Cần cơ chế đủ mạnh xử lý vi phạm trong đấu thầu

(BĐT) - Liên quan đến thực trạng nhiều bên mời thầu ngang nhiên vi pháp pháp luật về đấu thầu, tìm cách tước đoạt những quyền lợi chính đáng của nhà thầu, phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh về vấn đề này.
Nhà thầu cần có thái độ dứt khoát và kiên quyết đấu tranh trước những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi
Nhà thầu cần có thái độ dứt khoát và kiên quyết đấu tranh trước những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi

Là công ty luật chuyên hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho nhiều nhà thầu, ông đánh giá thế nào về tình trạng các bên mời thầu ngang nhiên vi phạm pháp luật như: không bán hồ sơ mời thầu (HSMT) cho nhà thầu, cài cắm các điều kiện trong HSMT để loại nhà thầu, chấm thầu một cách thiếu khách quan và công bằng...?

Hiện nay, mặc dù pháp luật đã có những quy định hết sức cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên khi tham gia hoạt động đấu thầu, tuy nhiên, trong thực tế, đáng buồn là tình trạng các bên mời thầu có những hành vi vi phạm pháp luật ngày càng phổ biến. Thực trạng này khiến dư luận hết sức quan ngại về tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh cũng như đặt những dấu hỏi lớn về “lợi ích nhóm” trong hoạt động đấu thầu.

Chẳng hạn, pháp luật quy định rất rõ về thời hạn và trách nhiệm trong việc phát hành HSMT. Tuy nhiên trong thực tế, khi nhà thầu đến mua HSMT thì thường xuyên gặp phải tình trạng phòng bán HSMT “cửa đóng then cài”, cán bộ phụ trách bận lịch công tác,… Trong trường hợp may mắn có được HSMT, các nhà thầu sẽ lại tiếp tục gặp “chướng ngại vật”. Đó là các điều kiện đặc thù nhằm làm hạn chế/tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, thậm chí chỉ cần nhìn vào những điều kiện này các bên đều biết HSMT hướng đến ai. Tiếp đó, nếu may mắn đáp ứng đủ các điều kiện này, nhà thầu lại đối mặt với việc đánh giá hồ sơ dự thầu không công bằng, thiếu khách quan, minh bạch. Giai đoạn này, các nhà thầu thường bị yêu cầu làm rõ về các nội dung trong hồ sơ dự thầu hết sức khắt khe, hoặc thậm chí có thể bị loại mà không có cơ hội làm rõ…

Cần cơ chế đủ mạnh xử lý vi phạm trong đấu thầu ảnh 1
Ông Nguyễn Thế Truyền
Mặc dù pháp luật về đấu thầu đã có chế tài nhưng tình trạng vi pháp pháp luật của các chủ đầu tư/bên mời thầu vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo ông, nguyên nhân của sự việc này là gì?

Hoạt động đấu thầu sở dĩ có nhiều vấn đề nổi cộm như vậy có lẽ nguyên nhân lớn đến từ sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Như chúng ta thấy vi phạm thường xảy ra ở các dự án đầu tư công, từ những gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn vốn ODA. Chỉ cần siết chặt khu vực này thì việc thông thầu, vi phạm quy trình đấu thầu sẽ được giảm thiểu đáng kể. Hơn thế nữa, trong các quy định pháp luật, chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe nếu so sánh giữa mức phạt với lợi ích của việc “thông thầu”, “gian lận thầu” đem lại cho các bên. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã rất thành công khi áp dụng các chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu. Tại Việt Nam, Luật Đấu thầu 2013 mặc dù đã có nhiều quy định rất ưu việt, tuy nhiên, trong bối cảnh các hành vi hối lộ, tham nhũng, gian lận vẫn còn phổ biến và nhức nhối trong xã hội, thì luật pháp là chưa đủ, mà còn cần sự quyết tâm của cơ quan thực thi và giám sát thực thi pháp luật. 

Ông có cho rằng cần có một cơ quan độc lập, có thẩm quyền và giải quyết một cách sâu sát những kiến nghị của nhà thầu khi thấy quyền lợi chính đáng của mình bị vi phạm?

Theo số liệu tổng hợp tại báo cáo công tác đấu thầu của các bộ, ngành, địa phương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong năm 2015 đã có 86 cá nhân, tổ chức bị xử phạt trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, trong cả năm 2015, chỉ có 16 quyết định xử lý vi phạm với danh sách 17 cá nhân, tổ chức bị xử phạt được gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải theo quy định. Do đó, cá nhân tôi cho rằng, rất cần có một cơ quan, đơn vị độc lập với bên mời thầu và chủ đầu tư để giám sát và xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đồng thời công khai một cách rộng rãi các hành vi vi phạm và danh tính của các cá nhân, đơn vị vi phạm để cảnh báo, khuyến nghị cho các nhà thầu. Trên thực tế đã có quy định rằng bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu, nhưng thường là các đơn vị này giải quyết qua loa, không thỏa đáng, mất nhiều thời gian... 

Theo ông, nhà thầu phải làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

Về phía nhà thầu, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi tham gia hoạt động đấu thầu, theo tôi, trước hết cần chủ động bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đấu thầu, và tìm hiểu các cơ chế pháp luật bảo vệ mình, các chính sách pháp luật ràng buộc trách nhiện của các chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình thực hiện, triển khai dự án. Bên cạnh đó, các nhà thầu cần có thái độ dứt khoát và kiên quyết đấu tranh trước những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, tích cực tham gia và đóng góp ý kiến để hoàn thiện các quy định của pháp luật đấu thầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chuyên đề