Đơn cử như báo cáo của tỉnh Quảng Ninh phớt lờ các vụ việc nổi cộm mà báo chí phản ánh và được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua. Trong đó có nhiều vụ việc bị phản ánh là thi công trước đấu thầu như tại Dự án Xây dựng công trình “Di dời tượng đài Hưng Nhượng Trần Quốc Tảng; nhà bia ghi tên các liệt sỹ phường Cửa Ông và các hạng mục phụ trợ thuộc Di tích đền Cửa Ông”, hay Dự án Cải tạo, chỉnh trang đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hạ Long. Trong đó có vụ việc Báo Đấu thầu đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng liên quan của Quảng Ninh đề nghị làm rõ kiến nghị, phản ánh của nhà thầu song địa phương này đến nay vẫn không có văn bản hồi âm. Trong khi đó, báo cáo công tác đấu thầu của Quảng Ninh vẫn “ung dung” khẳng định: “Trong năm 2017, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không có phát sinh công tác giải quyết kiến nghị và tình hình xử lý vi phạm về đấu thầu”.
Báo cáo công tác đấu thầu của TP. Hà Nội năm 2017 cũng “bỏ qua” một số kiến nghị của nhà thầu liên quan đến công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu trên địa bàn Thành phố. Điển hình là kiến nghị của nhà thầu phản ánh việc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức quanh co, gian dối trong phát hành hồ sơ mời thầu; hay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa vẫn không chịu bán hồ sơ mời thầu Gói thầu Thi công hạng mục bó vỉa, gạch lát và hệ thống thoát nước tuyến phố Tôn Đức Thắng cho nhà thầu…
Tình trạng báo cáo hình thức, cập nhật số liệu không chính xác hay phớt lờ những vụ việc nổi cộm trong đấu thầu tại địa phương đã diễn ra khá phổ biến trong những năm qua. Đơn cử, một vụ việc “tai tiếng” xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong năm 2016 là vụ ngang nhiên cướp hồ sơ dự thầu Gói thầu Sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh chính Ea Kao ngay tại cổng bên mời thầu vào đầu tháng 7/2016 đã không được Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk “đả động” trong Báo cáo công tác đấu thầu năm 2016.
Bình luận về hiện tượng nêu trên, một chuyên gia cho rằng, khi các đơn vị chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương, chưa nghiêm túc, thẳng thắn, trung thực trong báo cáo thì rất khó để đánh giá đúng tình hình, gây khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo chung.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Thông qua số liệu báo cáo sẽ hình thành nên những cơ chế chính sách để điều hành, phát triển lĩnh vực, ngành. Đặc biệt là qua đó để chỉ đạo điều hành, nhất là chỉ đạo những việc nổi cộm trong từng thời kỳ. Do đó, báo cáo và số liệu phải khách quan, trung thực, chính xác. Làm được như vậy vừa giúp cho công tác quản lý nhà nước về đấu thầu đạt hiệu quả cao hơn, cũng sẽ tạo niềm tin cho nhà thầu. Và nếu địa phương, đơn vị dám thẳng thắn báo cáo, tự mình nhìn nhận còn vấn đề này, vấn đề kia chưa tốt thì địa phương, đơn vị sẽ có quyết tâm chấn chỉnh, các đơn vị khác cũng sẽ nhìn vào đó mà có thêm bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn”.
Để khắc phục tình trạng giấu diếm, phớt lờ những vụ việc tiêu cực, báo cáo sơ sài, hình thức trong đấu thầu tại Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018 quy định chi tiết việc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu theo định kỳ hàng năm. Điều 2 của Thông tư quy định nguyên tắc cung cấp thông tin, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu là phải trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, đúng hạn; công khai, minh bạch… Và tại Điều 17 Thông tư đã đưa ra chế tài xử lý vi phạm về báo cáo.