Thay vì ưu đãi thuế nên tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Điều này đã dẫn tới thất thu lớn trong thuế thu nhập DN, ảnh hưởng tới cân đối ngân sách nhà nước và nguồn vốn phân bổ đầu tư công.
Thất thu ngân sách do ưu đãi thuế
Số liệu được Báo cáo dẫn từ kết quả điều tra toàn quốc về tình trạng trốn thuế của Tổng cục Thuế năm 2013 đã chỉ ra rằng, 83% DN FDI đang sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau để giảm tối đa số tiền thuế phải nộp. Qua thanh, kiểm tra 2.110 DN, thanh tra thuế đã thu hồi hơn 988 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng và tiền phạt, tương đương với 47 triệu USD. Kết quả thanh tra cũng cho thấy, tại một số địa phương như Bắc Giang, Hòa Bình và Gia Lai, 100% các DN FDI đều có sai phạm về thuế.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý các DN lớn thuộc Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay, trốn thuế có xu thế ngày càng gia tăng dưới nhiều hình thức như: trốn doanh thu (bỏ ngoài sổ sách kết quả bán hàng) kê khai khống chi phí, lợi dụng chứng từ/hoá đơn để khấu trừ khống, hoàn thuế khống…
Ở mức độ nhẹ hơn, các DN tìm cách tránh thuế dưới nhiều hình thức như lợi dụng thể chế có thuế thấp để đầu tư (hợp pháp). DN cũng có thể lợi dụng các “thiên đường thuế” để thành lập cơ sở kinh doanh rồi đầu tư vào nơi khác; tận dụng các cam kết chính phủ; cơ chế chuyển giá; tận dụng các ưu đãi thuế; tận dụng các quy định không rõ ràng trong luật pháp… “Một hiện tượng có thể thấy rõ là các DN tận dụng tối đa để hưởng trọn vẹn ưu đãi thuế khi đầu tư ở địa bàn kinh tế khó khăn. Động cơ của họ là rất trong sáng nếu thực hiện đúng và sau thời gian ưu đãi vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh. Nhưng ngược lại nếu hết thời gian ưu đãi mà DN cuốn gói, phá sản thì rõ ràng DN đã tận dụng ưu đãi để tránh thuế”, ông Phụng cho biết.
Trừng trị các DN có hành vi trốn thuế
Nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo cho rằng, thực trạng này đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của việc dùng các chính sách ưu đãi thuế như biện pháp thu hút FDI. “Ưu đãi thuế cho DN FDI không chỉ tạo kẽ hở cho các công ty nước ngoài tránh thuế mà còn làm phát sinh các hoạt động trốn thuế bất hợp pháp. Chính phủ cần có các quy định và chính sách nghiêm ngặt hơn để giải quyết tình trạng này đi kèm với một cơ chế theo dõi và kiểm tra chặt chẽ. Đồng thời, nên tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, hoàn thiện hệ thống pháp lý, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, coi đây là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để thu hút các nhà đầu tư lâu dài thay vì chính sách ưu đãi thuế vốn không tạo ra sức cạnh tranh cho nền kinh tế”, nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo khuyến nghị.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đề xuất một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo việc giám sát như cải cách hệ thống thuế và cơ chế quản lý thuế để giảm thiểu các kẽ hở trong chính sách ưu đãi thuế, đảm bảo tuân thủ; liệt kê đầy đủ và hệ thống chi phí của ưu đãi thuế trong các báo cáo chi tiêu ngân sách thuế.
Các chuyên gia thực hiện báo cáo cũng cho rằng, Chính phủ cần hợp tác với các nước trong vực để xây dựng chính sách ưu đãi thuế, nghiên cứu, nắm rõ các quy định và hình thức xử lý cạnh tranh về thuế. Các tổ chức xã hội, cá nhân ủng hộ công bằng thuế và cơ quan quản lý cần đẩy mạnh các nỗ lực thực hiện hóa công bằng thuế.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, phải thẳng tay trừng trị các DN có hành vi trốn thuế. Bên cạnh đó, để ngăn chặn hiệu quả trốn thuế và tránh thuế, phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Các biện pháp cần được kết hợp đồng bộ từ khâu rà soát luật pháp, thể chế, cắt bỏ các ưu đãi thuế không hợp lý, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thị trường, quản lý đầu tư. Ngoài ra, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để mọi người dân hiểu trốn thuế là hành vi cần lên án, người tiêu dùng phải thể hiện thái độ với những DN không minh bạch về thuế như không mua hàng của các DN trốn thuế.