Bộ GD&ĐT đề nghị mở rộng thêm nguồn vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án đầu tư theo loại hợp đồng BLT, BTL. Ảnh: Tuổi trẻ |
Trong đó, Bộ này nhấn mạnh tới sự cần thiết phải phân định rõ hình thức đầu tư xã hội hóa và hình thức đầu tư PPP.
Vẫn còn nhập nhằng PPP và xã hội hóa
Theo Bộ GD&ĐT, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP cho phép dự án BOT có nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng luật nước ngoài nhưng hiện những vấn đề liên quan đến đất đai theo quy định của Luật Đất đai vẫn không thể thống nhất. Tổng hợp từ thực tiễn triển khai PPP thời gian qua của Bộ GD&ĐT cho thấy, các dự án PPP không chỉ bị điều chỉnh bởi nhiều luật trong quá trình thực hiện, mà còn bị chồng lấn với xã hội hóa. Phạm vi áp dụng xã hội hóa chưa được phân định rõ với PPP, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước khi lựa chọn mô hình đầu tư.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, văn bản quy phạm pháp luật quy định về đầu tư theo hình thức PPP mới chỉ dừng ở Nghị định của Chính phủ, nên hành lang pháp lý về PPP vẫn còn phụ thuộc vào nhiều luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu trong suốt vòng đời một dự án PPP (từ bước chuẩn bị đầu tư cho đến triển khai đầu tư và vận hành, khai thác dự án). Trong khi đạo luật này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh hoạt động của dự án đầu tư công. Do vậy, trong quá trình thực hiện, phía Nhà nước và tư nhân vẫn còn gặp khó khăn ở nhiều khâu, gây quan ngại lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn như quy trình, thủ tục và nội dung cần thiết để thực hiện quyết định đầu tư dự án; công tác giám sát, nghiệm thu và thanh toán công trình, đặc biệt là công tác quản lý phần vốn góp của Nhà nước; công tác giám sát và quản lý chất lượng trong quá trình đầu tư, vận hành; các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư...
Việc lựa chọn hình thức đầu tư PPP theo quy định hiện hành tại Việt Nam, theo Bộ GD&ĐT, mới chỉ dừng ở mức “ưu tiên”, trong khi quy định của nhiều nước và hướng dẫn của một số tổ chức thế giới thường yêu cầu chính phủ “phải” xem xét tính khả thi đầu tư dự án theo hình thức PPP trước khi quyết định bỏ toàn bộ ngân sách đầu tư để giảm gánh nặng đầu tư công và tăng hiệu quả đầu tư, khai thác, vận hành dự án.
Vấn đề nguồn lực cho dự án PPP cũng đang bế tắc. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành, địa phương gần như không có phân bổ cho phần vốn của Nhà nước tham gia vào dự án PPP, việc huy động vốn tín dụng thương mại cho dự án PPP cũng đang gặp trở ngại lớn.
Mở rộng thêm nguồn vốn đối ứng của Nhà nước
Trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 nghị định nêu trên.
Trước tiên, Bộ GD&ĐT cho rằng, cần phân định rõ hình thức xã hội hóa, phạm vi áp dụng xã hội hóa với hình thức đầu tư PPP trong quá trình sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định liên quan đến PPP.
Để hình thức đầu tư PPP có hiệu quả, Bộ GD&ĐT đề nghị mở rộng thêm nguồn vốn đối ứng của Nhà nước để thanh toán cho các nhà đầu tư trong các dự án đầu tư theo loại hợp đồng BLT, BTL..., sử dụng thương hiệu đơn vị, cho phép các công trình được mang danh nhà đầu tư. Về phía Nhà nước, Bộ đề nghị mở rộng đối tác trong thực hiện dự án PPP đến các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cung cấp dịch vụ công mà Nhà nước phải bảo đảm (thông qua các cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ) như một bên ký kết hợp đồng với đối tác tư nhân.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên thực hiện dự án theo hình thức PPP. Trường hợp không đáp ứng thì mới bố trí 100% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, bổ sung dòng tiền cho việc triển khai dự án PPP, tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.