Cải thiện môi trường kinh doanh từ gốc pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Môi trường kinh doanh của một quốc gia bao gồm 7 thành tố cơ bản và là yếu tố quyết định tính hiệu quả của một nền kinh tế. Tại Việt Nam, môi trường kinh doanh đã và đang được cải thiện đáng kể, song nhìn từ góc độ cạnh tranh quốc gia và khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối bất động sản hiện nay cho thấy, môi trường kinh doanh cần phải được nhận diện và cải thiện mạnh mẽ, mới tạo nên động lực và sự an tâm cho cả nền kinh tế vận hành.
Một môi trường pháp lý ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, mạnh dạn đổi mới sáng tạo để phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Một môi trường pháp lý ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, mạnh dạn đổi mới sáng tạo để phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Kể từ khi Đổi mới, quy mô nền kinh tế nước ta không ngừng được mở rộng, chỉ số tăng trưởng GDP nhiều năm ở TOP đầu thế giới (xem bảng). Chính phủ trong nhiều nhiệm kỳ đã liên tục thực hiện nhiều chương trình quốc gia, hướng tới việc cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số…, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Dù vậy, so với Singapore và mặt bằng chung của quốc tế, năng lực cạnh tranh về môi trường kinh doanh của nước ta vẫn còn thấp. Thực tế này thể hiện bằng nhiều chỉ tiêu, nhưng dễ so sánh là chỉ tiêu tỷ lệ động viên thuế/GDP.

Tại Singapore, với đặc trưng của một nền kinh tế mở và minh bạch, tỷ lệ thu thuế/GDP khoảng 14,2%. Tại Việt Nam, chỉ tiêu này là 19% GDP, trong khi trên toàn cầu, số liệu của Ngân hàng Thế giới ghi nhận, tỷ lệ thu thuế bình quân khoảng 14,31% GDP. Chưa cần đi sâu phân tích vào các loại thuế cũng thấy, gánh nặng thuế khóa đối với doanh nghiệp Việt Nam có phần cao hơn nhiều quốc gia khác. Thêm vào đó, các chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, logistics… cũng ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh vấn đề thuế, tình trạng khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay, nhất là khối doanh nghiệp bất động sản, là câu chuyện đáng nhìn sâu vào nguyên nhân. Thị trường hầu như đóng băng, nhiều doanh nghiệp trong ngành mang trên vai gánh nặng nợ ngân hàng, nợ trái phiếu rất lớn (đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản lên tới 2,58 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% dư nợ toàn hệ thống; dư nợ trái phiếu bất động sản khoảng 420.000 tỷ đồng). Dư luận đã mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân chính sách không hiệu quả, chỗ bế tắc, chỗ quá buông lỏng quản lý. Các kiến nghị gỡ vướng tập trung chủ yếu vào gỡ vướng thủ tục. Việc sửa đổi, bổ sung khung pháp lý là cần thiết, nhưng sẽ không thể bù lại những cơ hội kinh doanh đã lỡ, những nguồn lực xã hội bị lãng phí hoặc sử dụng sai lệch trong thời gian qua.

Về lý thuyết, môi trường kinh doanh của một quốc gia bao gồm 7 thành tố cơ bản. Đó là: Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Khả năng tiếp cận thị trường, gồm thị trường trong nước và thị trường ngoài nước; Khả năng tiếp cận các nguồn lực (vốn, nhân lực, tài nguyên, công nghệ); Khả năng tiếp cận thông tin (đầy đủ, chính xác để đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời); Môi trường pháp lý ổn định; Cạnh tranh lành mạnh (không có sân sau, không có cánh hẩu); Môi trường xã hội ổn định không có tranh chấp, xung đột, chiến tranh. Để cải thiện môi trường kinh doanh, mỗi quốc gia đều cần tập trung xử lý tất cả các vấn đề trên, trong đó, xây dựng hệ thống pháp lý chuẩn mực và ổn định là thành tố cần được quan tâm nhiều hơn cả.

Tăng trưởng GDP Việt Nam từ năm 1986 - 2022

Tăng trưởng GDP Việt Nam từ năm 1986 - 2022

Môi trường pháp lý ổn định là một môi trường trong đó hệ thống pháp luật, các nguyên tắc và các quy phạm được thiết lập và thực thi một cách minh bạch, công bằng, nhất quán, đáng tin cậy và ít bị thay đổi.

Với một môi trường pháp lý ổn định, việc thu hút đầu tư sẽ dễ dàng hơn. Các nhà đầu tư sẽ không phải đối mặt với rủi ro bị mất tiền đầu tư do chính sách, pháp luật thay đổi.

Với một môi trường pháp lý ổn định, lòng tin vào hệ thống pháp luật sẽ được tăng cường. Khi lòng tin được tăng cường, ý thức chấp hành pháp luật cũng sẽ được tăng cường. Tất cả những điều này lại giúp cho tính có thể dự đoán được bảo đảm, nhờ đó doanh nghiệp có thể đưa ra chiến lược đầu tư dài hạn và yên tâm với dự tính của mình.

Với một môi trường pháp lý ổn định, khả năng đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp sẽ được động viên, thúc đẩy. Doanh nghiệp dễ chấp nhận rủi ro để đổi mới, sáng tạo và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Nhờ đó, những sản phẩm, dịch vụ mới, tiên tiến sẽ được tạo ra cho nền kinh tế.

Với một môi trường pháp lý ổn định, hoạt động thương mại sẽ hiệu quả hơn. Pháp lý tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, bất kể doanh nghiệp đó từ đâu tới hay to nhỏ như thế nào. Điều này đúng cho cả thương mại nội địa lẫn thương mại quốc tế.

Với một môi trường pháp lý ổn định, khả năng thu hút nhân tài cũng sẽ được tăng cường. Thực tế cho thấy, người tài thường tìm đến những đất nước nơi họ có sự an toàn, các quyền và tài sản được bảo vệ. Thu hút người tài là thu hút được nguồn lực quý giá nhất để phát triển kinh tế trong thời đại của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Vậy làm thế nào để tạo dựng và duy trì một môi trường pháp lý ổn định? Chắc chắn cần sự nỗ lực của cả hệ thống, nhưng trước hết, chất lượng các văn bản pháp luật cần được nâng cao, theo đó, các nguyên tắc và quy phạm pháp luật đều phải rất rõ ràng, mạch lạc và công bằng. Tiếp đó, hệ thống tư pháp cần công tâm và khách quan, trong đó, việc áp dụng pháp luật để xử lý các vi phạm cần phải bảo đảm được công lý và sự nhất quán. Vấn đề quan trọng nữa là, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật. Pháp luật phải được tuân thủ không chỉ bởi người dân và doanh nghiệp, mà còn bởi mọi quan chức, mọi cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính ổn định và tính liên tục của hệ thống pháp luật. Tránh việc sửa đổi, bổ sung thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, vì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân vào hệ thống pháp luật. Lòng tin suy giảm thì sự tuân thủ cũng sẽ bị suy giảm.

Ở khía cạnh khác, cần tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về pháp luật. bởi sự hiểu biết về pháp luật là rất quan trọng để có thể hành xử đúng pháp luật.

Chuyên đề