Bản tin thời sự sáng 4/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là EVN lên kế hoạch cung ứng theo tháng để tránh thiếu điện; xem xét trách nhiệm gây đội vốn, chậm tiến độ của Dự án Nhổn - ga Hà Nội; nhà cổ của đại gia Huy "Máy Nổ" ở Đà Nẵng được bán đấu giá; trong tháng 1/2024 sẽ có đủ 10 loại vaccine phục vụ tiêm chủng mở rộng…

EVN lên kế hoạch cung ứng theo tháng để tránh thiếu điện

EVN sẽ công bố sản lượng huy động điện từng tháng để các nhà máy, đơn vị lập kế hoạch dự phòng, tránh xảy ra thiếu điện mùa nắng nóng 2024.

EVN sẽ công bố sản lượng huy động điện từng tháng để các nhà máy, đơn vị lập kế hoạch dự phòng

EVN sẽ công bố sản lượng huy động điện từng tháng để các nhà máy, đơn vị lập kế hoạch dự phòng

Thiếu điện xảy ra tại miền Bắc trong nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023 đã để lại nhiều bài học trong cung ứng điện cho ngành năng lượng. Rút kinh nghiệm năm nay, Bộ Công Thương vừa phê duyệt kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (4,5, 6 và 7/2024).

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu trong 4 tháng hè - thời điểm nắng nóng nhất trong năm - là hơn 109 tỷ kWh. Để đảm bảo cung ứng, Bộ Công Thương giao EVN lên kịch bản huy động sản lượng điện sẽ huy động theo từng tháng cho các nhà máy, đơn vị để họ chủ động lập kế hoạch sản xuất điện.

Số liệu cập nhật kế hoạch đảm bảo điện (gồm chuẩn bị nhiên liệu than, dầu, khí cho phát điện và vận hành hồ chứa thủy điện), nhất là miền Bắc cần được EVN báo cáo Bộ Công Thương vào ngày 15/3.

"EVN cần đưa ra kịch bản dự phòng cho tình huống cực đoan, sự cố để đảm bảo không xảy ra thiếu điện", Bộ Công Thương lưu ý.

Hiện, EVN nắm giữ khoảng 37,5% nguồn điện, PVN và TKV lần lượt nắm 8% và 2% nguồn điện toàn hệ thống. Còn lại, 52,5% nguồn phụ thuộc vào các nhà máy điện tư nhân, BOT. Do đó, ngoài EVN, Bộ Công Thương yêu cầu PVN sớm nghiệm thu, đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, để thêm nguồn cung điện cho phía Bắc. Tập đoàn này cũng đảm nhận trách nhiệm ưu tiên cấp khí cho sản xuất điện, chào giá phù hợp với nguồn khí LNG nhập khẩu.

Các tổng công ty điện lực thuộc PVN, TKV và chủ đầu tư các nhà máy điện bảo dưỡng các tổ máy phát điện để "tuyệt đối không xảy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan trong các tháng cao điểm mùa khô". TKV, Tổng công ty Đông Bắc cùng các chủ đầu tư nhà máy điện xây dựng kế hoạch cung cấp than chi tiết cho các tháng cao điểm hè.

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia rà soát phương án vận hành lưới điện 500-220-110 kV; vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam và bảo đảm tiến độ Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Xem xét trách nhiệm gây đội vốn, chậm tiến độ của Dự án Nhổn - ga Hà Nội

Thanh tra TP. Hà Nội đề nghị xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khiến Dự án Nhổn - ga Hà Nội nhiều lần lùi tiến độ, đội vốn từ 783 triệu Euro lên 1.378 triệu Euro.

Hai đoàn tàu đi ngược chiều nhau trong đợt chạy thử

Hai đoàn tàu đi ngược chiều nhau trong đợt chạy thử

Thanh tra TP. Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra một số nội dung tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (metro Nhổn - ga Hà Nội). Đơn vị này thanh tra ba nội dung: đánh giá hồ sơ dự thầu; ký hợp đồng với nhà thầu và giám sát, sử dụng nhà thầu phụ.

Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, với 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, đi qua 6 quận gồm: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình. Theo kết luận thanh tra, hầu hết quận chậm bàn giao mặt bằng, trong đó quận Đống Đa mất 10 năm kể từ khi ra thông báo thu hồi đất đến khi bàn giao mặt bằng để thi công hai ga ngầm S10 Cát Linh và S11 Văn Miếu. Quận Ba Đình hoàn thành giải phóng mặt bằng để làm ga S9 Kim Mã mất 9 năm và quận Hoàn Kiếm bàn giao mặt bằng khu vực ga S12 (đối diện ga Hà Nội) sau 6 năm.

"Trách nhiệm thuộc về UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và các đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án qua từng thời kỳ", kết luận của Thanh tra Hà Nội nêu.

Ngoài bàn giao mặt bằng chậm, việc di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật của Dự án cũng chậm, thời điểm thanh tra vào làm việc năm 2022 vẫn chưa hoàn thành phần việc này. Việc ký kết bàn giao mặt bằng của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho nhà thầu cũng không đúng tiến độ, thời gian chậm nhiều nhất so với tiến độ là 3 năm 8 tháng.

Thanh tra Thành phố cho rằng, trách nhiệm để xảy ra chậm tiến độ các phần việc nêu trên thuộc về MRB qua từng thời kỳ từ năm 2013 - 2022. Cơ quan này đề nghị UBND TP. Hà Nội giao Sở Nội vụ xem xét trách nhiệm các tổ chức và cá nhân để xảy ra các tồn tại nêu trên; tham mưu cho UBND TP. Hà Nội xử lý theo quy định; chỉ đạo MRB khắc phục những tồn tại.

Nhà cổ của đại gia Huy "Máy Nổ" ở Đà Nẵng được bán đấu giá

Ngân hàng tiếp tục thông báo bán đấu giá khoản nợ của đại gia Lê Bá Huy, biệt danh Huy "Máy Nổ", nhằm thu hồi khoản vay nợ của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lắp máy Miền Nam.

Nhà cổ của đại gia Huy "Máy Nổ" ở Đà Nẵng được bán đấu giá

Nhà cổ của đại gia Huy "Máy Nổ" ở Đà Nẵng được bán đấu giá

Ngày 3/1, Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Đà Nẵng thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lắp máy Miền Nam do ông Lê Bá Huy làm Giám đốc.

Được biết, giữa tháng 12/2023, Agribank chi nhánh Nam Đà Nẵng cũng có thông báo bán đấu giá khoản nợ trên nhưng không thành công.

Giá trị ghi sổ khoản nợ tại thời điểm ngày 29/6/2023 được quy đổi theo tỷ giá ngân hàng là hơn 355 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 133 tỷ đồng; hơn 3,7 triệu USD cùng nợ lãi hơn 75 tỷ đồng và 2,4 triệu USD.

Tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 30/6/2023 cho đến khi công ty thanh toán hết nợ gốc và lãi tiền vay.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất rộng hơn 2.293 m2 tại địa chỉ 404 Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê).

Ngoài ra, còn có 2 hạng mục tài sản thế chấp khác của Công ty Lắp máy Miền Nam tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Trong đó có nhà làm việc, kho thành phẩm, nhà sơn xe, xưởng thiết bị, phòng lab, phòng máy phát điện...

Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là hơn 246 tỷ đồng. Buổi đấu giá dự kiến diễn ra vào chiều 10/1 tại Công ty Đấu giá hợp danh Bảo Việt.

Trong tháng 1/2024 sẽ có đủ 10 loại vaccine phục vụ tiêm chủng mở rộng

Ngay khi Bộ Tài chính và Bộ Y tế phê duyệt giá 10 loại vaccine sản xuất trong nước, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện ký hợp đồng đặt hàng 10 loại vaccine từ các nhà sản xuất trong nước.

Trong tháng 1/2024 sẽ có đủ 10 loại vaccine phục vụ tiêm chủng mở rộng

Trong tháng 1/2024 sẽ có đủ 10 loại vaccine phục vụ tiêm chủng mở rộng

Như vậy, sau một thời gian gián đoạn cung ứng một số loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023, ngay khi Bộ Tài chính và Bộ Y tế phê duyệt giá 10 loại vaccine sản xuất trong nước, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện ký hợp đồng đặt hàng 10 loại vaccine. Số vaccine này sẽ nhanh chóng được tiến hành phân bổ đến các địa phương ngay những ngày đầu tháng 1/2024.

Cụ thể 1,55 triệu liều vaccine phòng Lao (BCG), 1 triệu liều vaccine viêm gan B, 4,98 triệu liều vaccine bại liệt uống (OPV), 1,9 triệu liều vaccine sởi, 1,7 triệu liều vaccine sởi-rubella, 1,4 triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản, 1,531 triệu liều vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), gần 1,5 triệu liều vaccine uốn ván, 1,377 triệu vaccine uốn ván - bạch hầu (Td).

Số lượng 9 loại vaccine này đủ để tiêm chủng bù mũi cho trẻ em chưa được tiêm trong năm 2023 và các trẻ đến lịch tiêm trong 6 tháng đầu năm 2024.

Riêng 549.164 liều vaccine Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp, là vaccine mới sẽ đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi, dự kiến sẽ được triển khai từ quý II năm nay.

Các loại vaccine trên sẽ được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận về kho vaccine quốc gia, nhanh chóng phân bổ và chuyển đến các địa phương ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 1/2024 và sẽ tăng cường thêm nhiều chuyến đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêm chủng tại tất cả các trạm y tế xã phường.

Xây hệ thống cấp nước cho 60.000 ha nuôi tôm ở miền Tây

Hệ thống thủy lợi, âu thuyền đưa nước ngọt phục vụ hàng chục nghìn ha nuôi trồng thủy sản ở Bạc Liêu, tổng kinh phí hơn 1.450 tỷ đồng.

Quy trình nuôi tôm công nghệ cao ở TP. Bạc Liêu

Quy trình nuôi tôm công nghệ cao ở TP. Bạc Liêu

Dự án vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, bao gồm xây 2 cống âu thuyền trên kênh Bạc Liêu - Cà Mau, thị xã Giá Rai và Vàm Lẽo tại huyện Vĩnh Lợi; 7 cống và trạm bơm trên các kênh tại huyện Vĩnh Lợi.

Khi hoàn thành, hệ thống điều tiết nước ngọt phục vụ nuôi tôm vào mùa khô cho khoảng 13.000 ha ở TP. Bạc Liêu và huyện Hòa Bình; 5.000 ha làm lúa tôm ven kênh Cà Mau - Bạc Liêu. Dự án còn cấp nước ngọt cho 43.000 ha nuôi thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1; bảo vệ cơ sở hạ tầng cho đô thị dọc Quốc lộ 1 như TP. Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị trấn Hòa Bình.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, hệ thống thủy lợi hiện lạc hậu, việc lấy nước nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Dự án nói trên sẽ ngăn dòng kênh xáng Cà Mau, trữ ngọt kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau bằng cách lấy nước ngọt sông Hậu theo hướng từ Phụng Hiệp phục vụ nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Tỉnh sẽ triển khai Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.

Bạc Liêu là một trong ba địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước, đạt hơn 140.000 ha.

Hơn 22.000 sổ hồng được cấp tại TP.HCM năm qua

Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết đã cấp 22.147 sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án, vượt kế hoạch đề ra trước đó.

Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết đã cấp 22.147 sổ hồng cho người mua nhà

Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết đã cấp 22.147 sổ hồng cho người mua nhà

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có báo cáo về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) năm 2023.

Theo đó, trong năm qua, TP.HCM đã cấp khoảng 22.147 giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án, cao hơn so với kế hoạch 22.000 hồ sơ đã đề ra.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên địa bàn có khoảng 81.085 căn tại các dự án nhà ở chưa được cấp sổ hồng do 6 nhóm vướng mắc, bao gồm: vướng mắc pháp lý; đang chờ xác minh nghĩa vụ tài chính; doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ cấp sổ; vướng mắc loại hình bất động sản mới; thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; và nhóm vướng mắc khác.

Để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục cấp sổ hồng, hồi tháng 5/2023, cơ quan này đã ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp tháo gỡ.

Cũng trong báo cáo này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết đã cấp 7.184 giấy chứng nhận lần đầu cho các tổ chức và cá nhân. Đồng thời, có 320.729 giấy chứng nhận được thực hiện đăng ký biến động.

Ước tính cả năm 2023, nguồn thu cho ngân sách thành phố từ công tác cấp sổ hồng (thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ) khoảng 7.781 tỷ đồng. Số này góp phần tạo nguồn vốn phát triển kinh tế cho TP.HCM từ giá trị thế chấp, đăng ký biến động đất đai, lên 755.510 tỷ đồng.

DIC Corp - đại gia bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu bị phạt gần nửa tỷ đồng

Với hàng loạt vi phạm về công bố thông tin, DIC Corp - đại gia bất động sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa bị xử phạt 470 triệu đồng.

Tại TP.Vũng Tàu, DIC Corp sở hữu hàng loạt dự án tại vị trí đắc địa

Tại TP.Vũng Tàu, DIC Corp sở hữu hàng loạt dự án tại vị trí đắc địa

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp), địa chỉ số 15 Thi Sách, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo UBCKNN, DIC Corp đã có 4 hành vi vi phạm về công bố thông tin, bị phạt hành chính với tổng số tiền 470 triệu đồng.

Cụ thể, với hành vi không công bố thông tin nghị quyết tháng 1/2022 thông qua việc thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, DIC Corp bị phạt 85 triệu đồng.

Không báo cáo việc thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021 theo nghị quyết tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, DIC Corp bị phạt 175 triệu đồng.

Giai đoạn 2022 - 2023, DIC Corp 3 lần báo cáo tiến độ sử dụng vốn theo phương án phát hành để đầu tư vào Dự án Khu đô thị mới Vũng Tàu, P.12, TP.Vũng Tàu và thanh toán chi phí công tác chuẩn bị đầu tư Dự án, đền bù giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, ngoài đầu tư vào Dự án Khu đô thị mới Vũng Tàu, DIC Corp đã sử dụng vốn theo phương án phát hành nói trên để trả tiền nợ cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Long. Với hành vi này, DIC Corp bị phạt 150 triệu đồng.

Ngoài ra, với việc không công bố báo cáo sử dụng vốn hoặc thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021 để thực hiện dự án được chấp thuận, DIC Corp bị phạt 60 triệu đồng.

Về biện pháp khắc phục hậu quả, UBCKNN yêu cầu, DIC Corp cải chính những thông tin sai lệch đã công bố…

Được thành lập năm 1990, DIC Corp được biết đến là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản lớn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chuyên đề