Còn nhiều chỉ tiêu chưa về đích
Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2019, vẫn còn khá nhiều chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch được giao. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ đạt 99,6% so với kế hoạch; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 99,7%; số thu đạt 89,6%. Đáng lưu ý, tổng số nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) đạt khoảng 7.286 tỷ đồng, bằng 2,03% so với kế hoạch thu được giao năm 2019.
Do đó, để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2019, Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tháng 11/2019, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Thị Minh đã chỉ đạo toàn Ngành phải tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp. Trong đó, cần tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH, BHYT; rà soát, xử lý dữ liệu thẻ BHYT; hoàn thiện, đồng bộ hóa dữ thu, sổ thẻ BHYT hộ gia đình… Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN; tăng cường, chủ động, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại các cơ sở KCB; kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng trục lợi quỹ KCB, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT...
Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ
Thực hiện chỉ đạo này, nhiều địa phương đang bước vào một cuộc chạy đua nước rút để nhanh chóng về đích đúng thời hạn như kế hoạch được BHXH Việt Nam giao.
Cụ thể, tại Yên Bái, tính đến ngày 30/11/2019, toàn tỉnh Yên Bái vẫn còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành như: chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mới đạt 96,9%; số thu BHXH, BHYT, BHTN mới đạt 91,6%...
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại, ông Nguyễn Trí Đại - Giám đốc BHXH Tỉnh yêu cầu BHXH các huyện, thị xã, phòng chức năng tăng cường rà soát nhiệm vụ, phối hợp tổ chức thực hiện đảm bảo 100% nhiệm vụ phải hoàn thành với chất lượng và hiệu quả cao nhất trước 31/12/2019.
Trong đó, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đến nhân dân và người lao động trong các DN nhằm tăng tỷ lệ tham gia. Tập trung rà soát hoàn thành dữ liệu do Cục Thuế cung cấp, gửi thông báo và hướng dẫn các DN kê khai tham gia BHXH, BHYT cho người lao động theo đúng quy định của Luật BHXH. Rà soát nguyên nhân vượt trần, vượt dự toán chi Quỹ KCB BHYT được giao tại các cơ sở y tế; kiên quyết từ chối thanh quyết toán các nội dung chi sai quy định...
Còn tại Đà Nẵng, ngay trong đầu quý III/2019, Ban giám đốc BHXH Thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ, BHXH quận/huyện nghiêm túc tập trung thực hiện các giải pháp đột phá để hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch thu cả về số người, số tiền và giảm nợ. Xử lý dứt điểm các thủ tục bàn giao sổ BHXH cho người lao động theo quy định; đảm bảo quyền lợi của người tham gia đi đối với kiểm soát, cân đối quỹ KCB BHYT; tiếp tục vận động, thuyết phục người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng nhận tiền qua tài khoản cá nhân…
Theo báo cáo BHXH Thành phố, tính đến 30/11/2019, độ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn mới đạt 98,4%; tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 4.778.987 triệu đồng, đạt 87,67% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 294,954 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,41% trên kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao…
Tại Hà Nội, đến hết tháng 11/2019, toàn Thành phố có 1.742.711 người tham gia BHXH bắt buộc, 6.976.242 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên toàn địa bàn là 86,6% dân số. Số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.806 tỷ đồng, chiếm 4,28% so với số phải thu. Trong đó, 5 đơn vị có tỷ lệ nợ cao nhất Thành phố là: Mê Linh, Hà Đông, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.
Nếu so sánh với Đà Nẵng, tỷ lệ nợ đọng BHXH của TP. Hà Nội trên tổng số phải thu là thấp hơn. Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH TP. Hà Nội vẫn tiếp tục đề nghị tập thể viên chức, người lao động toàn Thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch thu do BHXH Việt Nam giao; phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Thành phố và các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng số cuộc thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Mới đây, BHXH Thành phố cùng các cơ quan liên quan vừa có văn bản đề nghị Công an TP. Hà Nội điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN đối với 4 DN để số tiền nợ kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo BHXH Thành phố cũng đề nghị toàn Ngành tập trung tối đa trong công tác phát triển đối tượng, nhất là tập trung phát triển BHYT học sinh, sinh viên, cũng như rà soát, phát triển số người tham gia BHXH thông qua dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp. Đặc biệt, thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT thông qua việc tổ chức thực hiện công tác giám định chặt chẽ, đúng quy định, thực hiện kiểm tra bệnh nhân nằm nội trú, cũng như nâng cao trách nhiệm thẩm định giá thuốc, vật tư y tế.
So với các địa phương nêu trên, An Giang vẫn còn nhiều chỉ số đang bỏ ngỏ như tổng thu đạt 72,89% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao; tổng số tiền nợ 174,627 tỷ đồng, chiếm 5,33% so chỉ tiêu thu; tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc đạt 97,25%; tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện đạt 91,95%; tỷ lệ người tham gia BHTN đạt 98,11%; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95,24% kế hoạch, tỷ lệ bao phủ đạt 82,80% dân số. BHYT học sinh, sinh viên có thẻ BHYT đạt 78,87% so tổng số học sinh.
Có thể nói, để hoàn thành được kế hoạch được giao thì đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành trên địa bàn Tỉnh mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trong một thời gian ngắn như vậy.