Ảnh: Ngọc Minh |
Theo đó, Danh mục mới được phê duyệt gồm có 65 dịch vụ, được phân thành 2 nhóm: 8 dịch vụ công liên quan đến một số chỉ số môi trường kinh doanh và 57 dịch vụ công thuộc nhóm dịch vụ công thiết yếu, số lượng đối tượng thực hiện cao.
Cụ thể, 8 dịch vụ công liên quan đến một số chỉ số môi trường kinh doanh sẽ được ưu tiên tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm nay gồm: Đăng ký thành lập doanh nghiệp; Thông báo sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu đối với doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh); Khai lệ phí môn bài; Kê khai thuế doanh nghiệp; Liên thông Đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội (BHXH)...
Trong số 57 dịch vụ công thiết yếu, có số lượng đối tượng thực hiện cao được ưu tiên tích hợp, cung cấp tại Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm nay có các dịch vụ: Thu tiền nộp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Kê khai và nộp lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy; Đăng ký khai sinh; Cấp phiếu lý lịch tư pháp; Đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp (mức 4); Cấp mới giấy phép lái xe; Giải quyết hưởng chế độ ốm đau; Giải quyết hưởng chế độ thai sản; Nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyên và bảo hiểm y tế…
Theo số liệu được Văn phòng Chính phủ cho biết tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia vào ngày 13/3/2020, từ 8 nhóm dịch vụ công trực tuyến ở thời điểm khai trương, đến giữa tháng 3/2020 đã có 169 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp, cung cấp trên Cổng. Tổng số hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia là trên 13.000 hồ sơ.