Cân nhắc quy định chống chuyển giá với giao dịch nội địa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc chống chuyển giá đối với giao dịch liên kết nội địa sẽ tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp lớn được tổ chức dưới hình thức tập đoàn, tổng công ty. Trong trường hợp lợi ích từ việc áp dụng quy định này đối với giao dịch nội địa không lớn hơn tác động tiêu cực thì cần có quy định loại trừ.
Chống chuyển giá đối với giao dịch nội địa sẽ làm giảm động
lực đầu tư vào sản xuất quy mô lớn, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, giáo dục, y
tế… của các tập đoàn tư nhân. Ảnh: Gia Khoa
Chống chuyển giá đối với giao dịch nội địa sẽ làm giảm động lực đầu tư vào sản xuất quy mô lớn, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, giáo dục, y tế… của các tập đoàn tư nhân. Ảnh: Gia Khoa

Đó là góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Dự thảo Nghị định). Ý kiến này được đưa ra trên cơ sở tham vấn các doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa những nội dung đã được quy định tại Nghị định 20, chỉ sửa đổi và bổ sung những nội dung còn thiếu, đảm bảo rõ ràng minh bạch. Đáng chú ý, phạm vi điều chỉnh tại Dự thảo Nghị định là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, VCCI nhận thấy rằng, việc áp dụng quy định về chống chuyển giá cho các giao dịch thuần tuý nội địa rất khác nhau ở các quốc gia. Theo báo cáo của Công ty Ernst & Young (EY) về chuyển giá năm 2019, trong 124 quốc gia có quy định về chống chuyển giá, thì có 68 quốc gia áp dụng các quy định chống chuyển giá cho giao dịch nội địa, còn 56 quốc gia khác chỉ áp dụng các quy định chống chuyển giá đối với giao dịch xuyên biên giới, mà không áp dụng đối với giao dịch nội địa. Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) cũng khuyến nghị áp dụng quy định chống chuyển giá đối với giao dịch nội địa, nhưng không bắt buộc.

Như vậy, việc xem xét áp dụng các biện pháp chống chuyển giá đối với các giao dịch nội địa phụ thuộc vào chính sách của mỗi quốc gia và phù hợp với thực tiễn nền kinh tế quốc gia đó, chứ không phải là thông lệ chung của thế giới. Các quốc gia chú trọng việc chống chuyển giá đối với giao dịch xuyên biên giới là do các giao dịch này có nguy cơ chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Trong khi đó, các giao dịch liên kết nội địa dù vẫn có thể làm giảm nghĩa vụ thuế, nhưng phần lợi nhuận vẫn được giữ lại trong nước để tái đầu tư. Do đó, nhiều nước bỏ qua việc chống chuyển giá đối với các giao dịch liên kết nội địa.

Mặt khác, việc chống chuyển giá đối với giao dịch liên kết nội địa sẽ giúp làm tăng thu ngân sách, nhưng sẽ có tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp lớn được tổ chức dưới hình thức tập đoàn, tổng công ty.

Theo VCCI, quy định như vậy sẽ tác động bất lợi đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng như giảm động lực của các tập đoàn này đầu tư vào các lĩnh vực được khuyến khích như sản xuất quy mô lớn, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường… Đây là các lĩnh vực đang được ưu đãi thuế và nếu đầu tư vào thì các tập đoàn kinh tế phải chịu quy định về chống chuyển giá.

Bên cạnh đó, khi một tập đoàn muốn đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro như dự án sản xuất quy mô lớn, công ty mẹ tập đoàn sẽ đứng ra vay ngân hàng rồi cho công ty con vay lại. Do công ty con mới thành lập, lại kinh doanh trong lĩnh vực nhiều rủi ro nên các ngân hàng sẽ khó chấp nhận cấp tín dụng. Như vậy, việc hạn chế chi phí lãi vay với các giao dịch liên kết sẽ hạn chế hình thức cấp tín dụng này và từ đó gây khó khăn cho việc hình thành các tập đoàn kinh tế và cản trở các tập đoàn này đầu tư các dự án lớn.

Với các phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá, cân nhắc việc áp dụng quy định chống chuyển giá của Nghị định này đối với các giao dịch thuần tuý nội địa. Trong trường hợp giải trình rõ được lợi ích của việc chống chuyển giá đối với giao dịch liên kết nội địa thì mới đưa vào Nghị định.

Cùng quan điểm về điều này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng nên bỏ áp dụng quy định chống chuyển giá đối với giao dịch thuần túy nội địa.

Theo ông Đức, khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, trong mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.

“Lợi dụng chuyển giá để tránh thuế là việc chuyển thu nhập từ quốc gia có thuế thu nhập cao sang quốc gia có thuế thu nhập thấp hơn để hưởng lợi, nhưng trong nội địa Việt Nam, thì thuế suất như nhau. Vì vậy, quy định về chống chuyển giá với doanh nghiệp có giao dịch liên kết chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không nên áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam”, ông Đức nhấn mạnh.

Chuyên đề