Bình Dương: Nhiều dự án trọng điểm tắc giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù đã gần hết tháng 10, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh Bình Dương có tỷ lệ giải ngân rất thấp bởi các vướng mắc chưa thể tháo gỡ để giải phóng nguồn vốn đã bố trí theo kế hoạch. Cũng vì vậy, Bình Dương đang đối diện với áp lực giải ngân đầu tư công rất lớn trong những tháng cuối năm 2023.
Tính tới ngày 19/10, giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương khoảng hơn 11 nghìn tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch năm 2023. Ảnh: Hoài Tâm
Tính tới ngày 19/10, giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương khoảng hơn 11 nghìn tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch năm 2023. Ảnh: Hoài Tâm

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, tính tới ngày 19/10, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của địa phương này khoảng hơn 11 nghìn tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch. Năm 2023, tổng vốn đầu tư công của Bình Dương là hơn 22,8 nghìn tỷ đồng (kế hoạch vốn năm 2023 là 22,3 nghìn tỷ đồng và kế hoạch vốn các năm trước kéo dài là 520,9 tỷ đồng). Trong đó, 38 công trình, dự án trọng điểm được Tỉnh bố trí số vốn trên 14,561 nghìn tỷ đồng, chiếm 66,8% tổng kế hoạch.

Nhìn vào cơ cấu kế hoạch vốn, việc hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% vốn đầu tư công của Bình Dương tùy thuộc vào tiến độ các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều dự án đang gặp vướng mắc. Trong danh mục dự án trọng điểm, hiện có 11 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó không ít dự án chưa giải ngân.

Điển hình như Dự án Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (vốn kế hoạch 209,330 tỷ đồng), Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (vốn kế hoạch 189,400 tỷ đồng) đều có tỷ lệ giải ngân 0% cho nguồn vốn bố trí năm 2023.

Theo tìm hiểu, Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường có 2 gói thầu xây lắp. Hiện nay, Gói thầu số 1 Thi công, cung cấp và lắp đặt các hệ thống kỹ thuật đạt 92,35% giá trị hợp đồng. Gói thầu số 2 Thi công và lắp đặt thiết bị hệ thống khí y tế và vận chuyển mẫu bệnh phẩm đạt 89% giá trị hợp đồng. Dự án gặp vướng mắc về một số vật tư thiết bị đầu cuối đã được nhập về công trình, song đơn vị thi công chưa thể lắp đặt vào vị trí vì khó khăn trong công tác bảo quản (mất cắp, hư hỏng). Một số thiết bị dự kiến đến cuối năm 2023 mới về đến công trình. Ngoài ra, nhà thầu thi công gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Dự án Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường gặp khó khăn vì cần điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự kiến đến cuối năm, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư điều chỉnh mới được hoàn thiện và trình thẩm định. Dự án không có cấu phần xây dựng thuộc ngành y tế, hiện tại chưa có quy định về định mức, phương pháp xác định chi phí nên việc chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn sẽ mất nhiều thời gian.

Một trường hợp khác là Dự án Nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai được bố trí 853,5 tỷ đồng, song tới nay mới giải ngân được 18,7 tỷ đồng, tương đương 2% kế hoạch. Theo ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (Chủ đầu tư), Dự án gặp khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án có 904 hộ bị ảnh hưởng trải dài trên tuyến kênh gần 19 km. Trong khi đó, thủ tục công tác bồi thường phải thực hiện qua nhiều bước, thời gian thực hiện dài, các hộ dân kiến nghị về chính sách bồi thường… Ông Sơn cho biết thêm, Ban đang phối hợp với địa phương quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc để hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Dự án Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương cũng chậm tiến độ. Dự án được bố trí 496,4 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng tới giữa tháng 10 mới giải ngân được 29,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ vỏn vẹn 6% so với kế hoạch. Theo Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải Bình Dương, trong năm 2023, Dự án được bố trí 296,4 tỷ đồng vốn bội chi ngân sách từ nguồn vốn vay lại, nhưng đến nay thủ tục hiệp định vay và hợp đồng vay lại chưa hoàn thiện, nên không thể giải ngân được. Ban đang kiến nghị cắt giảm kế hoạch vốn bội chi ngân sách năm 2023 của Dự án.

Dù tiến độ khá hơn, song nhóm các dự án giao thông của tỉnh Bình Dương còn lượng vốn lớn cần giải ngân trong giai đoạn nước rút cuối năm. Cụ thể, Dự án thành phần (DATP) 6 Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương có kế hoạch vốn 6,173 nghìn tỷ đồng, đã giải ngân 4,427 nghìn tỷ đồng. Dự án đang gặp khó khăn vì ranh GPMB có phần trùng lắp với Dự án Xa lộ Hà Nội, do đó Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Dĩ An chưa tổ chức đo đạc, kiểm đếm, thiết lập hồ sơ thu hồi đất và tài sản gắn liền với đất theo trình tự, thủ tục quy định.

Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa) có vốn kế hoạch 1,318 nghìn tỷ đồng, giải ngân được 1,040 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 79%. DATP 5 Xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) có vốn kế hoạch 1,127 nghìn tỷ đồng, giải ngân được 243,288 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch.

Dự án GPMB Quốc lộ 13 đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố có kế hoạch vốn 1,1 nghìn tỷ đồng, đã giải ngân 639,236 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch. Dự án gặp vướng mắc trong công tác di dời lưới điện và TP.Thuận An đang hoàn chỉnh báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư…

Chuyên đề