Bản tin thời sự sáng 8/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là có thể điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cá nhân vào tháng 10; Năm 2025, Khu công nghệ cao TP.HCM khởi công 12 dự án, tổng vốn 1 tỷ USD; gia hạn thời gian hoàn thành dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 7; gần 85 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học ngân hàng…

Có thể điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cá nhân vào tháng 10

Dự báo CPI sẽ biến động, Bộ Tài chính có kế hoạch báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10.

Có thể kỳ họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nội dung liên quan tới nghị quyết về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo biến động của CPI

Có thể kỳ họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nội dung liên quan tới nghị quyết về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo biến động của CPI

Hiện mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng một tháng. Mức này duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp..., số còn lại mới là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến được đánh giá là lạc hậu, bất cập khi chi tiêu...

Tại họp báo thường kỳ ngày 7/1, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc lần điều chỉnh mức giảm trừ gần nhất.

Trong khi theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI từ năm 2020 - thời điểm tăng mức giảm trừ gia cảnh - đến 2024 là trên 15%, tức chưa vượt ngưỡng 20% theo quy định. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh chưa thể điều chỉnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, ông Trương Bá Tuấn cho biết, Bộ Tài chính dự báo CPI biến động trong năm 2025 và có thể phải điều chỉnh mức giảm trừ này. Do đó, cơ quan này sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp thực tế, mà không cần chờ sửa luật.

"Có thể kỳ họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nội dung liên quan tới nghị quyết về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo biến động của CPI", ông Tuấn thông tin.

Bộ Tài chính đã tổng hợp xong các ý kiến, góp ý của các bộ ngành, địa phương về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tới đây, Bộ sẽ gửi hồ sơ dự án luật này sang Bộ Tư pháp, để thẩm định theo trình tự quy định. Dự thảo luật này sẽ được đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025, thông qua tháng 5/2026.

Năm 2025, Khu công nghệ cao TP.HCM khởi công 12 dự án, tổng vốn 1 tỷ USD

Trong năm 2025, Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ có 12 dự án khởi công với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD.

Khu công nghệ cao TP.HCM hiện vẫn còn quỹ đất để thu hút đầu tư

Khu công nghệ cao TP.HCM hiện vẫn còn quỹ đất để thu hút đầu tư

Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, trong năm 2025 sẽ có 12 dự án tại đây khởi công, trong đó có 10 dự án trong nước và 2 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD.

Hiện nay một số dự án đang thực hiện các công đoạn như thẩm định quy hoạch tổng thể mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500…

Ban Quản lý khu công nghệ cao Thành phố đang phối hợp với các sở, ngành để thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, đồng thời với việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để đảm bảo tiến độ khởi các dự án.

Ngày 6/1, Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất sinh phẩm huyết tương tại SHTP chính thức khởi công. Đây là Dự án đầu tiên tại Khu Công nghệ cao được khởi công trong năm 2025.

Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 2/2026, với công suất 6.000 lít huyết tương/năm, đáp ứng nhu cầu điều trị cho 250 triệu người.

Đồng thời, đảm bảo nguồn dự trữ y tế chiến lược cho quốc gia, sẵn sàng ứng phó trước dịch bệnh và thiên tai, giảm phụ thuộc vào nguồn dược phẩm nhập khẩu.

Hiện nay, Khu công nghệ cao TP.HCM thu hút được hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới đến đầu tư như: Intel, Jabil, Rockwell (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)...

Lũy kế đến nay, tại SHTP có 160 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 12,3 tỷ USD.

Để tiếp tục thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao, TP.HCM đang tiếp tục đầu tư xây dựng Khu Công viên Khoa học Công nghệ với diện tích gần 200 ha, nằm tại phường Long Phước, TP. Thủ Đức, cách Khu công nghệ cao hiện hữu khoảng 2 km.

Gia hạn thời gian hoàn thành dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 7

Ngày 7/1, thông tin từ Ban Quản lý dự án 4, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) vừa có văn bản thống nhất chủ trương gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu xây dựng thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An.

Gia hạn thời gian hoàn thành Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 7

Gia hạn thời gian hoàn thành Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 7

Theo đó, thời hạn hoàn thành cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn sẽ được kéo dài đến ngày 31/5/2025 đối với Gói thầu XD01; Gói thầu XD02 đến ngày 18/7/2025 và Gói thầu XD03 đến ngày 30/4/2025.

Các mốc thời gian này như đề nghị của Cục Đường bộ Việt Nam vào ngày 25/12/2024 để triển khai các công việc tiếp theo bảo đảm quy định.

Cục Quản lý Đầu tư xây dựng yêu cầu, Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh hợp đồng các gói thầu, xác định thời gian địa phương bàn giao toàn bộ mặt bằng để lập tiến độ thi công chi tiết bảo đảm hoàn thành các gói thầu theo mốc tiến độ được gia hạn, bảo đảm tuân thủ đúng quy định; tập trung phối hợp chặt chẽ với địa phương sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công…

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022, có tổng mức đầu tư 1.300,27 tỷ đồng, với tổng chiều dài 27,5km, đi qua địa bàn ba huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương (tỉnh Nghệ An).

Dự án được chia làm 3 gói thầu xây dựng, tổng giá trị 778,724 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự phòng).

Theo ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Điều hành dự án Quốc lộ 7 (Ban Quản lý dự án 4), giá trị thi công Dự án đến thời điểm này đạt đạt 78,28%, không bao gồm chi phí dự phòng. Cụ thể, Gói thầu XD01 đạt 76,45%; Gói thầu XD02 đạt 75,36%; Gói thầu XD03 đạt 83,41%.

Nguyên nhân khiến việc thi công Dự án bị kéo dài, chậm tiến độ chính là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, các địa phương bàn giao mặt bằng thi công rất chậm. Đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng được khoảng 53,979/55,405 km (đạt 97,43%) tính cả trái và phải tuyến. Trên toàn tuyến mặt bằng đang vướng 1,430 km (tỉnh cả trái và phải tuyến) chiếm 2,58% và ảnh hưởng đến 104 thửa đất.

Gần 85 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước cho biết 84,7 triệu khách hàng cá nhân đã xác thực sinh trắc học, chiếm gần 73% khách có phát sinh giao dịch trên kênh số.

Khách hàng tới quầy giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ sinh trắc học

Khách hàng tới quầy giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ sinh trắc học

Thông tin này được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại họp báo tổng kết ngành ngân hàng, chiều 7/1. Ông Lê Văn Tuyên, Phó vụ trưởng Thanh toán cho biết, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã tích cực truyền thông, bố trí nhân lực làm việc ngoài giờ, hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học. Việc này nhằm không bị gián đoạn khi giao dịch ngân hàng điện tử từ 1/1/2025.

Hiện gần 73% khách hàng cá nhân có phát sinh trên kênh điện tử đã xác thực sinh trắc, tương đương 84,7 triệu khách hàng. Con số này thống kê theo mã khách hàng cá nhân tại từng ngân hàng, song chưa lọc trùng giữa các đơn vị với nhau. Tức có thể còn tình trạng một người đồng thời là khách hàng của nhiều nhà băng.

Một số ngân hàng có tỷ lệ xác thực cao như VietinBank (83%), Vietcombank (92%), BIDV (88%) và Agribank (66%).

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một số giao dịch ngân hàng điện tử buộc xác thực sinh trắc học từ 1/1/2025. Theo đó, khách hàng đã xác thực sinh trắc học mới được rút tiền, thanh toán trực tuyến từ tài khoản hoặc giao dịch thẻ online.

Sau khi áp dụng các yêu cầu về xác thực sinh trắc học theo từng giai đoạn, từ tháng 7 năm ngoái đến nay, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết tình trạng lừa đảo chuyển tiền giảm, nhưng khó có biện pháp ngăn chặn tuyệt đối.

Diện tích nhà ở bình quân của mỗi người Việt Nam đạt 26,6m2

Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, diện tích nhà ở bình quân đầu người đối với nhà chung cư thấp hơn 5,7 m2 so với nhà riêng lẻ.

Một khu đô thị tại Hà Nội

Một khu đô thị tại Hà Nội

Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Đây là cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ lần thứ hai được thực hiện ở Việt Nam sau khi cuộc điều tra lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2014.

Một trong những nội dung được công bố của cuộc điều tra là điều kiện ở và sinh hoạt của hộ dân cư.

Kết quả điều tra cho thấy đa số các hộ dân cư sống trong ngôi nhà hoặc căn hộ thuộc quyền sở hữu riêng của hộ gia đình, chiếm 89,7% mẫu khảo sát. Khu vực nông thôn và thành thị có tỷ lệ sở hữu tương ứng là 96,2% và 79,8%.

Tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 97,6% tổng số hộ có nhà ở, tăng 4,5 điểm phần trăm so với năm 2019 (chiếm tỷ lệ 93,1% khảo sát). Mức chênh lệch giữa tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố ở khu vực thành thị và nông thôn thu hẹp đáng kể, chỉ còn 3 điểm phần trăm. Tỷ lệ tương ứng của khu vực thành thị là 99,4% và nông thôn là 96,4%.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2024 là 26,6 m2/người, tăng 3,4 m2/người so với năm 2019. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của loại nhà chung cư ở mức 21,1 m2/người, thấp hơn so với mức 26,8 m2/người đối với loại hình nhà riêng lẻ.

Khoảng 41,9% số hộ sống trong các ngôi nhà hoặc căn hộ có diện tích bình quân đầu người từ 30 m2/người trở lên. Ngoài ra, 4,1% hộ dân cư được khảo sát đang sống trong các ngôi nhà hoặc căn hộ có diện tích chật hẹp dưới 8 m2/người.

Trong đó, tỷ lệ hộ sống trong các ngôi nhà hoặc căn hộ có diện tích bình quân đầu người dưới 8 m2/người ở vùng Đông Nam Bộ là cao nhất, chiếm 10,7% mẫu khảo sát. Tỷ lệ này của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là thấp nhất, vào khoảng 2%.

Đa số các hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà hoặc căn hộ được xây dựng và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay. Số lượng hộ dân cư này ở mức 22,9 triệu hộ, chiếm 81,5% số lượng khảo sát.

Tuy nhiên vẫn còn 14,2% số hộ sống trong ngôi nhà được xây dựng và đưa vào sử dụng lần đầu trong vòng từ trong vòng từ 25 - 49 năm. Đặc biệt, 1,9% số hộ vẫn đang sống trong những ngôi nhà có tuổi đời từ trên 49 năm.

Siết thu thuế với người nổi tiếng livestream bán hàng

Ngành thuế lập danh sách người nổi tiếng có doanh thu lớn từ livestream, tiếp thị liên kết thương mại điện tử để phân loại rủi ro và kiểm tra trong năm nay.

Người dân tải ứng dụng eTax của ngành thuế để khai, tra cứu thông tin nộp thuế.

Người dân tải ứng dụng eTax của ngành thuế để khai, tra cứu thông tin nộp thuế.

Tại họp báo thường kỳ chiều 7/1, ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định, tổ chức, cá nhân không phân biệt nổi tiếng hay không, phải tự kê khai, nộp thuế nếu có nguồn thu từ kinh doanh.

Lãnh đạo cơ quan thuế cho biết họ theo dõi, giám sát, tăng biện pháp quản lý về thuế với một số trường hợp người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (KOL, KOC) tham gia livestream bán hàng, tiếp thị liên kết. Trong số này, ngành thuế "lọc" danh sách người nổi tiếng có phát sinh doanh thu lớn từ livestream bán hàng, để đưa vào diện phân loại rủi ro, thanh kiểm tra.

Cùng với nhóm này, số cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử trong diện rà soát khoảng 76.428 người. Cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 30.029 cá nhân, truy thu và xử phạt 1.223 tỷ đồng.

Vừa qua, ngành thuế tập trung rà soát tại Hà Nội và TP.HCM - hai địa phương phát triển mạnh về dịch vụ, giải trí và nhiều người nổi tiếng kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử. Theo đó, Cục thuế TP.HCM lập tổ khai thác danh sách cá nhân là người nổi tiếng, sáng tạo nội dung bán hàng, livestream trên nền tảng xã hội để đưa vào diện kiểm tra thuế năm nay. Trong đợt rà soát đầu tiên, cơ quan thuế xác định 35 nghệ sĩ, người nổi tiếng kinh doanh trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử thuộc diện phải kê khai, nộp thuế.

Ngoài ra, nhiều người nổi tiếng bán hàng, kinh doanh online tự giác đăng ký, nộp thuế. Chẳng hạn, tại TP.HCM, một hoa hậu đã nộp thuế 4,7 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, cơ quan thuế xác định tổng doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử của nhóm người nổi tiếng khoảng 900 tỷ đồng trong năm ngoái. Số thuế họ đã nộp khoảng 13 tỷ đồng.

Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Thu thuế từ lĩnh vực này liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, số thu năm 2024 khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000 - 97.000 tỷ đồng ghi nhận trong hai năm trước đó.

Đề xuất thu hồi hai khu đất 37.000 m2 ở TP.HCM xây trường học

Khu đất 21.000 m2 bỏ hoang đối diện công viên Gia Định và nhà đất 16.000 m2 đang là cơ sở giết mổ gia súc trên đường Lê Đức Thọ được đề xuất thu hồi xây trường học.

Khu đất 780A Nguyễn Kiệm ở vị trí đắc địa nhưng không sử dụng

Khu đất 780A Nguyễn Kiệm ở vị trí đắc địa nhưng không sử dụng

Đề xuất được Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Ngọc Anh nêu tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan về kế hoạch năm và giải quyết kiến nghị của Quận, ngày 7/1.

Trong đó, khu đất 780A Nguyễn Kiệm là đất công, nằm ở trung tâm quận, rộng hơn 21.000 m2, gần công viên Gia Định. Năm 2019, khu đất được giao cho Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) quản lý.

Nơi này đang có một chốt bảo vệ, tường rào bao xung quanh nhưng để trống, không sử dụng. Bên ngoài cổng bị người dân chiếm dụng bán hàng rong, quán nước.

Khu đất còn lại ở địa chỉ 139/1558 Lê Đức Thọ rộng hơn 16.000 m2. Hiện nhà đất này do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn quản lý và giao cho Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn sử dụng. Nơi đây được phép hoạt động đến hết năm 2026 sau đó phải dời về huyện Củ Chi.

Đề xuất thu hồi hai khu đất để phục vụ giáo dục được quận Gò Vấp đưa ra trong bối cảnh số trường học và phòng học trên địa bàn còn thiếu. Tính đến hết năm 2024, toàn quận có 79 trường mầm non, 23 trường tiểu học, 15 trường trung học cơ sở công lập, 9 trường liên cấp, 7 trường trung học phổ thông.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đồng tình với đề xuất của quận. Tuy nhiên, ông lưu ý việc xây trường phải thực hiện theo quy hoạch.

Lãnh đạo Thành phố cũng khuyến khích quận và phường trong quản lý địa bàn nếu phát hiện nhà đất công của doanh nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước, kể cả cơ quan Trung ương đang bỏ trống, cho thuê thì báo cáo, kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi để làm việc công cộng.

Sẽ có phương án chuyển giao 2 ngân hàng yếu kém trước Tết Nguyên đán 2025

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục xử lý 2 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt là GPBank và DongABank trước Tết Nguyên đán 2025.

NHNN kỳ vọng hoàn tất tái cơ cấu 4 ngân hàng yếu kém trước Tết Nguyên đán 2025

NHNN kỳ vọng hoàn tất tái cơ cấu 4 ngân hàng yếu kém trước Tết Nguyên đán 2025

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngành ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 chiều 7/1, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến nay, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc.

Đối với 2 ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt còn lại là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank), NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý trong thời gian tới.

"Hiện NHNN đang trình phương án tái cơ cấu GPBank và DongABank lên Chính phủ, kỳ vọng hoàn tất kế hoạch chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém trước Tết Nguyên đán", Phó Thống đốc chia sẻ.

Ngoài 4 ngân hàng trên, cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Đối với ngân hàng này, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đang áp dụng các biện pháp nhằm duy trì hoạt động ổn định của SCB, bảo đảm an toàn tiền gửi của khách hàng, đồng thời xử lý các tồn tại, yếu kém và vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, NHNN đang xây dựng phương án tái cơ cấu tích cực để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Trong số 2 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt còn lại, GPBank là nhà băng được NHNN mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015, còn DongABank thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Dù NHNN chưa công bố cụ thể ngân hàng nào sẽ tiếp nhận hai tổ chức tín dụng này, hiện có hai ngân hàng thương mại là VPBank và HDBank đã xin ý kiến cổ đông thông qua chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

Hồi giữa tháng 10/2024, hai ngân hàng thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt là CBBank và OceanBank đã lần lượt được chuyển giao bắt buộc về hai ngân hàng thương mại là Vietcombank và MB.

Mới đây, MB đã đổi tên OceanBank thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam hiện đại (gọi tắt là MBV) đồng thời đưa loạt lãnh đạo cấp cao sang điều hành ngân hàng này.

Chuyên đề