiếu vắng một lực lượng “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” DN tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam diễn ra cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Việt Nam rất cần có DN nội để dẫn dắt công nghiệp hỗ trợ thì mới tạo hiệu ứng lan tỏa và kéo theo các DN trong nước phát triển.
Tạo ra sân chơi lớn hơn cho doanh nghiệp mạnh
Mới đây, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng từng đề cập đến việc hỗ trợ những DN “đầu đàn”. Theo Bộ trưởng, quốc gia nào cũng có chủ trương xây dựng cho được những DN, tập đoàn lớn xuyên quốc gia, từ đó có thể dẫn dắt cuộc chơi ở quy mô toàn cầu. Việt Nam cũng cần có những DN tầm cỡ như vậy. Họ không chỉ đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế về lao động, năng lực sản xuất, thu ngân sách, mà còn có thể tham gia vào sân chơi trên thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với sân chơi trong nước, họ có khả năng làm “cánh chim đầu đàn”, dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy, lôi kéo các thành phần kinh tế khác phát triển, hưởng lợi theo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để hỗ trợ những DN này, ngoài cơ chế chính sách, điều quan trọng nhất Nhà nước phải tạo ra một sân chơi lớn hơn, để các DN lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế, thúc đẩy các DN khác phát triển.
Một trong những địa phương đang có những bước đi cụ thể để hỗ trợ cho khối doanh nghiệp mạnh là TP.HCM. Tại Hội nghị tổng kết Bộ KH&ĐT diễn ra tháng 1/2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đang nghiên cứu xây dựng chương trình hỗ trợ cho 6.000 DN mạnh trên địa bàn.
Trao đổi với Báo Đấu thầu ngày 15/2, một cán bộ của Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành để xây dựng đề án triển khai chương trình này. Thành phố hiện đã lên danh sách 6.000 DN mạnh, là DN có số vốn trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề án này đang trong bước xây dựng, sẽ sớm hoàn thiện trong thời gian tới.
Trong một số lĩnh vực cụ thể, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia chia sẻ, các quy định pháp luật liên quan đến cổ phần hóa DNNN cũng có thể xem xét cơ chế khuyến khích, ưu tiên phù hợp cho các DN, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước. Cùng với đó là yêu cầu các DN này phải liên kết với khu vực DNNVV để thúc đẩy sản xuất trong nước.