Bản tin thời sự sáng 15/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 696 đơn vị hành chính cấp huyện dự kiến dừng hoạt động từ 1/7; ngày 15/4, sẽ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng xanh; Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tạm dừng thông quan từ ngày 15 - 17/4…

696 đơn vị hành chính cấp huyện dự kiến dừng hoạt động từ 1/7

Khi sửa đổi xong Hiến pháp, 696 đơn vị hành chính cấp huyện dừng hoạt động từ 1/7. Trong số này có 85 thành phố thuộc tỉnh, 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Trụ sở UBND TP. Thủ Đức

Trụ sở UBND TP. Thủ Đức

Nội dung này được đề cập chi tiết trong Nghị quyết số 60 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XIII.

Theo đó, Trung ương cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trung ương cũng thông qua một số nội dung cụ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gồm: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).

Trung ương cũng nhất trí kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7, sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Như vậy, từ ngày 1/7 tới đây, 696 đơn vị hành chính cấp huyện dự kiến sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và dừng hoạt động.

Hiện nay, cả nước có 696 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 85 thành phố thuộc tỉnh, 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (TP. Thủ Đức và TP. Thủy Nguyên), 52 thị xã, 49 quận và 508 huyện.

Trong đó, Bình Dương và Quảng Ninh là 2 tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất (5 thành phố).

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng nêu dự kiến từ ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ dừng hoạt động.

Ngày 15/4, sẽ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng xanh

Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng xanh sẽ khai mạc ngày 15/4, với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo tập đoàn quốc tế.

Đại lộ Thăng Long, đoạn qua Trung tâm hội nghị quốc gia

Đại lộ Thăng Long, đoạn qua Trung tâm hội nghị quốc gia

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư, diễn ra ngày 15 - 17/4 tại Hà Nội, là sự kiện cấp cao đa phương đầu tiên trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững do Việt Nam đăng cai tổ chức.

Hội nghị với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm", sẽ thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách thúc đẩy mối quan hệ đối tác công-tư, thu hút đầu tư, tối đa hóa nguồn lực cho chuyển đổi xanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc này nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế xanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì phiên thảo luận cấp cao và đối thoại giữa các nhà lãnh đạo chính phủ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 5 phiên thảo luận cấp bộ trưởng diễn ra song song, do các bộ chủ trì, gồm: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường.

Hội nghị cũng dự kiến thông qua Tuyên bố Hà Nội, khẳng định mạnh mẽ các cam kết về tăng trưởng xanh, bền vững, lấy con người làm trung tâm. Các quốc gia quyết tâm cùng phối hợp hành động có trách nhiệm nhằm ứng phó với thách thức toàn cầu hiện nay.

Dự kiến khoảng 800 - 1.000 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia và tổ chức quốc tế, gồm lãnh đạo Liên Hợp Quốc, các Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao các nước cùng giới học giả, doanh nghiệp dự kiến quy tụ tại sự kiện.

Diễn đàn P4G được hình thành năm 2017, từ sáng kiến của Đan Mạch, nhằm phối hợp chính sách, thúc đẩy hợp tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, đóng góp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh P4G là hoạt động quan trọng nhất, được tổ chức thường niên hai năm một lần. Ba kỳ hội nghị trước đó được tổ chức tại Đan Mạch (2018), Hàn Quốc (2021) và Colombia (2023). Việt Nam là một trong 8 nước thành viên sáng lập P4G, được nhận vốn 3 triệu USD cho 12 dự án trong giai đoạn 2018 - 2022.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tạm dừng thông quan từ ngày 15 - 17/4

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thông báo tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan từ ngày 15 - 17/4.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tạm dừng thông quan từ ngày 15 - 17/4

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tạm dừng thông quan từ ngày 15 - 17/4

Thông tin từ Ban Quản lý Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, nhằm đảm bảo cho Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 9 tại tỉnh Lạng Sơn diễn ra thuận lợi, trên cơ sở kết quả trao đổi, thống nhất với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc), Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thông báo tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua lối thông quan khu vực mốc 1116 - 1117 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan theo thời gian (giờ Hà Nội) cụ thể như sau: Thứ Ba ngày 15/4, từ 7h00 đến 10h00 và từ 16h30 đến 17h30; thứ Tư ngày 16/4, từ 7h00 đến 09h00 và từ 12h30 đến 14h00; thứ Năm ngày 17/4, từ 7h00 đến 9h00 và từ 13h00 đến 14h00.

Ban Quản lý sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Hải quan khu vực VI và các cơ quan, đơn vị liên quan liên lạc chặt chẽ với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường (Trung Quốc) để tổ chức linh hoạt điều phối hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua lối thông quan khu vực mốc 1116 - 1117 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan trong thời gian trên.

Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chủ động phối hợp tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh bến bãi biết để chủ động trong hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; phối hợp với các lực lượng chức năng tương ứng phía Trung Quốc tổ chức quản lý hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, đảm bảo quá trình tổ chức Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 9 an toàn, thuận lợi; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu.

Ông Phạm Ngọc Nghị thôi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Ông Phạm Ngọc Nghị vừa được Ban Bí thư đồng ý cho thôi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk theo nguyện vọng cá nhân.

Ông Phạm Ngọc Nghị thôi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Ông Phạm Ngọc Nghị thôi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Sáng 14/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức hội nghị chuyên đề lần thứ 114 và công bố quyết định của Ban Bí thư về việc đồng ý để ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng cá nhân kể từ ngày 15/4.

Trước đó, vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Nghị đã có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

Đến đầu tháng 4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo ông Nghị vì đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.

Ông Phạm Ngọc Nghị sinh ngày 5/5/1965, quê huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình công tác, ông Nghị từng giữ các vị trí như Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk, Bí thư Huyện ủy Krông Ana, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (cũ).

Ngày 10/2/2015, ông Nghị được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho đến nay.

Thông xe đường Vành đai phía Bắc nối Quốc lộ 1 ra đường ven biển Ninh Thuận

Ngày 14/4, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức khánh thành tuyến đường Vành đai phía Bắc kết nối trục đường ven biển ra Quốc lộ 1 qua huyện Thuận Bắc.

Đường Vành đai phía Bắc đi qua những cánh đồng lúa, điện gió tạo cảnh quan đẹp mắt

Đường Vành đai phía Bắc đi qua những cánh đồng lúa, điện gió tạo cảnh quan đẹp mắt

Tuyến đường Vành đai phía Bắc tỉnh Ninh Thuận (đoạn từ đèo Khánh Nhơn đến Quốc lộ 1) dài hơn 10,6km, tổng mức đầu tư 487,6 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 480 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng.

Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất tỉnh Ninh Thuận cho biết, Dự án đường Vành đai phía Bắc có điểm đầu tuyến đường tại Km0+000 (nối tiếp từ đường ĐT702 đến đèo Khánh Nhơn thuộc xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải), điểm cuối từ Km10+420 giao QL1 tại Km1543+930 thuộc xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc).

Tổng chiều dài tuyến hơn 10 km, quy mô mặt cắt ngang nền đường rộng 21 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng, trên tuyến có 3 cầu vượt sông.

"Quá trình thi công các nhà thầu đã tập trung đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại, bố trí làm việc "3 ca 4 kíp", tăng ca vào các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết đã hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng", ông Tân nói.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Dự án hoàn thành, góp phần tạo hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ, thông suốt trong kết nối tuyến đường ven biển của tỉnh Ninh Thuận với Quốc lộ 1 và đường cao tốc Bắc - Nam. Đồng thời, mở hướng cho Tỉnh phát triển quỹ đất dọc theo tuyến đường, từng bước hoàn thành toàn vẹn tuyến đường vành đai của Tỉnh, nâng cao tiềm lực an ninh quốc phòng.

"Đây là một trong những dự án hạ tầng phục vụ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại địa phương trong tương lai", ông Nam nói.

Thaco sắp làm khu công nghiệp hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương

Bình Dương vừa duyệt Đồ án Quy hoạch chung khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1, quy mô 786 ha do Tập đoàn Thaco làm chủ đầu tư. Quyết định này được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua tại Kỳ họp chuyên đề thứ 22.

Thaco sắp làm khu công nghiệp hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương. Ảnh minh họa

Thaco sắp làm khu công nghiệp hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương. Ảnh minh họa

Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 (chuyên ngành cơ khí) được duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) nằm tại Bình Mỹ, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên và phường Hội Nghĩa, TP. Tân Uyên. Dự án có quy mô 786 ha, vốn trên 26.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 1 tỷ USD, do Tập đoàn Thaco làm chủ đầu tư.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bình Dương hồi tháng 3, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cũng cho biết mong muốn Tỉnh hỗ trợ để doanh nghiệp đẩy nhanh triển khai dự án này.

Tập đoàn của ông Trần Bá Dương đặt mục tiêu khởi công khu công nghiệp này vào tháng 9. Sau khi hoàn thành, khu công nghiệp này có thể tạo ra khoảng 32.000 việc làm, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Thaco Group tiền thân là Công ty CP Ôtô Trường Hải, được thành lập năm 1997 tại Đồng Nai. Ông Trần Bá Dương cũng là người sáng lập. Sau gần 30 năm phát triển, Thaco hiện là tập đoàn đa ngành với 6 đơn vị thành viên. Ngoài ôtô với Thaco Auto, Công ty còn hoạt động trong lĩnh vực cơ khí công nghiệp hỗ trợ (Thaco Industries), nông nghiệp (Thaco Agri), đầu tư xây dựng (Thadico), thương mại dịch vụ (Thiso) và Logistics (Thilogi).

Năm nay, ông Trần Bá Dương cũng dự kiến khởi công Dự án Khu công nghiệp cơ khí - ôtô mở rộng quy mô 115 ha (thuộc Thaco Chu Lai) vào tháng 12. Thaco Chu Lai đã giải phóng mặt bằng khoảng 80% diện tích Dự án. Công ty sẽ tập trung giải phóng mặt bằng phần còn lại để đầu tư hạ tầng trong quý III.

Năm ngoái, GRDP của Bình Dương đứng thứ 3 cả nước với trên 520.200 tỷ đồng. Bình Dương cũng vượt Hà Nội để trở thành địa phương hút vốn ngoại lớn thứ hai cả nước, với tổng số vốn đăng ký khoảng 43 tỷ USD.

Đồng Nai phạt nặng nhiều doanh nghiệp vi phạm môi trường

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không có giấy phép môi trường, không hoàn thành hệ thống thu gom nước thải, nước mưa… theo đúng quy định.

Một góc cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Tân An tại huyện Vĩnh Cửu

Một góc cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Tân An tại huyện Vĩnh Cửu

Trong nửa đầu tháng 4/2025, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều quyết định xử phạt đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vi phạm lĩnh vực môi trường.

Cụ thể, xử phạt Công ty CP DNP Holding (địa chỉ đường 9, Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP. Biên Hòa) số tiền 320 triệu đồng do không có giấy phép môi trường theo đúng quy định. Buộc đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Công ty CP DNP Holding phải di dời cơ sở đến địa điểm phù hợp quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã xử phạt Công ty CP Gạch men Sa Ha Do (địa chỉ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) số tiền lên tới 990 triệu đồng do có 4 hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường.

Cụ thể, công ty này không có giấy phép môi trường theo quy định đối với cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh; không hoàn thành việc xây lắp, lắp đặt hệ thống thu gom, thoát nước mưa của cụm công nghiệp đang hoạt động; Không hoàn thành việc xây lắp, lắp đặt hệ thống thu gom, thoát nước thải của cụm công nghiệp đang hoạt động; tiếp nhận thêm dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong cụm công nghiệp khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước thải.

Doanh nghiệp này cũng phải chịu mức phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Cũng trong khoảng thời gian này, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Công nghiệp Thiện Mỹ hoạt động tại Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom với số tiền 320 triệu đồng cũng vì lý do vi phạm không có giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND Tỉnh.

Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã xử phạt số tiền lên tới hơn 18,5 tỷ đồng đối với một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên địa bàn do vi phạm lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

Cụ thể, Công ty TNHH Hwaseung Chemical Việt Nam (đường số 8, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) xuất khẩu hàng hóa tiền chất công nghiệp nhưng không có giấy phép xuất khẩu tại 218 tờ khai hàng xuất khẩu.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề