Cân nhắc không đấu giá quyền sử dụng đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 14/11, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật sau khoảng 10 năm đi vào cuộc sống đã bộc lộ những khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, khi cho ý kiến về quy định đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Dự thảo Luật, đa số các ý kiến đề nghị cân nhắc không đấu giá quyền sử dụng đất khi chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản bám sát chủ trương của Nghị quyết số 18 của Trung ương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, việc Dự thảo Luật (Điều 136) cho phép đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là không phù hợp.

Theo đại biểu Hiển, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hướng dẫn Luật Đầu tư, trong đó quy định điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư là khu đất dự kiến thực hiện dự án đầu tư đã được giải phóng mặt bằng. Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ được thực hiện khi không đáp ứng điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, nghĩa là chưa được giải phóng mặt bằng.

“Nay Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dẫn đến khó phân định trường hợp nào thực hiện đấu giá, trường hợp nào đấu thầu”, đại biểu Hiển nhận xét.

Vẫn theo đại biểu Hiển, Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 đã xác định việc thu hồi đất chỉ thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu giá tài sản, tài sản đấu giá là tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, việc Dự thảo luật tại Điều 136 cho phép việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là không phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về đấu giá tài sản”, đại biểu Hiển nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo đại biểu Hiển, quy định này cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện, chưa kể tới việc phải được 100% người bị thu hồi đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là khó khả thi.

Từ những phân tích trên, vị đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc không quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời, bổ sung quy định làm rõ tiêu chí, trường hợp cụ thể đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất và thứ tự ưu tiên áp dụng để thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, Điểm d Khoản 1 Điều 136 Dự thảo Luật quy định về điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong đó quy định “được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” là khó có tính khả thi. Theo đó, đại biểu Thắng đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét đối với quy định này.

Về vấn đề này, trước đó, tại Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định tại Điều 136 Dự thảo Luật. Theo cơ quan thẩm tra, việc cho phép đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện rất cao do chưa bảo đảm khả năng giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư, cũng như thiếu quy định cụ thể về thời điểm tính tiền sử dụng đất trong trường hợp này.

Chuyên đề