Cần có hướng dẫn chi tiết hơn việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong mua sắm hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Tư vấn kỹ thuật xây dựng đô thị Liên Thành là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn kỹ thuật, tư vấn đấu thầu, quản lý dự án... Hiện tại, Công ty đang giữ vai trò là bên mời thầu tại nhiều dự án đầu tư xây dựng, dự toán mua sắm ở khu vực phía Nam.

Ông Châu Ngọc Hiền, Giám đốc Công ty CP Tư vấn kỹ thuật xây dựng đô thị Liên Thành

Nhìn từ thực tiễn đấu thầu mua sắm hàng hóa thời gian qua cho thấy, tình trạng hồ sơ mời thầu (HSMT) lạm dụng yêu cầu về giấy chứng nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc các dạng tài liệu tương đương trong đánh giá hàng hóa rất phổ biến, gây nhiều hệ lụy. Đơn cử có những gói thầu mua sắm bàn ghế yêu cầu tới hàng chục tiêu chuẩn ISO, TCVN, thậm chí, yêu cầu ISO, TCVN đối với cả nguồn vật liệu dùng cho sản xuất hàng hóa như: gỗ, sơn, thép... Đây đều là các yêu cầu không cần thiết, gây hạn chế nhà thầu.

Theo tôi, cần có quy định liên ngành hướng dẫn chi tiết hơn khung áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với từng danh mục sản phẩm/lĩnh vực. Ví dụ như với nhóm sản phẩm hàng hóa thông dụng sản xuất trong nước, chỉ cần yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 (Hệ thống quản lý chất lượng) và các tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, còn nhóm tiêu chuẩn khác như ISO 14001:2015 (Hệ thống quản lý môi trường) hay ISO 45001:2018 (Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp)... nên cân nhắc áp dụng đối với nhóm, danh mục hàng hóa thuộc một số lĩnh vực nhất định hoặc trong trường hợp thực sự cần thiết, đặc thù, tránh lạm dụng, gây khó cho các nhà thầu.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn chi tiết này sẽ là cơ sở, căn cứ pháp lý để đơn vị thẩm định giá xây dựng được chứng thư thẩm định giá sát nhu cầu thực tế, bảo đảm chất lượng hàng hóa cần mua sắm. Đồng thời, đơn vị lập HSMT có cơ sở pháp lý để xây dựng HSMT khách quan, công bằng, tránh được các kiến nghị phát sinh trước, trong và sau đấu thầu.

Chuyên đề