Báo chí cách mạng trong dòng chảy thông tin ngày nay

(BĐT) - Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, nhà báo, các tờ báo cần thể hiện bản lĩnh chính trị, cách mạng như thế nào để thông tin trên báo chí trở thành dòng chảy chủ đạo về thông tin, định hướng được dư luận xã hội. 
Nhà báo là người đi đầu đảm đương thông tin những sự kiện lớn, quan trọng, có chiều sâu, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Ảnh: Tường Lâm
Nhà báo là người đi đầu đảm đương thông tin những sự kiện lớn, quan trọng, có chiều sâu, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Ảnh: Tường Lâm

Báo Đấu thầu có cuộc trao đổi với TS. Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh chủ đề này.

Ông nhận định như thế nào về vai trò của báo chí và nhà báo trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay?

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, báo chí và nhà báo càng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, vai trò không thể thay thế trong việc đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng truyền thông.

Thứ nhất, báo chí luôn giữ vai trò đội quân chủ lực trong cung cấp thông tin, dù mạng xã hội, truyền thông xã hội có cạnh tranh thì cũng không thể cạnh tranh vai trò xung kích và chủ lực cung cấp thông tin của báo chí chính thống, báo chí chuyên nghiệp được.

Thứ hai, do tính chuyên nghiệp, báo chí cung cấp thông tin bài bản, chuyên sâu, có tính thuyết phục hơn, dù đôi khi, trong một số trường hợp cần phải kiểm chứng tính xác thực của nguồn tin, nên có thể chậm hơn mạng xã hội.

Thứ ba, trong khi thông tin của mạng xã hội thường là thông tin cá nhân, không kiểm chứng, không chịu trách nhiệm xã hội, không có tính hệ thống… thì thông tin báo chí bao giờ cũng là sản phẩm tập thể, có tổ chức, được đầu tư công phu, có hệ thống, được kiểm chứng và có trách nhiệm xã hội, có tính định hướng chính trị rõ ràng - điều mà mạng xã hội không thể có.

Thứ tư, nhà báo chuyên nghiệp là người được đào tạo bài bản, được trang bị kiến thức, bản lĩnh nghề nghiệp, phương tiện, thiết bị hành nghề chuyên nghiệp, trau dồi kĩ năng nghiệp vụ, ý thức đồng nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Điều này mới có thể giúp nhà báo chuyên nghiệp đi đầu đảm đương thông tin những sự kiện lớn, quan trọng, có chiều sâu, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Vai trò này mạng xã hội cũng không cạnh tranh được.

Báo chí cách mạng trong dòng chảy thông tin ngày nay ảnh 1
TS. Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam
Hiện nay, mạng xã hội đang cạnh tranh khốc liệt với báo chí với tình trạng thông tin thật giả lẫn lộn khó kiểm chứng. Theo ông, báo chí phải làm gì để vừa kịp thời, chính xác, khách quan để thu hút độc giả, vừa định hướng dư luận một cách đúng đắn, không bị cuốn theo trào lưu trên mạng xã hội?

Trong tình hình hiện nay, muốn được như thế, theo tôi, báo chí cần phải thực hiện những điều sau đây.

Một là, báo chí phải tìm cách đưa tin nhanh, kịp thời, không thua mạng xã hội về mặt tốc độ cập nhật thông tin.

Hai là, nhanh nhưng phải đảm bảo tính định hướng dư luận một cách đúng đắn. Muốn vậy, báo chí chuyên nghiệp cần đi đầu trong phát hiện đề tài, cập nhật và cung cấp thông tin chính xác, trung thực, tin cậy, nhân văn, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo.

Ba là, nhà báo phải trang bị đầy đủ kiến thức để phân biệt đúng - sai, thật - giả, phân tích, giải thích kịp thời cho công chúng, làm nguồn tin, chỗ dựa tin cậy cho công chúng trước một thông tin mà họ chưa biết thật - giả…

Bốn là, nhà báo phải học cách đưa tin, viết bài sinh động, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, thiết bị thông minh để sản xuất sản phẩm đa phương tiện, hấp dẫn, chuyên nghiệp trên nền tảng công nghệ số.

Năm là, nhà báo phải nêu cao bản lĩnh chính trị và tính chuyên nghiệp, tinh thần nhân văn trong đưa tin, để thực sự tạo niềm tin cho công chúng, định hướng được dư luận xã hội.

Vậy các nhà báo cần phải trang bị những gì để thích ứng với thời đại truyền thông kỹ thuật số này, thưa ông?

Theo tôi,  nhà báo cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và chính kiến.

Về kiến thức, nhà báo cần trang bị kiến thức về đời sống - xã hội, kiến thức văn hóa chung, kiến thức chuyên ngành, kiến thức chuyên môn về nghề báo.

Về kỹ năng, nhà báo cần kỹ năng phát hiện đề tài, kỹ năng khai thác và xử lí thông tin, kỹ năng đa phương tiện, kỹ năng thể hiện tác phẩm báo chí theo thể loại, theo loại hình…

Về kinh nghiệm, nhà báo cần kinh nghiệm cuộc sống và kinh nghiệm nghề nghiệp. Thiếu một trong hai điều này, nhà báo khó phát triển trong nghề nghiệp, nhất là trong cạnh tranh thông tin thời kỹ thuật số.

Về chính kiến, nhà báo muốn khẳng định phong cách riêng, phải có chính kiến, dĩ nhiên không phải là quan điểm cực đoan của cá nhân. 

Trên cương vị Trưởng ban Nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, nhân dịp Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), ông chia sẻ điều gì với các đồng nghiệp trong việc trau dồi nghiệp vụ và giữ gìn đạo đức nhà báo trong bối cảnh hiện nay?

Tôi nghĩ làm nghề báo trong bối cảnh truyền thông số hiện nay có nhiều hấp dẫn, nhiều thuận lợi và nhiều cơ hội để có tác phẩm tốt và khẳng định mình. Tuy nhiên, việc trau dồi nghiệp vụ cũng càng đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn những người làm báo đi trước. Bởi sự cạnh tranh khắc nghiệt trong nghề báo cũng như cạnh tranh giữa nghề báo với truyền thông xã hội là có thật. Trong cuộc cạnh tranh này, đòi hỏi nhà báo không ngơi nghỉ rèn đức và luyện nghề.

Về nghiệp vụ, nhà báo phải có kĩ năng hiện đại trong thu thập thông tin, xử lí thông tin, trong thể hiện tác phẩm và lan tỏa tác động của tác phẩm tới công chúng. Trong đó, đòi hỏi nhà báo phải sử dụng thành thạo các thiết bị tác nghiệp thông minh, hiểu biết công nghệ làm báo kĩ thuật số để thích ứng; có kĩ năng tác nghiệp đa phương tiện, nắm bắt và vận dụng tốt các xu hướng làm báo mới trên nền tảng Internet…  

Về đạo đức nghề nghiệp, nhà báo thời truyền thông số dễ bị cuốn theo dòng chảy xô bồ của thông tin không được kiểm chứng, dễ bị sức ép từ kinh tế thị trường và tin tức giả, tin tức rẻ tiền để câu view. Mặt khác, sự ỷ lại mạng xã hội cũng góp phần làm cho nhà báo dễ sao nhãng việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nên dễ viết sai hoặc bị cuốn theo cái sai khác. Sự tác động của mạng xã hội là rộng lớn, mạnh mẽ và nhanh chóng. Bởi vậy nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác cần “chuẩn mực và trách nhiệm” như đã quy định tại Điều 5, thuộc 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Mỗi dòng tin, con chữ của nhà báo cần thấm đẫm trong đó trách nhiệm, tính chuẩn mực, tình cảm và tinh thần nhân văn cao cả, trước một biển cả thông tin xô bồ như hiện nay.  

Với tư cách là một độc giả, một người phụ trách chuyên môn nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, ông mong muốn gì ở Báo Đấu thầu?

Tôi đọc nhiều và thấy Báo Đấu thầu thuộc lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành, đã làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình.

Mong muốn thì chỉ mong Báo ngày càng nâng cao chất lượng nghiệp vụ, để có nhiều tác phẩm có ý nghĩa xã hội vượt ra khỏi lĩnh vực chuyên môn hẹp, có tiếng vang, có tác động mạnh mẽ trong công chúng nói chung. Trên cơ sở đó có tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia và các giải báo chí khác.

Xin cám ơn ông!

Chuyên đề

Kết nối đầu tư