Bản tin thời sự sáng 4/9

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng yêu cầu tăng thu ngân sách năm 2024; 7/12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ hoàn thành giữa năm 2025; Bình Dương đấu giá hàng chục khu ‘đất vàng’ rộng gần 400 ha; thêm hàng trăm triệu cổ phiếu thép đổ bộ sàn chứng khoán…

Thủ tướng yêu cầu tăng thu ngân sách năm 2024

Thủ tướng giao chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024 vượt 10% dự toán Quốc hội giao, để tạo nguồn cải cách tiền lương, xử lý phát sinh.

Thủ tướng giao chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024 vượt 10% dự toán Quốc hội giao

Thủ tướng giao chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024 vượt 10% dự toán Quốc hội giao

Tại công điện vừa ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phục hồi tích cực. Thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán, bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, áp lực lạm phát còn lớn, một số khoản thu ngân sách có tiến độ thấp, nhất là thu tiền sử dụng đất. Kết quả giám sát cho thấy, chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi chưa nghiêm, còn gian lận, trốn thuế. Quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công sai, thất thoát, lãng phí còn xảy ra tại một số bộ ngành, địa phương, đơn vị.

Thủ tướng yêu cầu, người đứng đầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo cấp dưới tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu, tiết kiệm chi, cân đối ngân sách trong những tháng còn lại của năm.

Về thu ngân sách, các bộ, ngành hoàn thiện chính sách, có giải pháp quản lý, chống thất thu. Các cơ quan này được giao tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định thuế với nhà, đất; giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài; doanh nghiệp, hộ kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là ăn uống.

Trên cơ sở đó, thu ngân sách năm nay đặt mục tiêu vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với năm 2024. Việc này nhằm bảo đảm có nguồn chi theo dự toán, cải cách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.

Về chi ngân sách, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm nay. Năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để cải cách tiền lương, các đơn vị phải tiết kiệm thêm khoảng 10%. Nguồn tiền này để giảm bội chi, hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, bổ sung cho chi đầu tư phát triển.

Cũng liên quan tới chi ngân sách, năm nay, Thủ tướng giao gần 670.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các địa phương. Song, giải ngân nguồn vốn này 8 tháng mới đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó, 19 bộ ngành, 31 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.

7/12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ hoàn thành giữa năm 2025

Trong 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, có 7 dự án sẽ hoàn thành giữa năm sau, số còn lại được đẩy tiến độ để phấn đấu thông xe cuối năm 2025.

Thi công cầu cạn trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Thi công cầu cạn trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng sản lượng thi công của 12 dự án cao tốc đạt 45.071 tỷ đồng, tương đương 46% tổng mức đầu tư.

7 dự án thành phần có thể hoàn thành tuyến chính đúng dịp 30/4/2025, vượt tiến độ yêu cầu từ 3 - 6 tháng. Đó là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.

Các dự án đang có sản lượng thực hiện đạt trên 50% gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Vân Phong - Nha Trang. Riêng dự án Vũng Áng - Bùng đạt 62%, Vân Phong - Nha Trang đạt 67% giá trị hợp đồng.

Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên, Khánh Hòa) đạt khoảng 46% giá trị hợp đồng. Trong đó, hạng mục hầm đường bộ Tuy An dài hơn 1 km gặp địa chất yếu, đá phong hóa, cát chảy nhiều, khác hoàn toàn khảo sát thiết kế ban đầu. Vì vậy, nhà thầu bị phát sinh chi phí xử lý và kéo dài thời gian thi công.

Riêng dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau đạt khối lượng khoảng 40%, tiến độ còn chậm so với kế hoạch do thời gian qua còn thiếu hụt về vật liệu đắp, chậm giải phóng mặt bằng.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), dự án Cần Thơ - Cà Mau cần 18,5 triệu m3 cát. Hiện đã xác định nguồn cung và được các địa phương xác nhận đủ điều kiện khai thác 22,3 triệu m3.

Đến nay, nguồn vật liệu đã cơ bản được tháo gỡ, dần đưa cát về công trường. Các nhà thầu huy động máy móc thiết bị, tăng cường gia tải 110 km tuyến chính vào cuối năm nay.

Đến nay, 12 dự án cao tốc Bắc - Nam đã được các địa phương bàn giao 99% mặt bằng thi công, đạt khoảng 719/721 km. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, nhiều trụ điện, đường dây điện trên nhiều đoạn cao tốc vẫn chưa được di dời, ảnh hưởng thi công nền đường.

Bình Dương đấu giá hàng chục khu ‘đất vàng’ rộng gần 400 ha

Để tạo nguồn thu, tỉnh Bình Dương quyết định đấu giá hàng chục khu đất, trong đó có nhiều khu vực từng là trụ sở cơ quan nhà nước được ví như “đất vàng” có giá trị cao.

Khu đất là trụ sở cũ của UBND TP. Thủ Dầu Một nằm trên mặt tiền Quốc lộ 13 đang bỏ không

Khu đất là trụ sở cũ của UBND TP. Thủ Dầu Một nằm trên mặt tiền Quốc lộ 13 đang bỏ không

Đó là thông tin được Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 cho hay tại cuộc họp mới đây.

Theo đó, các khu đất được triển khai đấu giá chủ yếu là từ đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đất thu hồi giao tổ chức phát triển quỹ đất quản lý; đất công do địa phương quản lý; đất doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, quản lý sắp xếp lại thu hồi; đất có nguồn gốc cá nhân, tổ chức đang sử dụng dự kiến thu hồi theo quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics...

Trong số này, có nhiều khu đất nằm ở vị trí đắc địa của tỉnh Bình Dương, là trụ sở làm việc của nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước, được ví như “đất vàng” do có giá trị lớn.

Theo dự kiến, có 38 khu đất với diện tích gần 400 ha sẽ được thực hiện đấu giá (quyền sử dụng đất, tài sản công). Việc đấu giá sẽ tiến hành theo các giai đoạn, riêng trong năm 2024 sẽ đấu giá 10 khu đất với tổng diện tích khoảng 8,3 ha.

Cụ thể, các khu đất ở vị trí đắc địa được đấu giá trong thời gian tới là trụ sở cũ của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương (nằm trên hai mặt tiền đường Ngô Gia Tự và Đại lộ Bình Dương), khu đất Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tấn Lợi, khu đất Thanh tra Sở Xây dựng (thuộc TP. Thủ Dầu Một); 2 khu đất của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (TP. Thuận An); khu đất Công ty Sobexco (TP. Bến Cát), khu đất Tổng công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP, khu đất Trường Mầm non Châu Thới (TP. Dĩ An)…

Đến năm 2025, tỉnh này sẽ thực hiện đấu giá tiếp 17 khu đất với tổng diện tích hơn 331 ha, giai đoạn 2026 - 2030 thực hiện đấu giá 11 khu đất với tổng diện tích 52,2 ha.

Thêm hàng trăm triệu cổ phiếu thép đổ bộ sàn chứng khoán

Năm 2024, thị trường ghi nhận hàng trăm triệu cổ phiếu phát hành mới của các doanh nghiệp ngành thép chuẩn bị đổ bộ sàn chứng khoán.

Thêm hàng trăm triệu cổ phiếu ngành thép "đổ bộ" thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa

Thêm hàng trăm triệu cổ phiếu ngành thép "đổ bộ" thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa

Ngay từ đầu năm 2024, khi mùa ĐHĐCĐ thường niên bắt đầu, hàng loạt doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành số lượng lớn cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ với khối lượng phát hành tại nhiều doanh nghiệp lên đến hàng trăm triệu cổ phiếu, vốn điều lệ tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Điển hình như nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các doanh nghiệp thép cũng không nằm ngoài xu hướng với hàng trăm triệu cổ phiếu mới của các doanh nghiệp ngành thép đã và đang đổ bộ thị trường chứng khoán.

Công ty CP Thép Nam Kim (mã: NKG) mới đây đã lên kế hoạch chào bán 131 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Với số lượng phát hành và giá chào bán như trên, Thép Nam Kim muốn huy động 1.580 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này doanh nghiệp dự kiến sẽ góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư Dự án Nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh phát hành cho cổ đông hiện hữu, Thép Nam Kim cũng thông qua phương án phát hành 52,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn. Thời gian dự kiến triển khai từ quý III - IV/2024, sau khi được UBCKNN chấp thuận. Nếu hoàn thành cả 2 đợt phát hành trên, tổng lượng cổ phiếu mới được doanh nghiệp phát hành là 180 triệu cổ phiếu. Sau phát hành, dự kiến vốn điều lệ của Nam Kim sẽ tăng từ 2.633 tỷ đồng lên gần 4.500 tỷ đồng.

Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) đã phát hành thêm hơn 580 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 10%. Nguồn phát hành được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hơn 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.600 tỷ đồng.

Sau phát hành, vốn điều lệ của Hòa Phát đã tăng thêm gần 6.000 tỷ đồng, lên gần 64.000 tỷ đồng. Hòa Phát trở doanh nghiệp có số cổ phiếu lưu hành lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán với 6,4 tỷ cổ phiếu, chỉ sau VPBank với 7,9 tỷ cổ phiếu.

Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) cũng thông qua kế hoạch phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ khi kết thúc đợt phát hành.

Kon Tum “gọi tên” loạt dự án lớn giải ngân ì ạch

Nhằm thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng còn lại của năm 2024, tỉnh Kon Tum vừa “gọi tên” loạt dự án lớn sử dụng vốn ngân sách nhà nước đang giải ngân ì ạch.

Việc cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi gặp khó do vướng giải phóng mặt bằng

Việc cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi gặp khó do vướng giải phóng mặt bằng

Trong loạt dự án chậm giải ngân, được UBND tỉnh Kon Tum nêu đích danh, có Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla, địa bàn thành phố Kon Tum (tuyến bờ Bắc - đoạn từ làng Kon Hra Chót đi làng Kon Tum Kơ Nâm, KonKlor 1 và Kon Tum Kơ Pơng). Dự án này mới chỉ giải ngân được hơn 5,7 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn hơn 205 tỷ đồng.

Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum giải ngân được 9 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn hơn 350 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi giải ngân được hơn 12 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn 232 tỷ đồng...

Liên quan tình trạng chậm giải ngân đầu tư xây dựng, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đang làm chủ đầu tư 9 dự án với 790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, nhưng mới giải ngân được 31 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là khâu giải phóng mặt bằng quá chậm.

Năm 2024, Chính phủ giao cho tỉnh Kon Tum nguồn vốn hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hơn 1.600 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 1.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/7 vừa qua, tỉnh Kon Tum mới giải ngân đạt tỷ lệ 8,5% vốn Trung ương giao, đứng thứ 6 từ dưới lên trong 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Khởi tố nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuốc lá và Thực phẩm Bắc Giang

VKSND tỉnh Bắc Giang đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Phạm Hồng T., nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thuốc lá và Thực phẩm Bắc Giang về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan công an tiến hành các hoạt động tố tụng liên quan vụ án

Cơ quan công an tiến hành các hoạt động tố tụng liên quan vụ án

Quá trình điều tra xác định, Công ty CP Thuốc lá và Thực phẩm Bắc Giang là doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Ngày 2/6/2008, Phạm Hồng T., Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty nhận bàn giao số liệu kế toán từ ông Nguyễn V. thì giá trị vốn góp Nhà nước là hơn 2,1 tỷ đồng.

Từ thời điểm đó đến năm 2018, Phạm Hồng T. là người được giao quản lý phần vốn góp Nhà nước tại Công ty.

Quá trình tiếp nhận quản lý Công ty, mặc dù biết hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty không hiệu quả, tình trạng thua lỗ kéo dài qua nhiều năm, nhưng Phạm Hồng T. không tổ chức đại hội cổ đông thường niên, không thực hiện báo cáo tài chính từ năm 2013 - 2018; không báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang về hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng tài sản của Công ty để thế chấp vay vốn ngân hàng, dẫn tới không có khả năng trả nợ. Đến nay xác định toàn bộ tài sản, nguồn vốn của Công ty đã bị thất thoát.

Sau khi VKSND tỉnh Bắc Giang phê chuẩn các quyết định tố tụng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở đối với Phạm Hồng T. theo đúng quy định. Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát chống bán phá giá sản phẩm sợi dài từ polyester

Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát chống bán phá giá sản phẩm sợi dài từ polyester chậm nhất đến ngày 1/11/2024.

Trụ sở Bộ Công Thương

Trụ sở Bộ Công Thương

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ban hành Quyết định số 2302/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, trước đó ngày 1/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2866/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.

Điều 58 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định rõ, trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 1 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức hoặc quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định này có thể nộp hồ sơ yêu cầu rà soát, trừ trường hợp thời hạn nộp hồ sơ ít hơn 9 tháng tính đến thời hạn Bộ trưởng Bộ Công Thương phải quyết định có tiến hành rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay không.

Do vậy, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP có quyền nộp hồ sơ theo yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dài làm từ polyester. Thời hạn Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 1/11/2024.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư