Các ngân hàng trung ương chuẩn bị nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Financial Times, các ngân hàng trung ương hàng đầu dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tuần này lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Điều này khiến một số nhà đầu tư lo ngại rằng, đợt phục hồi của thị trường trái phiếu trong tháng này đã đánh giá thấp về sự dai dẳng của lạm phát.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Giá trái phiếu đã nhanh chóng hồi phục kể từ đầu năm nay sau đợt bán tháo lịch sử vào năm ngoái, khi thị trường kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại và thậm chí đảo ngược. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã đặt nghi vấn về kỳ vọng này.

"Tôi cho rằng, vấn đề chỉ là khi thị trường nhận thức được môi trường vĩ mô thực sự là trái ngược với những gì họ hy vọng. Môi trường vĩ mô sẽ cực kỳ khó khăn một lần nữa đối với Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) khi phải giảm lạm phát xuống con số kỳ diệu 2% mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái", Monica Erickson, người đứng đầu bộ phận tín dụng cấp đầu tư tại DoubleLine Capital cho biết.

Theo Maureen O'Connor, người đứng đầu về trái phiếu tại Wells Fargo, thị trường tín dụng đang định giá một cách hiệu quả về kết quả không có suy thoái, nhưng đó không phải là trường hợp cơ sở đồng thuận mà hầu hết các nhà kinh tế đang dự báo.

Chỉ số Bloomberg theo dõi trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp cao cấp và trái phiếu có độ rủi ro cao trên khắp thế giới đã tăng 3,3% vào năm 2023 - mức tăng mạnh nhất trong tháng 1 kể từ khi dữ liệu được xây dựng vào năm 1999. Theo dữ liệu của EPFR, dòng vốn vào trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ và Tây Âu trong tháng 1 đạt tổng trị giá 19,3 tỷ USD tính tới ngày 26/1, là tháng 1 tốt nhất từng được ghi nhận.

Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách trong tuần này. Các nhà đầu tư kỳ vọng, Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 25 điểm cơ bản, nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2007 - thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

BoE và ECB được cho là sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên mức cao nhất kể từ mùa thu năm 2008, khi Lehman Brothers đệ đơn phá sản.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực giá cơ bản đang tồn tại dai dẳng khi đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của giá cả trên toàn cầu, và khoảng cách giữa kỳ vọng của nhà đầu tư và dữ liệu kinh tế cũng đang ngày càng lớn.

Các dữ liệu về lạm phát cho thấy, các thị trường hiện kỳ vọng lạm phát cuối cùng sẽ giảm xuống gần với mục tiêu 2% của Fed và ECB. Nhưng tốc độ tăng giá vẫn ở mức 6,5% ở Mỹ và 9,2% ở khu vực đồng Euro. Lạm phát cơ bản - loại bỏ chi phí năng lượng và lương thực - vẫn ở mức cao.

Các cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến kỳ vọng lạm phát sẽ vẫn cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương trong trung hạn bất chấp những đợt hạ nhiệt gần đây. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách vẫn đang theo dõi chặt chẽ các chỉ số về lạm phát, cũng như các thước đo kỳ vọng dựa trên thị trường, bởi vì chúng có thể đáp ứng nhu cầu tiền lương, đồng thời thúc đẩy lạm phát hơn nữa.

"Trên hầu hết các cách tính lạm phát, kỳ vọng lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch và trên mức phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% của các ngân hàng trung ương lớn", Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics nhận định.

Theo Financial Times, nếu các ngân hàng trung ương giữ lãi suất cao trong một thời gian dài hoặc tăng lãi suất nhiều hơn mức kỳ vọng của các nhà đầu tư, thì đà phục hồi của thị trường trái phiếu có thể bị phá vỡ.

Chuyên đề