Bản tin thời sự sáng 4/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng vượt 22.000 đồng/lít; Hà Nội kiên quyết xử lý đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, chây ì; TP.HCM khởi động Dự án cầu Cần Giờ gần 10.000 tỷ đồng; đề xuất đầu tư gần 25.000 tỷ đồng khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt; giá vàng tăng nửa triệu đồng một lượng…

Giá xăng vượt 22.000 đồng/lít

Từ 15h ngày 3/1, xăng E5 RON 92 tăng 330 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 350 đồng/lít. Hiện giá mặt hàng này ở mức 21.300 - 22.200 đồng/lít.

Chỉ trong 3 ngày đầu năm, giá xăng trong nước đã tăng 2 lần liên tiếp.

Chỉ trong 3 ngày đầu năm, giá xăng trong nước đã tăng 2 lần liên tiếp.

Sau khi tăng giá hơn 1.000 đồng theo thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 0h ngày 1/1, giá xăng dầu sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo chu kỳ vào 15h chiều ngày 3/1 do kỳ điều hành ngày 1/1 trùng thời gian nghỉ Tết Dương lịch.

Theo đó, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh tăng thêm 330 đồng/lít với xăng E5 RON 92, giá xăng RON 95 cũng được điều chỉnh tăng 350 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.150 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel được giữ nguyên ở mức 22.600 đồng/lít. Hiện giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước.

Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần tăng thứ 2 chỉ trong 3 ngày đầu năm 2023 sau 4 lần giảm liên tiếp. Tính trong năm 2022, mặt hàng xăng đã trải qua 34 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 16 lần giảm, một lần giữ nguyên.

Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 1/1, Petrolimex dương 1.989 tỷ đồng, PVOil âm 557 tỷ đồng, Saigon Petro 293 tỷ đồng, Petimex là 373 tỷ đồng...

Hà Nội kiên quyết xử lý đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, chây ì

UBND TP. Hà Nội vừa có thông tin về giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.

Hà Nội kiên quyết xử lý đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng

Hà Nội kiên quyết xử lý đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng

Theo đó, đến hết năm 2022, Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trong đó, 12 dự án bị loại khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND Thành phố; 59 dự án bị chấm dứt hoạt động, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định; 31 dự án đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra và đề xuất xử lý và 19 dự án đang tổ chức thanh tra để thiết lập hồ sơ, làm cơ sở xem xét chấm dứt dự án theo quy định.

Hà Nội đã xử lý 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; ban hành văn bản thu hồi 23 dự án và đang xem xét thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động với 21 dự án khác.

85 dự án (tổng diện tích 132 ha) chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng đã được UBND TP. Hà Nội ra quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng là 498 tỷ đồng…

Về kế hoạch năm 2023, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu lập danh mục các dự án bị thu hồi đất, chấm dứt việc thu hồi đất, giao đất cho thuê đất, thu hồi, chấm dứt, dừng thực hiện.

Đối với các dự án chậm triển khai đã thanh tra, kiểm tra kết luận, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo xử lý, khắc phục nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng theo dự án đầu tư được duyệt hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết xử lý, lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

TP.HCM khởi động Dự án cầu Cần Giờ gần 10.000 tỷ đồng

Sở GTVT TP.HCM mới đây đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu khảo sát và cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng cầu Cần Giờ.

Cầu Cần Giờ có thiết kế dây văng hình cây đước

Cầu Cần Giờ có thiết kế dây văng hình cây đước

Với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, cầu Cần Giờ sau khi hoàn thành sẽ thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Cần Giờ.

Theo kế hoạch, Dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 3,6 km, kết nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TP.HCM

Cầu có quy mô 6 làn xe. Công trình thiết kế dây văng 1 trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của huyện Cần Giờ), sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.982 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Ngân sách Thành phố tham gia gần 4.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư cân đối chi phí xây dựng. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư 2022 - 2023, tiến tới khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028.

Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ có nhiệm vụ thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển Dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Đề xuất đầu tư gần 25.000 tỷ đồng khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

Nhà đầu tư đề xuất khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt tại tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng với tổng mức đầu tư 24.920 tỷ đồng.

Một đoạn hầm xuyên qua núi ở Đà Lạt vẫn còn tồn tại

Một đoạn hầm xuyên qua núi ở Đà Lạt vẫn còn tồn tại

Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng vừa trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đi qua TP. Phan Rang (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), dài 83,5 km, dự kiến có 16 ga và trạm khách, bổ sung 2 ga và 2 trạm khách so với tuyến cũ. Đường khổ rộng 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30 - 60 km/h, sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.

Dự án gồm 2 hợp phần, thứ nhất là khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát dài 76,8 km, khôi phục và xây dựng mới 64 cầu, 5 hầm, 11 ga, xây dựng kết cấu tầng trên đường sắt; thứ hai là nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt đang khai thác dài 6,7 km và tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát.

Trong tổng mức đầu tư sơ bộ, hai khoản cao nhất là chi phí xây dựng hơn 4.510 tỷ đồng và thiết bị 9.240 tỷ đồng. Nếu tính cả lãi vay và chi phí tài chính, tổng mức đầu tư của Dự án lên tới hơn 28.980 tỷ đồng.

Do thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, nhà đầu tư đề xuất ngân sách nhà nước tham gia Dự án khoảng 2.160 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự kiến vay khoảng 22.800 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện Dự án từ tháng 1/2025 - 6/2029, thi công từ tháng 6/2026 - 12/2028, chạy thử và vận hành từ tháng 6/2029 - 12/2029.

Giá vàng tăng nửa triệu đồng một lượng

Các hệ thống kinh doanh vàng đồng loạt nâng giá vàng miếng 300.000 - 500.000 đồng một lượng, hiện giao dịch quanh vùng 66,2 - 67,2 triệu đồng.

Các hệ thống kinh doanh vàng đồng loạt nâng giá vàng miếng 300.000-500.000 đồng một lượng

Các hệ thống kinh doanh vàng đồng loạt nâng giá vàng miếng 300.000-500.000 đồng một lượng

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lúc 15h ngày 3/1 niêm yết giá mua vào 66,4 triệu đồng, tăng 400.000 đồng so với phiên giao dịch cuối năm ngoái. Giá bán ra được nâng thêm 200.000 đồng, lên 67,2 triệu đồng, mức cao nhất trong nửa tháng qua.

Giá vàng tại các đơn vị kinh doanh vàng miếng quy mô nhỏ có mức tăng mạnh hơn bởi họ không điều chỉnh giá trong ba ngày nghỉ.

Giá vàng nhẫn cũng biến động mạnh khi được SJC mua vào 53,3 triệu đồng và bán ra 54,3 triệu đồng một lượng, tăng 300.000 đồng. Các hệ thống khác như PNJ, Mi Hồng tăng nửa triệu đồng cho vàng nhẫn trọng lượng một chỉ.

Đà tăng của thị trường kim loại quý trong nước bám sát với diễn biến thế giới. Mỗi ounce vàng thế giới hôm nay tăng 15 USD, lên 1.840 USD. Đây là vùng giá cao nhất kể từ cuối tháng 6/2022 đến nay.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cho biết, trong khoảng nửa đầu năm, giá vàng miếng trong nước sẽ dao động 66 - 67 triệu đồng, còn vàng nhẫn quanh mức 53 - 55 triệu đồng. Biên độ chênh lệch giữa giá SJC và giá thế giới khoảng 13 - 15 triệu đồng có thể chưa thay đổi.

Khu công nghiệp Becamex Đồng Phú tại Bình Phước chính thức bỏ quy hoạch

Khu công nghiệp Becamex Đồng Phú được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của Bình Phước, nhưng sau gần 3 năm lên phương án quy hoạch thì dự án này đã bị "hủy".

Theo quy hoạch, dự án này có quy mô lên đến hơn 6.300 ha.

Theo quy hoạch, dự án này có quy mô lên đến hơn 6.300 ha.

Ngày 3/1, thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước được biết, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vừa ký văn bản quyết định dừng thực hiện quy hoạch “Khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú” (quy mô hơn 6.300 ha) hay còn gọi là Khu công nghiệp Becamex Đồng Phú.

Theo văn bản này, bà Trần Tuệ Hiền yêu cầu các ngành tham mưu UBND tỉnh Bình Phước kết thúc thực hiện Dự án, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến dự án này.

Giao Ban Quản lý khu kinh tế làm việc với đơn vị tài trợ lập quy hoạch là Công ty CP Phát triển hạ tầng Becamex - Bình Phước cùng đơn vị tư vấn (Công ty CP Tư vấn quy hoạch và hạ tầng đô thị Hoàng An) kết thúc hợp đồng lập quy hoạch dự án này.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Phước cũng đang triển khai xây dựng các tuyến đường nối đến khu quy hoạch này.

Tháng 12/2019, UBND Bình Phước và Tổng công ty CP Becamex IDC Corp (Becamex IDC) chính thức ký thỏa thuận về việc quy hoạch Dự án Khu công nghiệp Becamex Đồng Phú với quy mô 6.300 ha.

Theo quy hoạch, Khu công nghiệp Becamex Đồng Phú nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Đồng Phú (cách Trung tâm hành chính huyện Đồng Phú khoảng 4 km). Nếu dự án này thực hiện thì sẽ được phát triển theo mô hình liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị. Trong đó, hơn 3.100 ha dành cho xây dựng và phát triển công nghiệp, 3.100 ha dùng để xây dựng đô thị và tái định cư với nhiều loại hình nhà ở, khoảng 100 ha dành cho phát triển dịch vụ.

Viettel lãi trước thuế hơn 43.000 tỷ đồng

Nhờ thị phần lớn ở mảng dịch vụ viễn thông di động, doanh thu của Viettel tiếp tục giữ tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn từ dịch bệnh và kinh tế trên toàn cầu.

Doanh thu dịch vụ nước ngoài của Viettel đạt 3 tỷ USD

Doanh thu dịch vụ nước ngoài của Viettel đạt 3 tỷ USD

Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ghi nhận doanh thu hợp nhất 163.800 tỷ đồng, mức tăng trưởng đạt 6,1%. Tập đoàn lãi trước thuế 43.100 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 38.000 tỷ đồng, tương đương mức đóng góp của năm 2019.

Viettel tiếp tục là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất cả nước với 54% thị phần. Đây là nguồn doanh thu chủ lực với tốc độ tăng trưởng bằng 1,5 lần trung bình ngành trên thế giới.

Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, Viettel lần đầu tiên ghi nhận doanh thu dịch vụ đạt gần 3 tỷ USD, khoảng hơn 70.000 tỷ đồng. Con số này tương đương mảng viễn thông trong nước, đóng góp 50% vào doanh thu dịch vụ viễn thông.

Nguồn ngoại tệ chuyển về nước trong năm 2022 chạm 500 triệu USD, cao nhất trong 5 năm qua. Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài lũy kế đến nay.

Đáng chú ý, lĩnh vực giải pháp và dịch vụ số chứng kiến sự bứt phá, doanh thu từ các giải pháp CNTT tăng trưởng 58%. Thuê bao Viettel Money phát triển mới tăng gấp 6 lần so với các năm, vượt mốc 5 triệu thuê bao.

Chuyên đề