Cải thiện nền tảng, chứng khoán sẽ vững lên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi mong rằng, các nhà quản lý, các thành viên thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ ngày càng đánh giá sự trưởng thành của thị trường dựa trên các yếu tố nền tảng, chứ không dựa vào biến động của VN-Index.
Năm 2023 tiếp tục là năm tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường
Năm 2023 tiếp tục là năm tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường

Tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2023, lần đầu tiên, lãnh đạo Bộ Tài chính không đề cập đến chỉ số VN-Index và bày tỏ niềm tin, TTCK Việt Nam sẽ có một năm mới trở lại mạnh mẽ dựa trên những việc nền tảng phải làm mới, phải củng cố lại trong năm này.

Năm 2022, khó khăn in hằn trong các con số

Dù không muốn nói VN-Index, nhưng thực tế cho thấy, đây là chỉ số đáng phải giải mã nhất trong năm 2022 khi có sự chuyển động ngược dòng với diễn biến tích cực của nền kinh tế. Trong khi GDP tăng trưởng 8,02% năm 2022, với hàng loạt tổ chức quốc tế như IMF, UOB, HSBC, Moody’s… công bố những đánh giá tươi sáng về tương lai Việt Nam, thì VN-Index ghi một dấu ấn buồn khi suy giảm rất mạnh. Cụ thể, từ 1.498 điểm khởi đầu năm, VN-Index rơi xuống 1.007 điểm cuối năm 2022. Với mức giảm gần 35% của VN-Index, hầu hết các chủ thể tham gia TTCK phải chấp nhận thua lỗ.

Hệ lụy tất yếu của việc giá cổ phiếu rơi sâu là các công ty chứng khoán giải chấp hàng loạt cổ phiếu cầm cố của lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết. Dòng cổ phiếu giải chấp từ lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là các mã như DIG, PRD, HPX, HDC, HBC, NVL… khiến cán cân cung - cầu trên thị trường nhiều giai đoạn lệch hẳn về bên bán. Hoạt động này đồng thời cho thấy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng... quá hụt tiền, phải cầm cố lượng lớn cổ phiếu/danh mục đầu tư để vay tiền hoặc làm tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn. Chính dòng cổ phiếu giải chấp với quy mô lớn và phải “bán bằng mọi giá” này là nguyên nhân khiến nhiều phiên giao dịch TTCK Việt Nam rơi vào tình trạng “giảm mạnh nhất thế giới” trong năm 2022.

Thị trường cổ phiếu giảm sâu là một thực tế nhưng cú sốc “để đời” trên TTCK năm 2022 là ở câu chuyện về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ khi nhà quản lý phát hiện ra hàng loạt sai phạm tại các doanh nghiệp lớn, như Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… Niềm tin suy giảm khiến nhà đầu tư ồ ạt yêu cầu rút tiền trước hạn và dừng mua mới, khiến dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó khăn. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2022 chỉ đạt 330 nghìn tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm 2021. Trong nhiều giai đoạn nhà đầu tư mất niềm tin, tin đồn có dịp bùng phát trên các hội, nhóm, diễn đàn. Nhiều đối tượng lợi dụng tin đồn, phím hàng mua bán khiến cho thị trường nhiều phiên liên tục “đỏ lửa”, gây thiệt hại lớn cho người không hiểu chuyện. Tin đồn cũng đã khiến cho các doanh nghiệp vốn đã khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng…, lại càng thêm điêu đứng trên thương trường.

Năm 2023, TTCK sẽ vững lên theo cách nào?

Với quan điểm “đừng nhìn vào VN-Index”, mà cần tập trung cải thiện từ gốc cho TTCK vững tiến, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, công việc chính ngành chứng khoán phải làm năm 2023 là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, sửa đổi Luật Chứng khoán, các luật, văn bản có liên quan để tiếp tục phát triển TTCK về quy mô, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường.

Năm 2023 tiếp tục là năm nhà quản lý tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường. Năm 2022, có khoảng 450 quyết định xử phạt vi phạm trên TTCK được nhà quản lý ban hành, trong đó có 3 trường hợp phạt thao túng chứng khoán; 4 trường hợp bị áp dụng đình chỉ giao dịch; 15 trường hợp buộc cải chính thông tin, trả tiền nhà đầu tư... Dù xử phạt nhiều, nhưng sai phạm trên TTCK chưa hề vơi nhẹ, nên việc giám sát, thanh tra, bóc tách các hành vi vi phạm ra khỏi thị trường sẽ tiếp tục được làm mạnh, để trả lại sự minh bạch và công bằng cho các chủ thể tham gia.

Điểm mới của năm 2023 là nhà quản lý sẽ xây dựng một kế hoạch cụ thể trên cơ sở Chiến lược phát triển của ngành chứng khoán đến năm 2030. Quan điểm phát triển thị trường trong dự thảo Chiến lược đến năm 2030 có nhiều điểm mới hơn rất nhiều so với 10 năm trước. Nếu 10 năm trước, quan điểm tập trung vào phát triển về quy mô thị trường, hàng hóa, nhà đầu tư bằng nhiều giải pháp, thì 10 năm tới, TTCK Việt Nam được định hướng phát triển theo con đường bền vững, thông qua tăng chất lượng hàng hóa, tích hợp vào đó các quan điểm phát triển chứng khoán xanh, tăng chất lượng minh bạch, nhà đầu tư, đẩy mạnh kỷ cương thị trường và ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành TTCK.

Đi qua năm 2022 khó khăn, các tổ chức tài chính trung gian cũng thận trọng hơn trong các dự báo về tương lai thị trường. Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 280 điểm từ 900 - 1.180 điểm là chính. Kịch bản thận trọng, nếu suy thoái lớn bất ngờ xảy ra, VN-Index có thể về mức thấp nhất 780 điểm và dao động từ 780-1.080 điểm.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, lãi suất rẻ hơn trong năm 2023 sẽ giúp TTCK đi lên trong khó khăn. Với việc Quốc hội đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% năm 2023, quan sát từ thị trường cho thấy, nhiều nhà đầu tư chứng khoán không dám mong TTCK sẽ bật lên mạnh mẽ, nhưng kỳ vọng những gì đã mất trong năm 2022 sẽ được thị trường bù đắp lại trong năm 2023 này.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư