Bước phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhờ tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư, hạ tầng giao thông của Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và với quốc tế. Tuy nhiên, so với yêu cầu, hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều việc phải hoàn thiện để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.
Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư. Ảnh: Huyền Trang
Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư. Ảnh: Huyền Trang

Phát triển đồng đều các loại hình giao thông

Tháng 6/2023, chia sẻ với các cơ quan báo chí tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc và đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Đến nay, mạng lưới đường bộ cao tốc bước đầu được hình thành với tổng chiều dài hơn 1.800 km. Trong 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đã hoàn thành hơn 500 km đường cao tốc, bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây (khoảng 1.163 km); đang tiếp tục triển khai thi công khoảng 1.071 km; hoàn tất khởi công các đường Vành đai 4 - Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM, các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh... Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc.

Song song với cao tốc, mạng lưới quốc lộ đã và đang được đầu tư theo quy hoạch như: Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ trọng yếu, nhiều công trình cầu, hầm lớn đã được đầu tư xây dựng như hầm đường bộ Đèo Cả, đèo Cù Mông, Cổ Mã, Hải Vân…, góp phần xóa bỏ các điểm nghẽn hạ tầng.

Hệ thống hạ tầng đường sắt cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, trong đó đã hoàn thành 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, góp phần rút ngắn thời gian chạy tàu, nâng cao an toàn giao thông; đang triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn còn lại, hoàn thành năm 2025. Đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị: Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương.

Những thành quả trong đầu tư hạ tầng giao thông cũng được ghi nhận tại hệ thống cảng biển ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Theo Bộ GTVT, đến nay đã đầu tư, đưa vào khai thác 286 bến cảng (thuộc 36 cảng biển cả nước) cơ bản đáp ứng năng lực vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước, luồng hàng hải được đầu tư đồng bộ với các bến cảng biển. Cụ thể, đang triển khai thi công luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện; nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép, luồng Thọ Quang, cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), luồng Quy Nhơn (Bình Định), luồng Nam Nghi Sơn (Thanh Hóa)…, đưa tổng công suất các cảng từ 420 triệu tấn (năm 2011) lên khoảng 580 triệu tấn mỗi năm.

Đặc biệt, đã cải tạo và đưa vào khai thác 22 cảng hàng không, cơ bản đáp ứng nhu cầu hành khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, hội nhập quốc tế. Gần đây, đã khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cải tạo, mở rộng một số cảng hàng không như Điện Biên, Cát Bi, Phú Bài…

Tạo cơ chế đột phá để phát triển

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong khi đó, một số quy định pháp luật chưa đồng bộ dẫn đến thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp, kéo dài; vốn đầu tư mặc dù đã được quan tâm, ưu tiên bố trí tuy nhiên chưa đáp ứng đủ nhu cầu đã đề ra. Trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, Bộ GTVT dự kiến nhu cầu vốn cần để đầu tư hạ tầng giao thông khoảng 462.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn phân bổ cho Bộ GTVT chỉ đáp ứng 66% nhu cầu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời gian tới, nhiệm vụ của ngành GTVT là rất nặng nề. Bên cạnh mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc, ngành GTVT cần hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; hoàn thành xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên; triển khai nghiên cứu, đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đầu tư nâng cao năng lực các cảng biển cửa ngõ (Cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Lạch Huyện), nâng cao tĩnh không công trình cầu trên các luồng vận tải thủy chính. Đặc biệt, Bộ GTVT vừa đề xuất bổ sung Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư.

Trong diễn biến mới nhất, chiều 28/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, với 464/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Theo đó, Nghị quyết cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 2 dự án theo quy định tại phụ lục I kèm theo Nghị quyết. Nghị quyết quy định cụ thể về cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ, đồng thời, cho phép nhà thầu thi công trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án tại phụ lục kèm theo Nghị quyết. Việc khai thác khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025.

Chuyên đề