Luật sư Nguyễn Hồng Chuyên, Tổng giám đốc Công ty CP DVL Group
Trước đây, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định tính ưu đãi cho hàng hóa tỷ lệ sản xuất trong nước từ 25% trở lên trong giá hàng hóa, còn hiện nay, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định tính ưu đãi (cộng thêm một khoản tiền/cộng điểm) cho hàng hóa xuất xứ Việt Nam có tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước theo nhiều tỷ lệ ưu đãi tương ứng với mức chi phí khác nhau như dưới 50%, hay trên 50%...
Để sớm hiện thực hóa quy định này, các bộ, ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn quy trình thủ tục cụ thể và những tài liệu, giấy tờ cần thiết nào để chứng minh chi phí sản xuất trong nước để được tính ưu đãi khi tham dự thầu. Pháp luật về kế toán, về giá đã có quy định một số sản phẩm phải công bố các yếu tố cấu thành giá, nhưng chưa đủ chi tiết nên rất khó vận dụng trong thực tế.
Hiện nay, việc xác định thời điểm tính ưu đãi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp gây ra tranh cãi giữa bên chấm thầu và nhà thầu như tính theo cả năm, hay thời điểm xét thầu, thời điểm xuất hàng…
Thực tế thời gian qua cho thấy, để tạo lợi thế cho mình, một số nhà thầu mua hàng hóa trong nước ở thời điểm giá thấp nhưng kê khai giá tăng cao hơn cả giá nhập khẩu, nhưng sau khi được cộng ưu đãi thì giá dự thầu lại trở thành giá thấp hơn nhà thầu chào giá nhập khẩu và thiệt hại cuối cùng thuộc về chủ đầu tư. Thực tế chưa có cách nào giải quyết được tình huống này.
Hay ở một số trường hợp khác, nhà thầu cung ứng hàng hóa cho rằng chỉ cần có giấy cam kết của nhà sản xuất là đủ, nhưng tổ chuyên gia, bên mời thầu không biết dựa vào cơ sở nào để cộng ưu đãi cho nhà thầu, từ đó dẫn đến xung đột lợi ích…