Bản tin thời sự sáng 9/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lấy ý kiến người dân về lát đá hoa cương hồ Thiền Quang; gần 300 điểm sạt lở ở Kiên Giang; khánh thành phù điêu 'Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong'; 8 tháng nữa chứng minh nhân dân hết giá trị sử dụng…

Lấy ý kiến người dân về lát đá hoa cương hồ Thiền Quang

Chủ đầu tư sẽ lát khoảng 50 m2 đá tự nhiên granit (hoa cương) đoạn hè, đường dạo quanh hồ Thiền Quang (Hà Nội) để người dân góp ý trước khi triển khai đồng bộ.

Phối cảnh một góc hồ Thiền Quang sau cải tạo
Phối cảnh một góc hồ Thiền Quang sau cải tạo

Đầu tháng 4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng bắt đầu thi công các hạng mục ngầm đoạn ngã tư Trần Nhân Tông - Quang Trung sau khi lấy ý kiến cộng đồng về đồ án thiết kế đô thị xung quanh hồ Thiền Quang.

Theo chủ đầu tư, cùng với hạ ngầm hệ thống kỹ thuật phục vụ cấp wifi miễn phí, camera an ninh, đơn vị thi công cũng lát thử nghiệm một đoạn hè, đường dạo quanh hồ bằng đá granit để lấy ý kiến nhân dân. Đá granit là vật liệu tự nhiên có sẵn tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, có tính thẩm mỹ cao.

"Các lớp kết cấu nền, kích thước, chiều dày viên đá đảm bảo bền chắc tương tự đá lát tại Hồ Gươm trước đó", đại diện chủ đầu tư nói.

Ngoài ra, các bồn hoa cũng có thiết kế tương tự ở Hồ Gươm để tăng mảng xanh, giảm mật độ bị bê tông hóa. Toàn bộ cây xanh, vườn hoa được giữ nguyên hiện trạng và có thể bố trí thêm một số loại cây phù hợp kiến trúc cảnh quan mới.

Chủ đầu tư cũng dự kiến đề xuất Công ty Thoát nước Hà Nội nâng cao cốt mặt nước ở hồ để tăng thêm diện tích mặt nước, đồng thời tăng tính thẩm mỹ sau khi hoàn thành chỉnh trang.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng cho biết, thi công hạng mục ngầm giai đoạn đầu chỉ diễn ra ban đêm để bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh. Sau đó, các đơn vị sẽ đồng loạt thi công cả ngày lẫn đêm để dự án có thể hoàn thành sau 4 tháng.

Đồ án thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang tỷ lệ 1/500 nằm trong đề án không gian đi bộ hồ Thiền Quang và vùng phụ cận. Dự án có tổng mức đầu tư 109 tỷ đồng từ ngân sách, thời gian hoàn thành trước tháng 10/2024.

Gần 300 điểm sạt lở ở Kiên Giang

Khô hạn kéo dài khiến địa bàn huyện U Minh Thượng xảy ra 297 điểm sạt lở, 26 căn nhà bị sụp xuống kênh, thiệt hại ước tính 90 tỷ đồng.

Sạt lở khiến cây cầu ở huyện U Minh Thượng hư hỏng

Sạt lở khiến cây cầu ở huyện U Minh Thượng hư hỏng

Thông tin nêu ra trong cuộc họp của UBND tỉnh Kiên Giang với các sở, ngành về tình hình sạt lở vào mùa khô tăng cao ở địa bàn, ngày 8/4.

Sụt lún ở địa phương diễn biến phức tạp ở vùng đệm U Minh Thượng. Từ đầu tháng 3 đến nay, xã Minh Thuận, An Minh Bắc ghi nhận 297 điểm sạt lở trên chiều dài hơn 8 km. Tỉnh lộ ĐT 965 đi qua khu vực có 37 điểm sạt lở. 26 căn nhà bị hư hỏng, thiệt hại gần 3,7 tỷ đồng, ảnh hưởng nhiều người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng nửa tháng. Hiện một số trạm cấp nước ở khu vực huyện Kiên Lương, An Minh, Kiên Hải, lưu lượng khai thác bị giảm, nguồn nước bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép...

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu, các ngành liên quan triển khai các giải pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại, sớm khắc phục các tuyến đường giao thông bị chia cắt... Lãnh đạo Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố tình huống khẩn cấp do sạt lở, sụt lún tại các xã thuộc huyện U Minh Thượng.

Nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 3 đã ảnh hưởng nhiều tỉnh thành miền Tây. Nhiều tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, người dân thiếu nước ngọt sử dụng, diện tích lớn lúa chết khô. Khô hạn khiến huyện Trần Văn Thời ở Cà Mau xuất hiện khoảng 340 vụ sụt lún tại các tuyến sông, kênh với tổng chiều dài hơn 9 km.

Khánh thành phù điêu 'Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong'

Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong" làm bằng đồng đỏ nguyên chất dài 28 m, cao 9,9 m, nặng 36 tấn, khánh thành sáng 8/4.

Bức phù điêu bằng đồng đỏ ở Khu di tích đền Hùng được khánh thành

Bức phù điêu bằng đồng đỏ ở Khu di tích đền Hùng được khánh thành

Trung tâm bức phù điêu là hình Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trên bậc thềm nói chuyện với hàng chục cán bộ, chiến sĩ. Hai bên là hình ảnh đồi núi, rừng cọ, hoa văn trống đồng. Góc trên bên trái có gắn dòng chữ "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".

Phù điêu đặt tại ngã 5 đền Giếng, trong khuôn viên Khu di tích lịch sử quốc gia đền Hùng (TP. Việt Trì), thay cho bức phù điêu cũ bằng đá do Bộ Quốc phòng xây dựng từ năm 2001. Phù điêu mới được Quân đội thực hiện theo đề xuất của tỉnh Phú Thọ, hoàn thành sau 9 tháng.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng đánh giá, đây là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử, biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm của quân đội và người dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho rằng, công trình là điểm nhấn trong Khu di tích lịch sử quốc gia đền Hùng, tạo sự đồng bộ với các công trình kiến trúc và không gian, cảnh quan uy nghiêm, linh thiêng của khu di tích. Bức phù điêu cũng "hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh".

Ngày 19/9/1954, trong buổi nói chuyện và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn quân Tiên Phong, nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 12 trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Để ghi nhớ và thực hiện lời dặn này, năm 2001, Bộ Quốc phòng xây dựng công trình phù điêu tại khu vực ngã 5 đền Giếng với chiều rộng 11,71 m và chiều cao 7,58 m, ghép từ các khối đá. Bức phù điêu này đã được di chuyển đến lắp ghép lại tại sân Bảo tàng Quân khu 2.

8 tháng nữa chứng minh nhân dân hết giá trị sử dụng

Chứng minh nhân dân chỉ còn giá trị sử dụng trong các thủ tục, giao dịch đến hết ngày 31/12/2024.

Mẫu chứng minh thư nhân dân

Mẫu chứng minh thư nhân dân

Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 1/7, quy định nếu chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng trong nửa đầu năm 2024, sẽ có giá trị đến hết 30/6. Chứng minh nhân dân còn thời hạn thì được sử dụng hết năm nay, tức gần 8 tháng nữa.

Dù sắp hết giá trị sử dụng nhưng thông tin chứng minh nhân dân ghi trong các văn bản giao dịch vẫn có hiệu lực. "Cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân trong các giấy tờ đã cấp", Luật nêu.

Theo quy định của Chính phủ, chứng minh nhân dân 9 số và 12 số đều có giá trị sử dụng 15 năm, từ ngày cấp.

Từ giữa năm nay, thẻ căn cước công dân được đổi tên thành thẻ căn cước. Các mẫu thẻ căn cước công dân đã cấp trước đó vẫn còn giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên thẻ.

Công dân đang sử dụng thẻ căn cước công dân còn thời hạn, nếu vẫn có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước mới sẽ được đáp ứng. Trẻ dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Trẻ dưới 6 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia, nếu người đại diện có nhu cầu. Lứa tuổi này không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học.

Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đang sống tại Việt Nam từ 6 tháng, sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước để giao dịch.

Theo luật sắp có hiệu lực, công dân phải đổi thẻ căn cước khi 25, 40, 60 tuổi. Tại mẫu thẻ căn cước mới, mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" thành "nơi cư trú", bỏ đặc điểm nhận dạng và vân tay ngón trỏ trái, phải...

Gần 70 năm qua, từ khi chứng minh nhân dân ra đời, đến nay giấy tờ tùy thân thiết yếu với người dân này đã qua nhiều lần thay đổi.

Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao cần vay World Bank 9.000 tỷ đồng

Tổng nhu cầu đầu tư cho đề án một triệu ha lúa chất lượng cao là 11.800 tỷ đồng, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn vay World Bank 9.000 tỷ đồng.

Thu hoạch lúa vụ tại tỉnh Hậu Giang

Thu hoạch lúa vụ tại tỉnh Hậu Giang

Nội dung này vừa được Ban Quản lý các dự án nông nghiệp nêu khi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Cần Thơ, ngày 8/4.

Bộ đánh giá, đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao rất quan trọng và cấp bách, cần cơ chế đặc thù cho dự án. Do đó, cơ quan này dự kiến đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng dự án vay vốn Ngân hàng thế giới (World Bank) theo cơ chế đặc thù. Ngân sách trung ương cấp phát 100% nguồn vốn ODA (không áp dụng cơ chế cho vay lại).

Dự kiến, tổng nhu cầu đầu tư dự án hơn 470 triệu USD (tương đương gần 11.800 tỷ đồng). Trong đó, vay World Bank khoảng 360 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ đồng); vốn đối ứng trong nước hơn 112 triệu USD. Với gần 1 triệu ha lúa, mỗi suất đầu tư dao động 325 - 794 USD một ha.

Chuyên gia cao cấp của World Bank Li Guo cho biết sẽ trình dự án lên lãnh đạo trên nền tảng Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), nhưng mở rộng hơn.

Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023. Đề án nhằm phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam và thu nhập của nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế.

Đến năm 2025, có 12 tỉnh thành trong vùng sẽ trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp...

Hiện, mỗi năm miền Tây sản xuất 24-25 triệu tấn lúa, chiếm hơn 50% sản lượng lúa và trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Dự án ở cửa ngõ TP.HCM nguy cơ chậm tiến độ do vướng 11 hộ dân

Doanh nghiệp chưa hoàn tất bồi thường cho 11 hộ, để giao mặt bằng khiến Dự án nâng cấp Quốc lộ 50 tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng nguy cơ chậm tiến độ.

Dãy nhà chưa hoàn tất đền bù, giải toả trên tuyến song hành Quốc lộ 50

Dãy nhà chưa hoàn tất đền bù, giải toả trên tuyến song hành Quốc lộ 50

Vướng mắc được Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) kiến nghị UBND Thành phố tháo gỡ, nhằm thông xe tuyến song hành quốc lộ 50 trong năm nay, hoàn thành toàn bộ Dự án năm 2025.

Đây là một phân đoạn của Dự án mở rộng Quốc lộ 50 đang được TP.HCM triển khai với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Công trình bắt đầu từ đoạn giao với đường Nguyễn Văn Linh đến giáp tỉnh Long An, dài gần 7 km. Trong đó, hơn 4 km làm tuyến mới song hành Quốc lộ 50, đoạn còn lại mở rộng đường hiện hữu từ 7 m lên 34 m, 6 làn xe.

Khởi công cuối năm 2022, tuyến song hành được triển khai trước với 4 gói thầu xây lắp, đến nay nhiều đoạn đã thành hình. Tuy nhiên, đoạn qua khu dân cư Gia Hòa có 3 căn nhà chắn nửa mặt đường, do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng và kinh doanh nhà Gia Hòa quản lý chưa hoàn thành bồi thường cho người dân.

Một vị trí khác qua Khu dân cư Phong Phú 4, đoạn giáp đường Trịnh Quang Nghị cũng còn 8 căn nhà chắn toàn bộ mặt đường, do Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc quản lý chưa hoàn tất đền bù.

Chủ đầu tư nhận định, hai đoạn bị vướng mặt bằng này có nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, dự kiến việc bàn giao sẽ kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng tiến độ Dự án nâng cấp Quốc lộ 50.

Thời điểm khởi công Dự án vào cuối năm 2022, hơn 80% diện tích đã được bàn giao. Tuy nhiên, theo UBND huyện Bình Chánh, những trường hợp còn lại quá trình bồi thường gặp khó khăn do vướng mắc pháp lý, thủ tục thu hồi đất.

Công tác giải phóng mặt bằng hiện được xem là điểm mấu chốt quyết định tiến độ của hầu hết các dự án ở TP.HCM. Tuy nhiên, thời gian qua hàng loạt công trình gặp vướng mắc, thậm chí nhiều dự án phải ngưng thi công khi mặt bằng không được giải tỏa, làm tăng vốn.

Lợi nhuận nhiều công ty tài chính lao dốc

Lợi nhuận các công ty tài chính lớn trên thị trường giảm sâu, vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng trong năm 2023 do nợ xấu và khó đòi tăng.

Một trong nhiều hội nhóm tư vấn cách chây ì nợ của ứng dụng vay tiền

Một trong nhiều hội nhóm tư vấn cách chây ì nợ của ứng dụng vay tiền

Báo cáo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) của nhóm công ty tài chính có dư nợ trái phiếu cho thấy, kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi trong năm 2023. Lợi nhuận của nhiều đơn vị giảm 50 - 70% so với năm 2022, số khác báo lỗ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng.

Năm ngoái, Công ty Tài chính Mirae Asset Việt Nam - một công ty tài chính tiêu dùng có vốn Hàn Quốc - ghi nhận lỗ ròng 963 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 120 tỷ năm trước đó.

Doanh nghiệp tài chính có vốn ngoại khác là Shinhan Finance - thành viên của Shinhan Card (Hàn Quốc) - báo lỗ hơn 460 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi trên 300 tỷ đồng. Khoản lỗ ròng làm giảm vốn chủ sở hữu của Shinhan Finance từ 2.900 tỷ đồng về còn hơn 2.400 tỷ đồng.

Mảng vay tiêu dùng khó khăn khiến khoản lợi nhuận nghìn tỷ tại nhiều đơn vị bị bào mòn. Như Home Credit Việt Nam - doanh nghiệp vừa về tay ngân hàng Thái Lan - vẫn ghi nhận lãi ròng hơn 375 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng giảm 70% so với một năm trước đó (1.100 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu của công ty này đến cuối năm 2023 là hơn 6.750 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) cũng giảm lãi hơn 70% trong năm trước, với lợi nhuận ròng còn 240 tỷ đồng.

Ở nhóm dẫn đầu, FE Credit cũng ghi nhận mức lỗ trước thuế hơn 3.500 tỷ đồng vào năm ngoái, theo ước tính của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS). Mức lỗ của công ty tài chính này đậm nhất thị trường, nhưng đã giảm so với con số âm hơn 3.900 tỷ đồng năm 2022. Sau 5 quý liên tục thua lỗ (từ quý II/2022), công ty này đã có những dấu hiệu hồi phục trong hai quý cuối năm trước.

Theo Fiingroup, mảng tài chính tiêu dùng kết thúc một năm kinh doanh - năm 2023, đầy thử thách.

Covid-19 đẩy nhiều người thu nhập thấp - vốn là khách hàng chính của các công ty tài chính - gặp khó trong việc trả nợ. Điều này kéo theo nợ xấu của nhóm này tăng nhanh thời gian qua. Tỷ lệ nợ xấu của nhóm các công ty tài chính tính tới tháng 9/2023, theo Fiingroup, ở mức 11,35%. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất hiện nay, theo nhiều công ty tài chính, là làn sóng "bùng nợ" có chủ đích từ phía khách hàng.

Chuyên đề