Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến phát triển kinh tế đất nước đã được phản ánh trên Báo Đấu thầu. Ảnh: Song Lê |
Yêu cầu nghiên cứu cơ chế đầu tư PPP
Đầu tháng 1/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 87/VPCP-CN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính về cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong văn bản này, Văn phòng Chính phủ dẫn phản ánh của Báo Đấu thầu tại bài viết "Không thiếu tiền, không thiếu phương án, chỉ thiếu cơ chế" đăng trên số ra ngày 24/12/2018, trong đó trích ý kiến của ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital: "Nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước không thiếu, thị trường vốn Việt Nam khá lớn, các hình thức, phương án đầu tư cũng không thiếu, quan trọng nhất vẫn là cơ chế chưa đầy đủ để khơi thông, thu hút nguồn vốn này".
Cũng theo bài viết, công tác thu hút đầu tư PPP chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nếu không có cơ chế đột phá sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Trong đó có nguyên nhân từ sự chồng chéo giữa các luật và thiếu quy định rõ ràng về cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án PPP.
Từ vấn đề bài báo nêu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính có nghiên cứu, đề xuất về cơ chế đầu tư PPP.
Lưu ý việc thực hiện đấu thầu qua mạng
Tháng 3/2019, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản gửi Bộ KH&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về phản ánh của Báo Đấu thầu đối với tình trạng chậm triển khai đấu thầu qua mạng (ĐTQM) diễn ra ở nhiều địa phương, bộ, ngành.
Cụ thể, ngày 5/3/2019, Báo Đấu thầu có đăng tải bài viết: “Nhiều nơi “ì ạch” trong đấu thầu qua mạng” phản ánh tình trạng chậm trễ ĐTQM của nhiều bộ, ngành, địa phương; tỷ lệ các gói thầu được tổ chức ĐTQM ở nhiều đơn vị, địa phương rất thấp, không đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo yêu cầu quy định tại lộ trình ĐTQM giai đoạn 2016 - 2025.
Bài viết có đoạn: “Kết quả thực hiện ĐTQM năm 2018 của nhiều bộ, ngành, địa phương không đảm bảo được tỷ lệ số lượng các gói thầu theo yêu cầu. Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2018 của nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy, số lượng gói thầu được triển khai ĐTQM năm 2018 nhỏ hơn rất nhiều so với yêu cầu đặt ra, thậm chí, có đơn vị vẫn chưa triển khai ĐTQM gói thầu nào trong năm 2018”.
Từ phản ánh này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lưu ý thực hiện quy định tại lộ trình ĐTQM giai đoạn 2016 - 2025.
Tìm giải pháp nâng cao quản trị doanh nghiệp
Ngày 26/3/2018, Báo Đấu thầu đăng tải bài viết: “Sửa Luật DN, kỳ vọng quản trị đổi về chất”. Từ phân tích tại bài báo này, đầu tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu có giải pháp khắc phục tình trạng hạn chế trong thực thi quy định về quản trị DN tại Luật DN.
Theo bài viết, ở Việt Nam có tới 80.000 nghìn công ty cổ phần là công ty gia đình (bố, mẹ, con sở hữu cổ phần) và nhiều công ty cổ phần không biết hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông là gì. Trên 90% DN chép nguyên điều lệ mẫu trong Luật Doanh nghiệp mà không có tính toán. Nếu công ty gia đình chưa thành lập hội đồng quản trị thì gần như không bị phạt. Cùng với đó, kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho biết, quản trị trong kinh doanh ở Việt Nam xếp vị trí 81 trên tổng số hơn 100 nền kinh tế được tiến hành khảo sát đánh giá gần đây…
Kiểm tra, đôn đốc việc tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh
Liên quan đến vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tháng 5/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về chậm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Trước đó, ngày 19/4/2019, Báo Đấu thầu có đăng tải bài viết: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh “dậm chân tại chỗ”” cho biết, việc cắt giảm rào cản cho DN đến hết quý I/2019 chưa có bước tiến mới so với cuối năm 2018, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành gần như chưa làm gì. Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP vẫn chú trọng thành tích hơn là tiếp tục nỗ lực thực hiện cắt giảm rào cản kinh doanh. Số ít bộ tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhưng chậm so với kế hoạch", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý, đôn đốc.
Chớp cơ hội từ cách mạng số
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có văn bản chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu nội dung Báo Đấu thầu ngày 3/4/2019 nêu để có giải pháp giải quyết vấn đề thiếu nhân lực về dữ liệu lớn (Big data), đào tạo nhân lực phục vụ cuộc cách mạng số.
Bài viết được Thủ tướng nhắc đến có nhan đề: “DN chuẩn bị gì để chuyển đổi số?”, trong đó trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia, DN tham dự Diễn đàn Chính sách về Big data trong kinh tế và quản lý cho rằng, Big data là ngành khoa học mới cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Việt Nam đang rất thiếu nhân lực về Big data. Một số ý kiến chỉ ra, Big data kết hợp cả 3 lĩnh vực toán - công nghệ - kinh doanh. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chúng ta đào tạo chuyên biệt về toán, hay công nghệ, hay kinh doanh mà chưa có gắn kết, giao thoa. Do đó, nếu kết hợp tốt trong đào tạo nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 với mong muốn xây dựng những cơ sở dữ liệu hữu ích, phục vụ phát triển thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt lên trong cuộc cách mạng số. Vấn đề nhân lực cũng là một trong những trụ cột quan trọng để Việt Nam nắm bắt được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới phát triển bền vững được Đảng, Nhà nước nhấn mạnh.
Trước đó, nhiều bài viết đăng trên Báo Đấu thầu cũng được Thủ tướng Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt và có chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ cũng như tìm giải pháp thực hiện hiệu quả.