Các cường quốc tung gói cứu trợ quy mô lớn: Canh bạc cho kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các tổ chức kinh tế lớn dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng tích cực hơn nhờ các gói hỗ trợ quy mô lớn năm 2021. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những vấn đề không dễ chịu liên quan tới lạm phát, dòng chảy đầu tư và nợ công…
Nhiều quốc gia tham gia cuộc đua “bơm tiền” nhằm vực dậy nền kinh tế
Nhiều quốc gia tham gia cuộc đua “bơm tiền” nhằm vực dậy nền kinh tế

“Tất tay” với gói cứu trợ

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, khuấy đảo cuộc sống và nền kinh tế toàn cầu cho tới nay, nhiều quốc gia phát triển đã thực hiện các gói hỗ trợ với quy mô khổng lồ.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Để dễ hình dung về quy mô của gói cứu trợ này, cần lưu ý rằng, 1,9 nghìn tỷ USD lớn hơn GDP của đa phần các nền kinh tế trên thế giới. Trước đó, Chính phủ Mỹ đã thông qua gói chi tiêu trị giá 900 tỷ USD, cũng như chi hơn 2,5 nghìn tỷ USD khác trong năm tài chính cuối cùng khi Tổng thống Donald Trump còn tại chức để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp.

Cho tới nay, Mỹ vẫn là một trong những quốc gia có quy mô các chương trình hỗ trợ lớn nhất trên thế giới. Điều này là dễ hiểu, bởi nền kinh tế Mỹ sở hữu nhiều nguồn lực hơn so với các quốc gia khác.

Không chỉ nước Mỹ mạnh tay tiêu tiền để vực dậy nền kinh tế trước những biến động khó lường hiện nay, nhiều quốc gia khác cũng buộc phải tham gia cuộc đua “bơm tiền”. Chính phủ Nhật Bản chấp thuận chương trình nới lỏng quy mô 707 tỷ USD vào tháng 12/2020 và còn 2 gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 2,2 nghìn tỷ USD đang trong quá trình hoàn thiện.

Tuy nhiên, việc tập trung vào các gói hỗ trợ phần nào khiến chúng ta quên mất thực tế rằng, các quốc gia đã chi tiêu cho nhiều lĩnh vực khác nhằm phản ứng trước đại dịch, tạo bệ đỡ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Theo đó, các gói cứu trợ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” quy mô lớn hơn nhiều.

Ceyhun Elgin, nhà kinh tế học vĩ mô tại Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu nhóm theo dõi các chi phí phản ứng trước đại dịch tính theo GDP của các quốc gia trên toàn cầu cho biết, với gói hỗ trợ quy mô 1,9 nghìn tỷ USD, nước Mỹ đã chi một khoản tương đương khoảng 27% GDP để đối phó đại dịch. Con số này gấp gần 4 lần mức từng được sử dụng để đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng tài chính 2008 và chỉ đứng thứ hai sau Nhật Bản.

Đưa nền kinh tế về ngưỡng trước đại dịch

Gói hỗ trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD được thiết kế để giúp nền kinh tế Mỹ hồi phục, đồng thời cũng hứa hẹn đưa nền kinh tế thế giới trở về ngưỡng trước khi đại dịch xuất hiện, thông qua việc gia tăng nhu cầu đối với các loại hàng hoá, từ máy tập thể dục Trung Quốc, rượu vang Pháp cho tới linh kiện ô tô Mexico…

Hãng tư vấn Allianz cho biết, ước tính khoảng 360 tỷ USD trong gói 1,9 nghìn tỷ USD sẽ được sử dụng cho hàng hoá nhập khẩu, trong đó 60 tỷ USD dành cho hàng hoá Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD

Các số liệu bán lẻ tại Mỹ trong tháng 3 năm 2021 cho thấy, khoản hỗ trợ tiền mặt của Chính phủ nước này khiến người dân gia tăng chi tiêu thêm 7,6% so với tháng trước đó. Cũng nhờ vậy, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng hơn 60% trong 2 tháng đầu năm 2021, so với mức sụt giảm đáng kể vì giãn cách xã hội năm 2020. UBS (ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ) đã nâng dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2021 từ 10% lên 16%, nhấn mạnh yếu tố gói hỗ trợ mới của Mỹ khiến nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung hồi phục tích cực.

Karen Ward, Chiến lược gia trưởng thị trường châu Âu tại JPMorgan Asset Management nhận định: “Khi nước Mỹ mở tiệc, phần còn lại của thế giới đều nhận được thư mời”.

Cùng quan điểm, Christian Keller, Giám đốc nghiên cứu tại Barclays Investment Bank cho rằng, khi nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc leo dốc, các nền kinh tế khác trên toàn cầu sẽ theo bước. Hiện tại, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đóng góp 40% GDP toàn cầu. Bởi vậy, 2 nền kinh tế này tăng trưởng sẽ tạo lực đẩy với phần còn lại.

Theo báo cáo của UNCTAD (Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển), nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 4,7% trong năm nay, cao hơn so với mức 4,3% được đưa ra vào tháng 9/2020, chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ, quá trình phân phối vắc xin và các gói cứu trợ mới thúc đẩy chi tiêu.

Canh bạc rủi ro

Bên cạnh những dự báo lạc quan, có nhiều lý do để các thành viên thị trường ngày càng lo lắng về những hệ quả của chính sách bơm tiền mạnh tay nhằm vực dậy nền kinh tế. Trong đó, mối lo tập trung vào 3 vấn đề: lạm phát, dòng chảy đầu tư và các khoản nợ.

Lạm phát leo dốc khi người tiêu dùng cố gắng mua nhiều hàng hoá hơn mức được sản xuất. Một số nhà kinh tế nhận định, với việc ban hành thêm gói hỗ trợ 1,9 nghìn tỷ USD, nền kinh tế Mỹ sẽ ở mức nới lỏng quá đà. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi tiền mua các tài sản có giá của doanh nghiệp. Nhà băng bơm thêm vốn vào sản xuất, trong khi nhiều hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể phục hồi vì đại dịch. Kết quả là lạm phát có thể ở mức 2 - 4%/năm.

Lạm phát gia tăng tại Mỹ có thể “bóp cò” cho việc nâng lãi suất trên toàn cầu. Giới đầu tư đánh cuộc rằng, FED sẽ buộc phải nâng lãi suất trước sức ép lạm phát hoặc chịu đựng những rủi ro đáng kể khi gỡ bỏ dần các chương trình nới lỏng, khi nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường.

Việc tăng lãi suất tại Mỹ sẽ đảo ngược dòng chảy vốn trên toàn cầu, nhất là khi kinh tế Mỹ hồi phục mạnh mẽ hơn so với phần còn lại của thế giới. Không loại trừ khả năng một sự kiện “taper tantrum” (sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền tại các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn) như năm 2013 lại xuất hiện.

Đáng chú ý, các số liệu của Viện Tài chính quốc tế (IIF) theo dấu dòng tiền tại 30 nền kinh tế mới nổi cho thấy, dòng tiền nước ngoài chảy vào khu vực này đạt 20 tỷ USD trong tháng 1/2021, trung bình rót vào khoảng 325 triệu USD/ngày trong tháng 2. Tới tuần đầu tiên của tháng 3, khối ngoại rút ròng trung bình 290 triệu USD/ngày.

Tài sản tại các thị trường mới nổi thường mang tới lợi nhuận cao hơn so với các thị trường phát triển, nhưng rủi ro cũng cao hơn. Một khi lãi suất tại các thị trường phát triển tăng, sức hấp dẫn của tài sản đầu tư tại các thị trường mới nổi sẽ giảm. Một trong những tín hiệu khiến nhà đầu tư nhanh chóng rút tiền khỏi thị trường mới nổi là việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh lên trên 1,6%/năm, so với mức 0,9% vào thời điểm đầu năm.

Paul Mackel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tiền tệ toàn cầu của Ngân hàng HSBC cho biết: “Chúng tôi lo sợ hiện tượng tantrum với các thị trường mới nổi và diễn biến đột ngột của lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ rõ ràng tạo ảnh hưởng tiêu cực”.

Bên cạnh đó, câu chuyện về núi nợ khổng lồ trên toàn cầu sau đại dịch đã trở thành vấn đề hiện hữu. Ngày 11/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lên tiếng cảnh báo, các quốc gia Trung Đông và Trung Á cần hạn chế vay nợ vì nợ chính phủ tăng cao, đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, theo báo cáo tháng 3/2021 của IIF, nợ toàn cầu đã tăng kỷ lục từ mức hơn 15.000 tỷ USD năm 2020 lên 277.000 tỷ USD. Nguyên nhân là các chính phủ phát hành tài sản như trái phiếu để vay nợ nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong đại dịch.

IIF dự báo, năm 2021, các mức vay mượn dự kiến sẽ vượt xa so với trước đại dịch Covid-19, một phần do lãi suất vẫn thấp. Mức tăng nợ đặc biệt cao ở châu Âu, với tỷ lệ nợ trên GDP của khu vực phi tài chính ở Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp tăng 50%. Còn tại các thị trường mới nổi, Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ nợ tăng mạnh nhất, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các quốc gia đang phát triển với lượng nợ vay bằng ngoại tệ lớn sẽ là đối tượng chịu rủi ro lớn nhất trong môi trường lãi suất tăng và đồng USD mạnh.

Câu chuyện về núi nợ khổng lồ trên toàn cầu sau đại dịch đã trở thành vấn đề hiện hữu. Ngày 11/4, IMF lên tiếng cảnh báo, các quốc gia Trung Đông và Trung Á cần hạn chế vay nợ vì nợ chính phủ tăng cao, đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, theo báo cáo tháng 3/2021 của IIF, nợ toàn cầu đã tăng kỷ lục từ mức hơn 15.000 tỷ USD năm 2020 lên 277.000 tỷ USD. Nguyên nhân là các chính phủ phát hành tài sản như trái phiếu để vay nợ nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong đại dịch. IIF dự báo, năm 2021, các mức vay mượn dự kiến sẽ vượt xa so với trước đại dịch Covid-19, một phần do lãi suất vẫn thấp.

Chuyên đề