Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Thời điểm chín muồi để triển khai đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều đại biểu Quốc hội, hiện là thời điểm chín muồi để triển khai đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là dự án có tầm quan trọng, chiến lược dài hạn, tác động sâu rộng tới mọi mặt kinh tế - xã hội của nước ta. Đồng thời, cần đánh giá kỹ lưỡng, lường trước những vấn đề khó khăn có thể phát sinh trong quá trình triển khai để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng Dự án.
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được thực hiện theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa: AI
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được thực hiện theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa: AI

Nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn

Sáng 13/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự án chưa được Quốc hội thông qua vào năm 2010 do còn ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế tại thời điểm năm 2010 thấp (GDP là 147 tỷ USD), nợ công ở mức cao (56,6% GDP). Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao khi quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp (khoảng 37% GDP). Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, ở quy mô như vậy nguồn lực để đầu tư Dự án không còn là trở ngại lớn.

Theo ông Thắng, tuyến đường sắt tốc độ cao được đề xuất bắt đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành với chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các đô thị có nhu cầu vận tải lớn.

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827 ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Dự án phù hợp các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và cơ bản đáp ứng yêu cầu về hồ sơ theo quy định của Luật Đầu tư công.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho Dự án thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, cơ chế đặc biệt là rất cần thiết. Hiện Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bắt đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua 20 tỉnh, thành phố với chiều dài khoảng 1.541 km. Ảnh minh họa: AI
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bắt đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua 20 tỉnh, thành phố với chiều dài khoảng 1.541 km. Ảnh minh họa: AI

Lường trước khó khăn trong triển khai Dự án

Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và lý do đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Khẳng định sự cần thiết đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vận tốc 350km/h, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về quá trình thực hiện Dự án, nếu kéo dài sẽ gây lãng phí, đội vốn. Ông Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm một số yếu tố về ngân sách và nợ công, phương án tính toán để tự cân đối nguồn lực tài chính để ngân sách nhà nước không phải lo gánh nặng này. Làm rõ, phân tích tác động cụ thể đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế như phát triển điện như thế nào để đáp ứng cho đường sắt tốc độ cao; đánh giá tác động trong đầu tư dự án này đối với nguồn ngân sách chi cho mục tiêu các chương trình, dự án khác đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua…

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu câu hỏi về lưu lượng người dùng, thời gian vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản trong bao lâu để bảo đảm chất lượng, vị trí các nhà ga ở đâu cho hợp lý. Đặc biệt, sau khi Dự án đi vào hoạt động, việc vận hành sao cho hiệu quả, bởi kinh phí vận hành dự kiến đang ở mức rất cao.

Nếu được thông qua chủ trương đầu tư thì Dự án khởi công vào năm 2027 và khánh thành năm 2035. Với mốc thời gian này, ông Trí cho rằng, triển khai càng nhanh thì càng hiệu quả. Chúng ta có đủ nguồn lực về con người, phương tiện kỹ thuật, kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), việc triển khai Dự án sẽ thúc đẩy kinh tế cả nước, chứ không tập trung vào địa phương nào, đặc biệt là phát triển logistics Bắc - Nam, kết nối với tuyến đường sắt Bắc Á để vận chuyển hàng hóa, xuất khẩu. Do đó, Dự án phải được phát triển theo tuyến lưỡng dụng, tức là cả vận tải hành khách và hàng hóa. Đồng thời, cần chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ nhằm bảo đảm thời gian khánh thành như dự kiến.

Tán thành chủ trương đầu tư Dự án, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, đây là thời điểm chín và có đầy đủ tiềm năng để thực hiện ước muốn có được phương tiện giao thông hiện đại, đóng góp cho sự phát triển đất nước. Đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý, trong quá trình triển khai phải bảo đảm tính đồng bộ, kết nối giữa quy hoạch của 20 địa phương Dự án đi qua.

Ông Ngân cũng đặt vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, ngành công nghiệp đường sắt và phụ trợ, tạo lập hệ sinh thái hỗ trợ cho quá trình vận doanh Dự án.

Liên quan tới nguồn vốn, đại biểu Ngân gợi ý, giá đất của các khu vực có Dự án đi qua sẽ tăng. Các địa phương khi tiến hành đấu giá cần có tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương để bù vào vốn đầu tư cho Dự án.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị Chính phủ quan tâm, có phương án, giải pháp ứng phó trong các tình huống không mong muốn và kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài. Đồng thời, cần quan tâm, thu hút đầu tư tư nhân trong nước để giúp doanh nghiệp có cơ hội lớn mạnh, có thể trực tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để nội địa hóa ở mức tối đa. Từ đó, vừa giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài, vừa huy động nguồn lực toàn xã hội để giảm bớt sức ép cho ngân sách nhà nước.

Chuyên đề