“Đích ngắm” chống gian lận thuế

(BĐT) - Để chống thất thu thuế năm 2016, Cục Thuế TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận thuế.
“Đích ngắm” chống gian lận thuế

“Nhắm” doanh nghiệp có rủi ro cao

Theo Cục Thuế TP.HCM, “đích ngắm” sẽ là các doanh nghiệp (DN) có phát sinh thuế tiêu thụ đặc biệt trong nhóm ngành rượu, bia, thuốc lá…; các tập đoàn, tổng công ty có doanh thu và số nộp ngân sách lớn; các doanh nghiệp thuộc ngành nghề có dư địa thu lớn như dầu khí, điện lực, viễn thông, công ty bất động sản lớn. Ngoài ra, ngành thuế Thành phố còn “nhắm” đến các DN chuyển nhượng dự án, quảng cáo truyền hình, liên kết đào tạo quốc tế, bệnh viện, khai thác khoáng sản, hàng không, ngân hàng, sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa…

Lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết thêm, trong năm nay sẽ tập trung thanh, kiểm tra các chuyên đề chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản, thương hiệu, chống các hành vi kinh doanh, mua bán hoá đơn bất hợp pháp để trốn thuế. Ngành thuế Thành phố cũng tăng cgờng quản lý rủi ro theo lĩnh vực, ngành nghề rủi ro cao như hoàn thuế VAT, quản lý hoá đơn, thương mại điện tử, chuyển giá…

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lưu ý, Cục Thuế TP.HCM cần tăng kiểm tra, giảm thanh tra nhưng trên cơ sở phân tích rủi ro, làm sao tỷ lệ thanh, kiểm tra bình quân đạt 20%/năm, trong khi hiện nay tỷ lệ này mới đạt 18%.

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Xuân Dương cho biết, trong năm 2015 đã thanh, kiểm tra 18.001 DN với số thuế truy thu và phạt là 3.892 tỷ đồng, đưa nộp vào ngân sách hơn 1.857 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế VAT 224 tỷ đồng. Theo ông Lê Xuân Dương, công tác này chủ yếu “để mắt” đến các DN có hoàn thuế VAT, DN có giao dịch liên kết, giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng, DN có hoạt động chuyển nhượng vốn, DN khai lỗ và các DN khu chế xuất, khu công nghiệp có ưu đãi miễn, giảm thuế… 

Giám sát chặt hành vi tham nhũng

Trước đây, trong Quyết định số 2189/QĐ-TCT (ngày 1/12/2014), Tổng cục Thuế có giao, năm 2015 Cục Thuế các tỉnh, thành phố thanh, kiểm tra 15% số DN đăng ký hoạt động. Với yêu cầu này, trong tổng số 139.686 DN tại TP.HCM sẽ có khoảng 20.953 DN cần được thanh, kiểm tra.

Theo Cục Thuế TP.HCM, với số lượng DN phát sinh hàng năm tăng nhiều nhưng nhân lực ngành thuế Thành phố có hạn, nên khi Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu thanh, kiểm tra hàng năm theo số DN đang hoạt động sẽ khó đáp ứng.

­­Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho rằng, ngành thuế Thành phố cần tập trung thanh tra vào những DN có rủi ro cao, cho nên cần phải sắp xếp nguồn nhân lực thuế cho hợp lý. Hiện cả nước mới có 24% cán bộ thuế làm công tác thanh, kiểm tra trong khi thực tế yêu cầu cần phải đạt tỷ lệ 30 - 35%. Ở các nước tỷ lệ này đạt đến 65%.

Về phía doanh nghiệp ở TP.HCM, có một tâm lý thực tế là nhiều chủ DN còn e ngại thanh, kiểm tra thuế bởi vì sợ những sai phạm của họ sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế bản thân chủ DN luôn cố tránh né, hoặc nếu bị thanh, kiểm tra tra thì họ chấp nhận hối lộ, “lót tay” cho cán bộ thuế “mềm” tay với DN.

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Xuân Dương cho biết, trong năm nay,  ngành thuế Thành phố sẽ giám sát chặt chẽ cán bộ thuế trong quá trong hoạt động thanh, kiểm tra thuế, nhất là những khâu dễ xảy ra tham nhũng nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm.                

Chuyên đề