Khi hàng hóa Trung Quốc không bán được cho Mỹ có khả năng sẽ bán sang Việt Nam và nhiều nước khác. Ảnh: Tường Lâm |
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề cập tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam, cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động diễn ra ngày 20/7/2018.
Không quá đáng ngại với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Nhìn về cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung vừa bùng nổ đầu tháng 7 này, ông Cung cho rằng, đây là cuộc tranh giành về chiến lược chính trị, không chỉ là cuộc chiến thương mại đơn thuần. Do đó, cuộc chiến này có thể sẽ kéo dài, quy mô có thể thay đổi tùy vào bối cảnh của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cuộc chiến này kéo dài bao lâu là câu chuyện khó có thể định đoán.
Trước một số cảnh báo đưa ra, trong cuộc chiến thương mại này, nguy cơ hàng hóa Trung Quốc khi không xuất khẩu được sang thị trường Mỹ sẽ chảy vào thị trường khác, trong đó có Việt Nam và sẽ cạnh tranh gay gắt với hàng hóa trong nước, doanh nghiệp sản xuất sẽ lao đao. Về vấn đề này, ông Cung nhìn nhận, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chúng ta cũng đừng đẩy quá cao tác động của nó đối với kinh tế Việt Nam. Ông Cung cho rằng, hãy nghĩ rằng chúng ta có lợi trong chiến lược và địa chính trị nên đừng quá thổi phồng và gây tâm lý hoang mang với các nhà đầu tư. Lãnh đạo CIEM nhận định, tác động tổng thể của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến tăng trưởng, tổng cầu kinh tế thế giới giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam không phải những mặt hàng nhạy cảm về cầu. Với Trung Quốc chúng ta chủ yếu nhập nhiều của họ than đá và nguyên liệu sản xuất điện tử.
Bên cạnh đó, các mặt hàng Mỹ đánh thuế Trung Quốc phần lớn là công nghệ cao. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hàng Trung Quốc ngay thời điểm hiện nay sẽ không xuất sang Việt Nam, bởi những mặt hàng này nằm trong diện đánh thuế là hàng "Made in China 2025" và Việt Nam không đủ dung lượng.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi đánh giá về tác động của cuộc chiến với hàng hóa Việt Nam, chúng ta cần xem xét một cách toàn diện. Bởi lẽ, khi hàng hóa Trung Quốc không bán được cho Mỹ có khả năng sẽ bán sang Việt Nam và nhiều nước khác. “Chúng ta cũng không nên nghĩ rằng, Trung Quốc chỉ bán sang những hàng kém chất lượng mà có khi phải coi đây là một cơ hội khi Việt Nam mua được những hàng hóa với chi phí rẻ hơn”, ông Thiên nói và cho rằng, tình thế bao giờ cũng có hai mặt, không bao giờ là tiêu cực. Tuy nhiên, người đứng đầu Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý, trong cuộc chiến này nguy cơ với Việt Nam là cao hơn. Lý do là, xưa nay cấu trúc hàng hóa của ta lệ thuộc khá lớn vào Trung Quốc, nhất là hàng hóa tràn vào qua kênh tiểu ngạch với phẩm cấp thấp. Do đó, khi muốn nhận được hàng hóa chất lượng thì cần thúc đẩy thương mại chính ngạch.
Còn với Mỹ, hàng của họ có xuất sang Việt Nam hay không? Theo ông Cung, câu trả lời là "có", hàng hóa chủ yếu là đậu tương, ngô, nông sản. Hàng hóa này có thể vào Việt Nam và cạnh tranh với nông sản Việt Nam nhưng chúng ta không quá lo ngại nhiều. Vấn đề cần quan tâm trong cuộc chiến này theo ông Cung đó là chúng ta phải quan tâm vấn đề sắt thép tạm nhập tái xuất của Trung Quốc sang Hoa Kỳ hoặc sắt thép gắn mác Việt để xuất sang Hoa Kỳ. Bởi lẽ, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị vạ lây, khi Hoa Kỳ tung đòn đánh thuế với chính chúng ta.
Cần “bộ lọc” khi tiếp nhận dòng vốn dịch chuyển
Theo dự đoán của các nhà kinh tế Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là cơ hội để năng lực cạnh tranh quốc gia của Mỹ lớn lên, phân bố lại sản xuất tạo ra cho nước Mỹ thêm 3 triệu việc làm. Trong bước đi này, Việt Nam có thể đón đợi được phân bố sản xuất từ Mỹ hay không? Theo ông Cung, câu trả lời là “không”, bởi vì các ngành Mỹ dịch chuyển khỏi Trung Quốc thì chúng ta không đủ năng lực hấp thụ. Các ngành dịch chuyển đều là các ngành công nghệ cao, trong khi năng lực con người và công nghệ của chúng ta không đủ chất lượng. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp cần nhiều lao công vẫn có cơ hội cho Việt Nam. Chẳng hạn hãng Nike hay nhiều doanh nghiệp Mỹ khác gần đây có tuyên bố chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, ông Thiên cho rằng, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư lúc nào cũng có. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vừa nổ ra thì khả năng dịch chuyển sẽ mạnh hơn. Theo ông Thiên sẽ có 2 khả năng dịch chuyển dòng vốn. Thứ nhất, những nhà đầu tư thoát khỏi Trung Quốc có thể sẽ vào Việt Nam. Đây là cơ hội thu hút đầu tư. Thứ hai, khi dịch chuyển dòng vốn, Trung Quốc cũng muốn đưa công nghệ cũ ra ngoài… “Nhìn cả hai yếu tố này cho thấy, dịch chuyển dòng vốn vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với Việt Nam”, ông Thiên nhìn nhận và cho rằng, Việt Nam cần thận trọng với loại cơ hội thứ hai, nếu không chúng ta sẽ tiếp nhận loại đầu tư như chúng ta không mong đợi, nhất là đầu tư công nghệ thấp…