Bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Fed ảnh hưởng thế nào đến kinh tế toàn cầu?

0:00 / 0:00
0:00
Mức độ cứng rắn gia tăng của Fed được dự báo sẽ có ảnh hưởng lan rộng trong nền kinh tế toàn cầu...
Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Reuters.
Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Reuters.

Vào đầu tuần này, thị trường tài chính toàn cầu bị sốc khi bất chợt nhận thấy rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất mạnh hơn mức dự báo 0,5 điểm phần trăm. Lý do là lạm phát ở Mỹ lập đỉnh mới của 4 thập kỷ trong tháng 5 vừa qua, bất chấp hai đợt nâng lãi suất đầu tiên vào tháng 3 và tháng 5.

Việc nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm - mạnh nhất kể từ năm 1994 - được xem là cần thiết để khống chế lạm phát đang ở mức 8,6% - cao nhất kể từ năm 1981. Việc Fed quyết định nâng lãi suất với bước nhảy này vào ngày 15/6 đã nhận được sự hưởng ứng của thị trường, thể hiện qua sự phục hồi mạnh của giá cổ phiếu khắp thế giới. Tuy nhiên, giới đầu tư và các chuyên gia phân tích không vì thế mà quên đi những tác dụng phụ mà tốc độ tăng lãi suất này có thể gây ra cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

Phố Wall hiện đang dự báo từ nay đến đầu năm 2023, Fed sẽ có khoảng 8-9 đợt nâng lãi suất nữa, trong đó đợt nâng trong tháng 7 có thể tiếp tục áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất tham chiếu của Fed (fed fund rates) cuối cùng lên ngưỡng khoảng 4%. Sau đợt nâng trong tuần này, lãi suất của Fed đang ở mức 1,5-1,75%.

Dưới đây là 3 tác động mà việc Fed nâng lãi suất mạnh tay có thể gây ra cho kinh tế thế giới:

SUY THOÁI TOÀN CẦU

Mức độ cứng rắn gia tăng của Fed được dự báo sẽ có ảnh hưởng lan rộng trong nền kinh tế toàn cầu. Đó chính là lý do báo cáo lạm phát tháng 5 của Mỹ đã gây ra một cuộc bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán thế giới không riêng gì Phố Wall, vì nhà đầu tư hiểu rằng độ nóng như vậy của lạm phát sẽ buộc Fed phải trở nên cứng rắn hơn.

“Dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ đã tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu. Điều này là dễ hiểu vì ở một góc độ nhất định, Fed chính là ngân hàng trung ương của thế giới, và chính sách của Fed có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu”, chiến lược gia Kristina Hooper của Invesco nhận định với hãng tin CNBC.

Bà Hooper vẫn hy vọng rằng kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái và Fed sẽ thành công trong việc tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế bằng cách cứng rắn vừa đủ và phản ứng linh hoạt với các dữ liệu. Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng nền kinh tế rõ ràng đang đi theo chiều hướng giảm tốc mạnh và “hạ cánh mềm” là một mục tiêu ngày càng khó đạt được.

“Phải thừa nhận rằng, làm cho nhu cầu giảm tốc đủ để kéo lạm phát xuống mà không gây ra suy thoái là một sự thăng bằng cực kỳ mong manh, bởi chính sách tiền tệ là một công cụ tày chứ không phải là một dụng cụ sắc bén như dao mổ”, bà Hooper nói thêm.

Quan điểm của vị chiến lược gia này thuộc trường phái lạc quan, bởi đa phần chuyên gia đều đang có nghiêng về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái.

Sau khi Fed nâng lãi suất hôm 15/6, ngân hàng Wells Fargo & Co. dự báo một đợt “suy thoái nhẹ” của kinh tế Mỹ bắt đầu từ giữa năm 2023, khi lạm phát bám rễ sâu hơn trong nền kinh tế và bào mòn sức chi tiêu của người dân, buộc Fed phải tiếp tục có những động thái cứng rắn để kiểm soát.

Tương tự, công ty nghiên cứu Moody’s Analytics nói rằng cơ hội có một cuộc “hạ cánh mềm” cho kinh tế Mỹ đã giảm đi nhiều. “Fed sẽ tăng lãi suất cho tới khi phá vỡ được lạm phát. Rủi ro nằm ở chỗ họ cũng có thể phá vỡ nền kinh tế”, trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách tiền tệ của Moody’s Analytics, ông Ryan Sweet, nhận định trong một báo cáo.

Trong một cuộc khảo sát của tờ Financial Times trước cuộc họp tuần này của Fed, 70% chuyên gia được hỏi dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023. “Đây không phải là việc hạ cánh một máy bay trên một đường băng bình thường. Đây là hạ cánh máy bay trên dây, trong điều kiện có gió. Ý tưởng rằng chúng ta sẽ đưa được thu nhập giảm vừa đủ và chi tiêu giảm vừa đủ để đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Fed là phi thực tế”, nhà kinh tế học Tara Sinclair thuộc Đại học George Washington phát biểu.

Ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới. Các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đều đang có dấu hiệu đuối sức dưới áp lực của nhiều yếu tố cộng hưởng. Trong khi kinh tế Trung Quốc lao đao vì những đợt phong toả chống Covid-19 và sự sụt giảm của thị trường bất động sản, kinh tế Nhật gặp khó vì đồng Yên sụt xuống đáy 20 năm so với đồng USD và giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu, tăng cao. Kinh tế châu Âu được dự báo có thể suy thoái trong năm nay do tác động của chiến tranh Nga-Ukraine.

Trong bối cảnh như vậy, nếu kinh tế Mỹ suy thoái, nền kinh tế toàn cầu sẽ sụt tốc mạnh theo, thậm chí cũng rơi vào suy thoái. Hồi tháng 4, nhà kinh tế học nổi tiếng Kenneth Rogoff dự báo rằng nếu kinh tế Mỹ suy thoái, nhất là do việc tăng lãi suất, nhu cầu toàn cầu sẽ tụt giảm theo và gây ra những biến động lớn trên thị trường tài chính.

CUỘC ĐUA NÂNG LÃI SUẤT CỦA CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây xác nhận ý định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7 và tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9. Tuy nhiên, vào hôm 15/6, ECB triệu tập một cuộc họp chính sách tiền tệ khẩn cấp khi lợi suất trái phiếu chính phủ nhiều nước trong khu vực Eurozone tăng mạnh.

Giám đốc đầu tư Stephan Monier của Banque Lombard Odier nói với CNBC rằng việc ECB họp bất thường trước khi Fed công bố quyết định lãi suất đã cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. “Ở một góc độ nào đó, việc này cho thấy ECB có thể lo sợ rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm đúng như dự báo, và bước nhảy lãi suất đó sẽ ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro trên thị trường, đồng thời khiến thị trường trái phiếu chính phủ châu Âu tụt giảm hơn nữa”, ông Monier nói.

Ông Carsten Brzeski, trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu của ngân hàng Hà Lan ING, nói rằng tác động của việc trở nên cứng rắn hơn đối với tỷ giá tiền tệ có thể ảnh hưởng đến lập trưởng của các nhà hoạch định chính sách châu Âu.

“Sự cứng rắn hơn của Fed rõ ràng đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ mạnh lên và đồng Euro sẽ yếu đi. Đây vốn dĩ đã là một vấn đề đáng lo ngại đối với nhiều quan chức ECB. Euro suy yếu sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát ở Eurozone”, ông Brzeski phát biểu. “Trong trường họp đó, những người có quan điểm cứng rắn trong ECB sẽ đòi hỏi tăng lãi suất mạnh hơn để bù đắp lại ảnh hưởng lạm phát từ đồng Euro suy yếu”.

Không chỉ hưởng lợi từ ưu thế lãi suất, đồng USD còn được nhà đầu tư xem là kênh đầu tư an toàn hàng đầu khi các tài sản rủi ro bị bán tháo thời gian gần đây.

Chiến lược gia Geoffrey Yu của BYN Mellon nói rằng những mất cân đối đưa đồng USD tăng giá sẽ không sớm mất đi. “Nền kinh tế Mỹ có độ nhạy cảm với sự thắt chặt điều kiện tài chính do biến động tỷ giá ít hơn nhiều nếu so với những nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào thương mại như Thuỵ Sỹ, Nhật Bản và Eurozone, hay nhiều nền kinh tế mới nổi”, ông Yu nói. “Hàng hoá cơ bản trên toàn cầu được định giá bằng USD, nên theo quan điểm từ những nước này, đồng USD tăng giá không hề có lợi cho họ”.

Theo ông Yu, trong lúc đồng USD có khả năng tiếp tục tăng giá, lập trường cứng rắn của Fed có thể giải phóng dư địa để những ngân hàng trung ương như ECB, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tiếp tục thắt chặt chính sách để bảo vệ đồng nội tệ.

SNB ngày 16/5 có đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 15 năm. Theo dự kiến, BOE ngày 17/6 sẽ có đợt nâng lãi suất thứ 5 liên tiếp.

“Nếu các ngân hàng trung ương khác cũng trở nên cứng rắn hơn và để cho đồng nội tệ của mình tăng giá thông qua việc nâng lãi suất, sự cân bằng sẽ được lập lại và có thể hãm đà tăng của đồng USD”, ông Yu phát biểu. “Nhưng ở thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà đầu tư vẫn đang muốn nắm giữ nhiều USD”.

“SUY THOÁI LỢI NHUẬN”

Cùng với khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư cũng được khuyến nghị đề phòng một cuộc “suy thoái lợi nhuận” – theo ông Guy Stear, trường bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi của ngân hàng Pháp Societe Generale.

Trong một cuộc trao đổi với CNBC, ông Stear nói xu hướng tăng kéo dài suốt hơn 25 năm qua của tỷ trọng giữa lợi nhuận doanh nghiệp so với GDP đã “ít nhiều kết thúc”, xét tới sự đảo ngược của toàn cầu hoá, giá năng lượng và đầu vào tăng cao, cùng tiền lương đi lên. Những khó khăn đặt ra đối với chuỗi cung ứng và sự gia tăng của chi phí do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine càng làm khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bên cạnh lãi suất ngày càng cao.

“Tôi cho rằng cho dù điều gì xảy ra trong triển vọng kinh tế, chẳng hạn như khả năng suy thoái kinh tế tăng lên, thì khả năng xảy ra suy thoái lợi nhuận thậm chí còn tăng nhanh hơn”, ông Stear cảnh báo.

Chuyên đề