Cải thiện hiệu quả giải quyết kiến nghị trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật pháp về đấu thầu quy định, kiến nghị là việc nhà thầu tham dự thầu đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu khi thấy quyền, lợi ích của mình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong thực tế đã phát sinh nhiều bất cập từ cả phía bên kiến nghị cũng như bên giải quyết kiến nghị. Báo cáo công tác đấu thầu của các bộ, ngành, địa phương ghi nhận nhiều đề xuất xung quanh vấn đề giải quyết kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.
Xử lý thỏa đáng kiến nghị của nhà thầu sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ gói thầu, dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Xử lý thỏa đáng kiến nghị của nhà thầu sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ gói thầu, dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Đề xuất có chế tài với nhà thầu kiến nghị không nghiêm túc

Theo nhiều địa phương, thực tế đã xảy ra việc nhà thầu lợi dụng quy định về kiến nghị trong đấu thầu để gửi ý kiến đối với các gói thầu mình “không tham dự” hoặc “kiến nghị nội dung không liên quan đến quyền, lợi ích của mình”. Nhiều trường hợp nhà thầu chỉ cần “soi” về năng lực, kinh nghiệm, lịch sử tham gia đấu thầu thì có thể biết đi đấu thầu không phải để trúng thầu, nhưng kiến nghị kéo dài. Ban Đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam từng chia sẻ, Tập đoàn đã phải xử lý kiến nghị của một nhà thầu suốt 6 tháng. Họ kiến nghị liên tục lên nhiều cơ quan nhà nước, Tập đoàn đã phải nhiều lần có văn bản trả lời. Tuy nhiên, đến lần cuối cùng thì Nhà thầu có văn bản nói rằng, những văn bản kiến nghị trước với tên của Nhà thầu là… giả mạo!

Từ thực tế địa phương, Sở KH&ĐT Bình Thuận cho biết, hiện nay có rất nhiều nhà thầu lợi dụng quy định của pháp luật về đấu thầu để kiến nghị với những nội dung kiến nghị không rõ ràng, chung chung, như yêu cầu Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong đấu thầu đánh giá lại hồ sơ dự thầu do bên mời thầu đã đánh giá, đánh giá lại năng lực của bên mời thầu… Tuy nhiên, pháp luật chưa có chế tài cụ thể đối với các trường hợp nhà thầu cố tình kiến nghị không đúng quy định. Sở KH&ĐT Bình Thuận đề nghị xem xét có quy định chế tài đối với các nhà thầu lợi dụng quy định của pháp luật để kiến nghị với các nội dung không rõ ràng, không liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, không phù hợp quy định của pháp luật về đấu thầu. Đây cũng là đề xuất của nhiều địa phương.

Còn theo Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị bao gồm các thành viên đại diện của người có thẩm quyền, đại diện của hội nghề nghiệp có liên quan. Tuy nhiên, việc thành lập Hội đồng với chi phí 0,02% giá dự thầu của nhà thầu kiến nghị và tối thiểu là 1 triệu đồng là quá thấp. Do đó, đề nghị nâng mức tối thiểu lên 20 triệu đồng, để hạn chế nhà thầu có chủ đích kiến nghị tùy tiện, phá rối cuộc thầu.

Nhiều địa phương đề xuất mức chi phí tối thiểu thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị lên 20 triệu đồng để hạn chế tình trạng kiến nghị tùy tiện, sai quy định. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Nhiều địa phương đề xuất mức chi phí tối thiểu thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị lên 20 triệu đồng để hạn chế tình trạng kiến nghị tùy tiện, sai quy định. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Nâng cao trách nhiệm các bên trong xử lý kiến nghị

Ở chiều ngược lại, nhiều địa phương cũng chỉ ra có tình trạng một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư chưa kịp thời, chú trọng giải quyết đơn kiến nghị, dẫn đến tình trạng gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi, vượt cấp.

Pháp luật về đấu thầu đã quy định rõ ràng quy trình giải quyết kiến nghị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu. Đồng thời có phân cấp trách nhiệm của các bên trong xử lý kiến nghị. Đối với gói thầu của địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã, vai trò của người có thẩm quyền như Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã… là rất quan trọng.

Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc đề nghị, Chính phủ xem xét giao thêm trách nhiệm giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu cho người có thẩm quyền để tăng cường trách nhiệm quản lý trong công tác đấu thầu tại địa phương, nhất là các dự án ở cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư. Trường hợp không giải quyết được, nhà thầu có quyền kiến nghị đến hội đồng do tỉnh thành lập.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu tại địa phương, Sở KH&ĐT Tiền Giang đề nghị người có thẩm quyền, chủ đầu tư/bên mời thầu có trách nhiệm kịp thời giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời gian quy định. Không được giao cho đơn vị tư vấn đấu thầu thay mặt chủ đầu tư giải quyết, trả lời kiến nghị của nhà thầu; không để phát sinh trường hợp xử lý kiến nghị chậm trễ dẫn đến kiến nghị kéo dài, vượt cấp.

Bên cạnh đó, một số địa phương đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị. Ví dụ, Sở KH&ĐT Bắc Ninh đề nghị cần có cơ chế về chi trả chi phí để mời các chuyên gia tham gia Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị đấu thầu trong trường hợp cần thiết, để cho ý kiến về những nội dung mang tính chất kỹ thuật chuyên sâu, phức tạp liên quan đến gói thầu. Theo Sở KH&ĐT Bình Thuận, trong thực tế, quá trình giải quyết kiến nghị của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị mất rất nhiều thời gian, một số tình huống đấu thầu phức tạp nên khó khăn trong quá trình giải quyết kiến nghị, đôi khi phải lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để có cơ sở giải quyết kiến nghị nhằm bảo đảm phù hợp theo quy định. Do vậy, đề nghị tăng thêm thời hạn giải quyết trong trường hợp nội dung kiến nghị phức tạp.

Có địa phương đề xuất xem xét ban hành quy định thành lập cơ quan hành chính độc lập để giải quyết kiến nghị trong đấu thầu hoặc cho phép người có thẩm quyền thuê đơn vị tư vấn là tổ chức hoặc cá nhân độc lập với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị nếu thấy cần thiết. Như vậy sẽ bảo đảm tuân thủ tốt hơn các quy định của pháp luật, hạn chế tối đa các vi phạm.

Chuyên đề