Bản tin thời sự sáng 5/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là triển lãm 200 tài liệu về Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy; rà soát quốc tịch cổ đông hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn; yêu cầu VEC trình phương án vốn cho cao tốc Bến Lức - Long Thành…

Triển lãm 200 tài liệu về Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy

Triển lãm trực tuyến của Trung tâm lưu trữ quốc gia III giới thiệu 200 tài liệu, nêu rõ hành trình Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy trở thành biểu tượng quốc gia.

Khu vực giới thiệu Quốc huy và họa sĩ Bùi Trang Chước

Khu vực giới thiệu Quốc huy và họa sĩ Bùi Trang Chước

Nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9, Trung tâm lưu trữ quốc gia III tổ chức triển lãm trực tuyến Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam.

Không gian triển lãm trực tuyến được thiết kế sinh động. Khu vực sảnh chính giới thiệu lối vào các khu trưng bày gồm Quốc kỳ - Cờ đỏ sao vàng, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc Việt Nam; Quốc ca - giai điệu thiêng liêng, tự hào; Quốc huy - biểu tượng nhà nước Việt Nam và khu vực trưng bày chủ đề "Tự hào Việt Nam".

Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, lần đầu xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra đêm 22, rạng ngày 23/11/1940 ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Theo một số nhà nghiên cứu, người vẽ lá Quốc kỳ là Nguyễn Hữu Tiến, sinh ở Duy Tiên, Hà Nam. Sau hội nghị Trung ương lần 6 năm 1939, xứ ủy Nam Kỳ phân công ông thiết kế lá cờ cho cuộc khởi nghĩa.

Đến khu vực Quốc ca, người xem được nghe lại giai điệu Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao cùng hoàn cảnh ra đời bài hát. Bản viết tay của nhạc sĩ kể lại, bài hát được sáng tác cuối năm 1944.

Khu vực Quốc huy trưng bày bản thảo được chỉnh sửa cuối để trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I, tháng 9/1955. Tại khu vực này có Bản sắc lệnh năm 1956 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc ban bố mẫu Quốc huy Việt Nam. Nhiều hình ảnh và thân thế, sự nghiệp, quá trình sáng tác Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước, được trưng bày.

Rà soát quốc tịch cổ đông hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, kiểm tra tình trạng quốc tịch các cổ đông góp vốn tại IPP Air Cargo để xác định điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư.

Ngoài chiếc máy bay đã xuất xưởng, 3 chiếc khác đang được lắp ráp gối đầu và sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2022

Ngoài chiếc máy bay đã xuất xưởng, 3 chiếc khác đang được lắp ráp gối đầu và sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến đề xuất cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không IPP Air Cargo.

Theo đó, về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, kiểm tra về tình trạng quốc tịch của các cổ đông.

Trường hợp có cá nhân mang 2 quốc tịch, thì việc lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các cổ đông của IPP Air Cargo đều là cá nhân có quốc tịch Việt Nam nên công ty này là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.

Do đó, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo là dự án đầu tư trong nước, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo thuộc trường hợp không phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

IPP Air Cargo là công ty cổ phần được thành lập vào tháng 3/2021, gồm 4 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Johnathan Hạnh Nguyễn); Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện là ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam; bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Nguyễn William Hiếu.

Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động.

Yêu cầu VEC trình phương án vốn cho cao tốc Bến Lức - Long Thành

Do Dự án Bến Lức - Long Thành không được giao vốn vay và thiếu vốn đối ứng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu chủ đầu tư trình Chính phủ phương án vốn cho Dự án.

Toàn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành

Toàn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành

Bộ GTVT vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về vướng mắc ở Dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Từ năm 2019, các gói thầu đoạn tuyến phía Tây sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các gói thầu sử dụng vốn vay từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thuộc Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành phải tạm dừng. Nguyên nhân là VEC không được giao vốn vay và thiếu vốn đối ứng. Hiệp định vay vốn từ ADB và JICA đã hết hạn.

Bộ GTVT khẳng định Dự án chậm sẽ phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến thời gian thu phí hoàn vốn, giảm hiệu quả đầu tư. Hiện các vướng mắc chủ yếu liên quan sự chủ động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, Bộ trưởng GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC chủ động làm việc với các bộ, ngành để giải quyết nguồn vốn cho công trình.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57 km đi qua Long An, TP.HCM, Đồng Nai, tổng đầu tư hơn 1.607 triệu USD (31.000 tỷ đồng), khởi công năm 2014. Dự án có vốn vay ADB là 635 triệu USD, vốn vay JICA trên 634 triệu USD, vốn đối ứng hơn 336 triệu USD.

Giá thịt heo nhập rẻ bằng một nửa trong nước

Giá bán thịt heo đông lạnh nhập khẩu hiện dao động 60.000 - 90.000 đồng mỗi kg, tức rẻ bằng một nửa giá thịt trong nước.

Thịt heo nhập khẩu được bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội

Thịt heo nhập khẩu được bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội

Giá bán mỗi kg thịt heo đông lạnh nhập khẩu tại các siêu thị, cửa hàng dao động 60.000 - 90.000 đồng một kg, tuỳ loại thịt ba rọi, sườn non... Mức giá này đắt gấp rưỡi giá nhập khẩu (giá khai báo hải quan) và thấp hơn một nửa so với giá thịt tươi trong nước. Chẳng hạn, mỗi kg ba rọi heo (thịt nóng) tại các chợ hiện dao động 130.000 - 140.000 đồng; sườn thăn 140.000 - 150.000 đồng; chân giò 150.000 đồng...

Thời gian qua, cả lượng và giá thịt heo nhập khẩu về Việt Nam đều giảm. Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính riêng tháng 7 (tháng 8 chưa có thống kê), Việt Nam nhập hơn 10.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh, đông lạnh, trị giá gần 21,6 triệu USD. Lượng nhập khẩu và giá nhập (giá khai báo hải quan) đều giảm so với cùng kỳ 2021, lần lượt là 31,2% và 36,8%. Bình quân mỗi tấn thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá 2.153 USD một tấn, tương đương trên 50.000 đồng mỗi kg.

Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, lượng thịt heo được nhập về hơn 55.200 tấn, trị giá hơn 117 triệu USD. Mức này giảm trên 40% về lượng và gần một nửa giá so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường nhập khẩu thịt chính của Việt Nam là Nga (26,7%), Brazil (37,5%), Đức (15,5%), Canada (10,2%)...

Yên Bái: Vỡ đập chứa đất thải mỏ quặng sắt do mưa lớn

Cơ quan chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả vụ vỡ đập chứa đất thải mỏ quặng sắt tại huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái).

Vị trí đập chứa đất thải bị vỡ.

Vị trí đập chứa đất thải bị vỡ.

Lãnh đạo xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết, do mưa lớn kéo dài trong sáng 4/9, đập chứa đất thải tại khu vực mỏ quặng sắt số 31 thuộc Công ty TNHH Phát triển số 1 đã bị vỡ.

Hậu quả đã khiến nhiều hộ dân (chủ yếu ở thôn Dầy 2, xã Chấn Thịnh) bị thiệt hại nặng nề.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã có mặt, kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại và vận động nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Vị lãnh đạo này thông tin thêm, hiện lực lượng tại chỗ đã khơi thông các điểm sạt, di dời các hộ dân ra khỏi nơi nguy hiểm.

Chuyên đề