Biến động tăng giá vật liệu xây dựng sẽ gây rủi ro cho nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng năm cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, doanh nghiệp nói chung và nhà thầu xây lắp nói riêng lại đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Ông Đinh Văn Mạnh, Giám đốc điều hành dự án, Công ty CP Xây dựng Thương mại Mai Hưng

Đầu tiên, bảo đảm nhân sự, nhất là lao động phổ thông sau Tết là vấn đề đau đầu của không ít doanh nghiệp xây dựng. Đặc thù của ngành xây dựng là công nhân, lao động phổ thông chiếm số lượng lớn, được huy động từ nhiều địa phương khác nhau. Dịp nghỉ Tết Nguyên đán, một số lượng lớn công nhân về quê, nhất là lao động tự do, nên việc “kéo” đội ngũ lao động này quay trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết mất nhiều thời gian, chi phí, có độ trễ nhất định, thách thức trong việc bảo đảm biểu đồ tiến độ thi công các gói thầu trong thời gian ngắn. Qua tháng Giêng của năm mới, mọi việc mới thuận lợi trở lại.

Ngoài ra, thường trong quý I các năm, giá cả một số mặt hàng thường có diễn biến tăng, trong đó dự báo có thể có sự tăng giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu, nguồn cung ứng vật liệu, máy móc, thiết bị thi công. Trong khi đó, dự toán thực hiện các gói thầu, dự án đã được phê duyệt từ lâu (giá thấp), nên việc điều chỉnh tăng giá ảnh hưởng tới chi phí đầu tư xây dựng, hoạt động của nhà thầu. Biến động tăng giá vật liệu xây dựng sẽ gây rủi ro cho nhà thầu, đòi hỏi phải rà soát, xem xét lại các gói thầu đã ký kết, đặc biệt là các hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp xây dựng phải chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngay từ trước khi nghỉ Tết. Với những dự án quan trọng, để bảo đảm tiến độ thì phải có sự sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân công, có chế độ, chính sách tốt hơn cho người lao động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn vật tư, thiết bị để không gián đoạn sau dịp nghỉ lễ.

Chuyên đề