Chủ đầu tư nhờ tìm giúp tư vấn đấu thầu ở đâu là chuyện “kỳ lạ” mà các nhà thầu phản ánh khi đi mua HSMT tại huyện Kỳ Sơn |
Nhắn tìm tư vấn
Đường dây nóng Báo Đấu thầu những ngày đầu mới vận hành trong năm 2008 liên tục nhận được những cuộc gọi của các nhà thầu từ khắp cả nước. Đây có lẽ là đường dây nóng đầu tiên dành cho các nhà thầu đi vào hoạt động nên nhà thầu bức xúc sẵn sàng gọi cả vào giữa đêm khuya. Và một nhà thầu xây dựng ở TP. Vinh (Nghệ An) sau khi đi gần 300 km lên huyện biên giới Kỳ Sơn để mua HSMT của Gói thầu Xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn không được, đã gọi điện đến Báo Đấu thầu cầu cứu: “Báo Đấu thầu hãy trực tiếp đến bệnh viện để biết mọi chuyện. Kỳ lạ lắm!”. Ngày đó, việc không bán HSMT chưa được đưa vào quy định là một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu. Đường dây nóng của Báo Đấu thầu lại thường xuyên “nóng ran” vì chuyện này.
Có mặt ở Bệnh viện, gặp trực tiếp Giám đốc Bệnh viện, phóng viên mới “ngấm” cái sự “kỳ lạ lắm” mà các nhà thầu cảnh báo. “Ơ, cô mua cái gì nhỉ? Tôi có cái gì để bán ngoài thuốc nhỉ? À, cô là nhà thầu đi mua hồ sơ thầu gì đó phải không? Cho tôi nhắn tìm ông tư vấn với nhé. Có mấy nhà thầu đến đây, cũng hỏi y như cô. Tôi cũng nhờ nhắn tìm ông tư vấn mà họ không chịu giúp. Cô về Vinh tìm giúp tôi ông tư vấn cô nhé” - vị Giám đốc bày tỏ.
Nếu là người ngoài, không ai nghĩ đây là đại diện cao nhất cho chủ đầu tư của một dự án lên đến 28 tỷ đồng của một huyện thuộc diện nghèo nhất tỉnh Nghệ An. Ông Giám đốc Bệnh viện “nhờ nhắn tìm tư vấn” rất thật lòng. Ông “gửi gắm” phóng viên rất nhiệt tình: “Ông tư vấn ông ấy đăng báo, rồi ông ấy ở đâu không bao giờ xuất hiện. Giờ tôi chả có cái hồ sơ thầu gì đó đâu, cũng không biết ông tư vấn ở đâu mà tìm. Các cô về Vinh tìm giúp tôi nhé!”.
Lần theo tên một nhà thầu tư vấn được ông Giám đốc Bệnh viện viết ra giấy, chúng tôi ngược lại TP. Vinh với hy vọng tìm được tung tích của tư vấn này. Oái oăm thay, đến địa chỉ đầu tiên gần ga Vinh thì đó là một cửa hàng bán gas. Được giới thiệu đến địa chỉ thứ hai thì đó là một gia đình đóng cửa im ỉm, không có biển hiệu, không có ai thông tin gì thêm. Vậy là “thất hứa” với ông Giám đốc Bệnh viện đáng thương. Không biết tư vấn đó được ai gửi gắm mà hành xử lạ lùng, trong suốt quá trình bán HSMT không một lần xuất hiện. Chủ đầu tư cũng không biết ông tư vấn là ai, đã và sẽ làm gì theo cam kết giữa hai bên. Câu chuyện “nhắn tìm tư vấn” phóng viên cũng gặp thêm một vài trường hợp trong quá trình tác nghiệp về sau. Thường rơi vào trường hợp chủ đầu tư là những đơn vị đóng ở địa bàn đặc biệt khó khăn, không có điều kiện và hiểu biết nhiều về đấu thầu. Do đó, những tư vấn này cứ mất tích và xuất hiện lúc nào tùy hứng.
“Qua mặt” chủ đầu tư
Trong một cuộc trò chuyện với một Ban Quản lý dự án của tỉnh Bình Dương, phóng viên nghe cảm thán của đại diện Ban này: “Bây giờ có một số tư vấn có cách làm việc rất lạ lùng. Anh cũng không hiểu có ai chống lưng mà họ hành xử không giống như tư vấn đấu thầu bình thường. Nhiều thủ tục và nội dung trong suốt quá trình đấu thầu họ vượt mặt chủ đầu tư một cách thô thiển”.
Đại diện Ban này chia sẻ thêm: “Ví dụ như sau khi phát hành HSMT, nhà thầu có kiến nghị làm rõ HSMT, tư vấn không hề thông báo, báo cáo việc này cho chủ đầu tư. Hay khi muốn làm rõ HSDT, yêu cầu nhà thầu bổ sung tài liệu, chứng minh năng lực, tư vấn cũng tự tung tự tác. Đến khi nhận thấy những yêu cầu làm rõ của tư vấn là… quá đáng, nhà thầu đến trực tiếp gặp chúng tôi để phàn nàn thì chúng tôi mới biết đầu đuôi câu chuyện. Kiểm tra lại quá trình văn bản qua lại giữa hai bên, chúng tôi nhận thấy là tư vấn đã tự đưa ra những yêu cầu vô lý, đẩy nhà thầu vào thế khó. Ban Quản lý dự án lại phải vào cuộc, dàn xếp ổn thỏa để nhà thầu tiếp tục giữ niềm tin với Ban”.
Đây là câu chuyện có thật xảy ra ở một ban lớn, quản lý những dự án hàng trăm tỷ đồng mà nếu chính đại diện Ban không chia sẻ, phóng viên cũng không thể hình dung được “tác phong” làm việc của một số tư vấn đấu thầu hiện nay. Nếu Ban không chuyên nghiệp và có trách nhiệm với nhà thầu, rất có thể, tư vấn đã tự cho mình cái quyền loại nhiều nhà thầu một cách thiếu chính đáng.
Nhưng không phải ban nào, chủ đầu tư nào khi thuê tư vấn cũng đủ tầm và tâm để điều chỉnh nổi hành vi sai trái của tư vấn đấu thầu. Khi tìm hiểu thực tế công tác đấu thầu, nhiều tư vấn “qua mặt” chủ đầu tư đều do xuất phát từ chủ đầu tư gần như phó thác hoàn toàn công tác đấu thầu cho tư vấn. “Do nhiều tư vấn còn hạn chế trong nhận thức về trách nhiệm của chủ đầu tư nên dẫn đến tình trạng một số tư vấn tự cho phép biến mình thành “át chủ bài” của mọi cuộc thầu. Đây là một tư duy làm đấu thầu lạc hậu, nguy hiểm và góp phần gây ra tình trạng thiếu minh bạch trong đấu thầu” - một nhà thầu xây lắp dân dụng tại TP.HCM nhận xét.
“Chúng tôi thuê tư vấn đấu thầu rồi, mọi thông tin liên quan đến quá trình tổ chức đấu thầu vui lòng liên hệ với tư vấn”. Đó là câu trả lời mà gần đây phóng viên Báo Đấu thầu nhận được khi liên hệ với đại diện các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư thường “đá quả bóng” sang tư vấn đấu thầu trong mọi vấn đề. Nếu tư vấn chậm trễ trong việc cung cấp thông tin đấu thầu, chậm trễ trả lời nhà thầu thì chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm… giục giúp.
Tháng 9/2016, trong quá trình đóng vai nhà thầu đi mua HSMT tại Bà Rịa - Vũng Tàu, phóng viên từng chứng kiến câu chuyện: Nhà thầu chạy như con thoi giữa địa chỉ của tư vấn và địa chỉ của chủ đầu tư để mua HSMT. “Nhà thầu cứ sang địa chỉ của tư vấn xem có HSMT chưa? Chưa có thì gọi điện cho chủ đầu tư qua đó để mua giúp”. Ấy vậy mà khi quay lại địa chỉ của tư vấn lần thứ 3 trong một buổi sáng, tư vấn đấu thầu đã xua như xua tà. “Cái ông chủ đầu tư này kỳ lạ. Đã nói là không có HSMT làm sao mà bán. Tôi chỉ là tư vấn thôi. Lấy đâu ra HSMT mà bán với mua. Chủ đầu tư cứ hứa với nhà thầu mà không nói gì với tư vấn là không có bộ HSMT nào đâu!” - tư vấn đấu thầu đã răn đe nhà thầu và “nhắn nhủ” với chủ đầu tư đầy ẩn ý như vậy.