Bản tin thời sự sáng 3/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sau động đất ở Nhật Bản, nhiều công dân Việt Nam đã sơ tán đến nơi an toàn; thu nhập bình quân năm 2023 của lao động Việt Nam tăng 6,9%; cựu Bí thư và cựu Chủ tịch Thanh Hóa nộp 45 tỷ đồng khắc phục hậu quả; TP.HCM sẽ khởi công 5 dự án BOT trên đường hiện hữu năm 2025…

Sau động đất ở Nhật Bản, nhiều công dân Việt Nam đã sơ tán đến nơi an toàn

Bộ Ngoại giao cho biết, đến nay, các cơ quan chưa ghi nhận thông tin về thương vong của người Việt Nam ở Nhật Bản do trận động đất gây ra. Nhiều người đã sơ tán đến nơi tạm trú an toàn.

Các vết nứt do trận động đất mạnh gây ra bên ngoài một tòa nhà ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản

Các vết nứt do trận động đất mạnh gây ra bên ngoài một tòa nhà ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản

Tối 2/1, Bộ Ngoại giao thông tin về một số động thái của Việt Nam sau khi nắm bắt diễn biến các trận động đất lớn vừa xảy ra tại tỉnh Ishikawa và một số khu vực lân cận ở miền trung Nhật Bản.

Đáng lưu ý, thảm họa động đất còn dẫn đến sóng thần tại nhiều khu vực bờ biển Nhật Bản, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho quốc gia này.

Theo đó, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản chủ động, nhanh chóng nắm bắt thông tin về tình hình an toàn của công dân Việt Nam ở địa bàn xảy ra động đất.

Các cơ quan cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nghiệp đoàn, hội đoàn để thông tin, hướng dẫn cộng đồng người Việt tại khu vực chịu thiệt hại.

Theo thông tin từ cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản, đến nay, các đơn vị chưa ghi nhận thông tin về thương vong của người Việt do trận động đất gây ra.

Nhiều công dân Việt Nam đã được chính quyền địa phương Nhật Bản hỗ trợ, sơ tán đến nơi tạm trú an toàn.

Thảm họa động đất xảy ra vào ngày đầu năm mới ở Nhật Bản đến nay khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, gây ra sóng thần cao hơn 1 mét, khiến nhiều ngôi nhà bị hư hại, gây ra hỏa hoạn và thiệt hại nặng nề chỉ sau một đêm.

Tính đến sáng 2/1, khoảng 32.700 hộ gia đình trong khu vực vẫn không có điện. Hàng chục nghìn người được lệnh sơ tán và khoảng 1.000 người tìm nơi ẩn náu tại một căn cứ quân sự.

Thu nhập bình quân năm 2023 của lao động Việt Nam tăng 6,9%

Năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng mỗi tháng, tăng 459.000 đồng (6,9%) so với năm 2022.

Giờ vào ca của công nhân may tại TP.HCM

Giờ vào ca của công nhân may tại TP.HCM

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân của lao động nam đạt 8,1 triệu đồng và nữ 6 triệu đồng. Riêng quý IV/2023, đời sống lao động cải thiện khi thu nhập bình quân đạt 7,3 triệu đồng mỗi tháng, tăng 180.000 đồng so với quý III/2023.

Tốc độ tăng thu nhập đạt 2,5%, gần gấp đôi so với 1,4% ở quý IV/2022 - thời điểm đại dịch vừa chấm dứt. Lý do là những tháng cuối năm, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh, đơn hàng cải thiện đẩy mức thu nhập của người lao động cao hơn so với trước.

Mặt bằng thu nhập quý IV/2023 của lao động tất cả các vùng kinh tế đều tăng. Mức tăng nhanh nhất là Đồng bằng sông Hồng, đạt 8,7 triệu đồng mỗi tháng (tăng 3,5%).

Đông Nam Bộ là khu vực ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập thấp nhất, khoảng 2,3%, đạt 9 triệu đồng mỗi tháng. So với cùng kỳ năm 2022, mức tăng thu nhập lao động một số tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, chế xuất, khá thấp, như Đồng Nai 8,9 triệu đồng (tăng 1,6%); TP.HCM 9,4 triệu đồng (1,9%). Ngược lại, một số địa phương lại có mức tăng trưởng khá, như Bình Dương 9,5 triệu đồng (tăng 6,4%); Vũng Tàu 8,7 triệu đồng (12,8%).

Các địa phương tăng kết nối giao dịch việc làm giúp cải thiện số lao động có việc làm, đạt 51,3 triệu người, tăng 130.000 người so với quý III/2023. Tính chung cả năm 2023, lao động có việc làm ước đạt 51,3 triệu người, tăng 683.000 người so với năm 2022.

Số người nghỉ giãn việc, mất việc những tháng cuối năm tiếp tục giảm so với quý III. Trong đó, lao động mất việc còn 85.000 người, giảm gần 33.000 người; người nghỉ giãn việc còn 77.800 người, giảm hơn 187.000 người so với quý III.

Cựu Bí thư và cựu Chủ tịch Thanh Hóa nộp 45 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Cựu Bí thư và cựu Chủ tịch Thanh Hóa đã nộp số tiền 45 tỷ đồng để khắc phục hậu quả liên quan tới vụ án Hạc Thành Tower khi còn đương chức.

Dự án nằm ở vị trí ngã tư, hiện là tổ hợp thương mại, văn phòng

Dự án nằm ở vị trí ngã tư, hiện là tổ hợp thương mại, văn phòng

Thông tin từ Công an Thanh Hóa xác nhận, liên quan tới vụ án Hạc Thành Tower, ông Trịnh Văn Chiến - cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và ông Nguyễn Đình Xứng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nộp số tiền 45 tỷ đồng (mỗi ông 22,5 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả.

Hiện vụ án liên quan tới Hạc Thành Tower vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trước đó, ngày 29/12/2023, Công an Thanh Hóa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét nhà và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Khoảng 19h tối cùng ngày, tại nhà riêng của ông Trịnh Văn Chiến, có nhiều cán bộ công an mặc quân phục đứng gác bên ngoài. Bên trong căn nhà cũng có nhiều công an đang thực hiện lệnh khám xét tại nhà ông Chiến.

Đến khoảng 20h cùng ngày, lực lượng công an khám xét xong và rời khỏi nhà riêng ông Chiến.

Liên quan tới vụ án trên, trước đó, cơ quan công an cũng đã khởi tố 8 bị can, gồm: Nguyễn Bá Hùng, nguyên Bí thư Huyện ủy Như Xuân, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính; Văn Xuân Hùng, nguyên Trưởng Phòng Quản lý công sản - giá, Sở Tài chính Thanh Hóa; Đinh Cẩm Vân, nguyên Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa.

Đinh Xuân Hướng, Bí thư Huyện ủy Như Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã; Nguyễn Mạnh Sơn, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Sông Mã; Nguyễn Đình Xứng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Cù Đình Hiền, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Nam, nguyên Phó Trưởng phòng Kinh tế tài chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa.

Các bị can bị bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

TP.HCM sẽ khởi công 5 dự án BOT trên đường hiện hữu năm 2025

Các dự án mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22, cầu - đường Bình Tiên... đầu tư theo hình thức BOT sẽ được TP.HCM khởi công năm 2025, giúp sớm khơi thông các cửa ngõ.

Kẹt xe trên quốc lộ 13, hướng vào trung tâm TP.HCM
Kẹt xe trên quốc lộ 13, hướng vào trung tâm TP.HCM

Kế hoạch nêu trên vừa được UBND TP.HCM đưa ra, sau khi HĐND Thành phố thông qua danh mục các công trình nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.

5 công trình triển khai theo hình thức trên ước tính vốn đầu tư gần 45.600 tỷ đồng. Trong đó, ba tuyến Quốc lộ 1, 13, 22 ở các cửa ngõ sẽ được mở rộng với tổng kinh phí khoảng 33.900 tỷ đồng. Hai công trình còn lại là nâng cấp trục Bắc - Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và cầu - đường Bình Tiên, nối Quận 6, 8, Bình Chánh.

Sau khi hoàn tất thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng với nhà đầu tư, Thành phố dự kiến khởi công các dự án trên vào cuối năm 2025 hoặc đầu 2026, hoàn thành sau 3 năm. Thành phố cần hơn 8.100 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng cho các dự án. Sau đó, tổng nhu cầu vốn cho các dự án ước tính 36.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách tham gia hơn 16.700 tỷ đồng, còn lại của nhà đầu tư.

Trong các công trình trên, quy mô lớn nhất là mở rộng Quốc lộ 13, ước tính cần hơn 13.800 tỷ đồng. Đoạn Quốc lộ được mở rộng lên 53 - 60 m, trên đoạn dài gần 6 km, từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn TP. Thủ Đức. Đây là cửa ngõ chính phía Đông Bắc Thành phố, kết nối qua Bình Dương, Bình Phước, song nhiều năm qua đường nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc.

Theo UBND TP.HCM, kế hoạch triển khai các dự án trên được đưa ra nhằm ưu tiên bố trí vốn ngân sách tham gia để thực hiện công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng... Kế hoạch này cũng nhằm đưa ra lộ trình chi tiết kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

VKS yêu cầu điều tra bổ sung vụ Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán

VKSND Tối cao trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết trước khi bị bắt

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết trước khi bị bắt

Quyết định của Vụ 5 VKSND Tối cao cho rằng cần điều tra bổ sung để đảm bảo việc truy tố. VKSND Tối cao sau đó cũng ban hành thông báo công khai để người bị hại biết về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Trước đó, ngày 28/10/2023, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC), Nguyễn Quỳnh Anh (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS) và 15 người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Riêng ông Quyết cùng bà Thúy Nga, Minh Huế, Kiều Dung và Nguyễn Thiện Phú (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros) bị đề nghị thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn từ 26/5/2017 - 10/1/2022, ông Quyết chỉ đạo hai em gái Thúy Nga và Minh Huệ cùng một số người dùng nhiều tài khoản chứng khoán liên tục thực hiện giao dịch để thao túng thị trường.

Đầu phiên giao dịch hàng ngày, nhóm của ông Quyết sẽ được cấp hạn mức khống để đặt lệnh các mã AMD, HAI, GAB, ART, FLC. Các bị can sau đó liên tục mua bán khống với số lượng lớn được diễn ra để tạo cung cầu giả trong 562 phiên giao dịch. Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Quyết đã chỉ đạo em gái bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC với tổng giá trị khớp lệnh 1.600 tỷ đồng.

Kết luận xác định, ông Quyết cùng đồng phạm đã thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính 723 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ năm 2014 - 2016, ông Quyết cùng đồng phạm còn bị cáo buộc chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư khi làm thủ tục tăng vốn điều lệ. Thời gian này, thực tế các cổ đông chỉ góp gần 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty CP Xây dựng Faros. Tuy nhiên với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, ông Quyết đã chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn khống hơn 3.100 tỷ đồng.

Mục đích của việc này nhằm tăng khống vốn chủ sở hữu của Công ty CP Xây dựng Faros lên 4.300 tỷ đồng. Faros sau đó đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM để bán, sau đó chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư, theo cơ quan điều tra.

Novaland sẽ phát hành hơn 1,3 tỷ cổ phiếu để trả nợ

Khoảng 13.700 tỷ đồng thu từ bán 1,37 tỷ cổ phiếu sẽ được Novaland ưu tiên tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản phải trả đến hạn.

Một phân khu thuộc dự án bất động sản nghỉ dưỡng của NVL tại Phan Thiết (Bình Thuận)

Một phân khu thuộc dự án bất động sản nghỉ dưỡng của NVL tại Phan Thiết (Bình Thuận)

Novaland (NVL) vừa thông qua kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế chuyển nhượng một năm. Doanh nghiệp này cũng bán cho các cổ đông hiện hữu hơn 1,17 tỷ cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng theo tỷ lệ 60%, tức 10 cổ phiếu "đổi" 6 đơn vị.

Giá chào bán sẽ do HĐQT quyết định, nhưng không thấp hơn 10.000 đồng một đơn vị. Novaland dự định phát hành số cổ phiếu trên trong năm nay, hoặc thời điểm khác do ban lãnh đạo quyết định.

Như vậy, nếu phát hành thành công, NVL có thể thu về ít nhất khoảng 13.700 tỷ đồng. Số tiền trên được ưu tiên cho tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản phải trả (gồm gốc, lãi và các khoản phí khác). Ưu tiên kế tiếp là thanh toán lương cho cán bộ nhân viên và chi phí vận hành chung. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn muốn dùng tiền góp vốn vào công ty con, thực hiện các dự án do NVL là chủ đầu tư.

Theo quyết định, đợt chào bán này có tối đa 5 nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia. Còn số lượng cổ đông sẽ được chốt tại ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền mua. Đến cuối tháng 11, NVL có hơn 78.700 cổ đông là cá nhân và tổ chức.

Trước đó, doanh nghiệp này từng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 975 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và chứng khoán chuyên nghiệp. Các cổ đông hiện hữu sẽ được quyền mua thêm 1,95 tỷ cổ phiếu. So với ý định ban đầu, lượng cổ phiếu phát hành giảm hơn 1,5 tỷ đơn vị, số tiền dự kiến thu cũng giảm hơn 15.500 tỷ đồng.

Thời gian qua, Novaland và hệ sinh thái Novagroup tập trung vào tái cấu trúc nợ. Họ tích cực đàm phán để gia hạn, thay đổi lãi suất hoặc hoán đổi nợ sang tài sản khác, cũng như tìm cách huy động vốn để hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông tại huyện Cầu Ngang

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh chỉ đạo, huyện Cầu Ngang cắm biển báo, cảnh báo các khu vực bị sạt lở; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này.

Một vị trí sạt lở bờ sông. Ảnh minh họa.

Một vị trí sạt lở bờ sông. Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Trà Vinh vừa công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Thâu Râu (xã Mỹ Long Nam), sông Vinh Kim (xã Vinh Kim), kênh Mương Khai (xã Long Sơn), huyện Cầu Ngang.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố sạt lở tại các vị trí trên, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo UBND huyện Cầu Ngang cắm biển báo, cảnh báo các khu vực bị sạt lở; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này để người dân biết, chủ động trong sinh hoạt, sản xuất và đề phòng nguy cơ rủi ro. Đồng thời, bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, thường xuyên báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Địa phương chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi sự cố sạt lở uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước và người dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Cầu Ngang theo dõi diễn biến sạt lở, sẵn sàng phương án ứng phó sự cố; thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến sạt lở, đề xuất UBND Tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời; tổ chức khảo sát, tham mưu, đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình xử lý sự cố này.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quang Răng cho biết, các vị trí sạt lở trên nằm ở sông lớn, thủy triều lên xuống nhanh, chênh lệch mực nước giữa chân và đỉnh triều lớn làm mất cân bằng áp lực và chịu tác động của dòng chảy mạnh.

Giám đốc phòng giao dịch ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng

Viện cớ làm thủ tục đáo hạn ngân hàng để vay mượn tiền, nhưng thực tế Đăng dùng tiền để đầu tư bất động sản, trả nợ cá nhân, dẫn đến không có khả năng trả nợ.

Công an đọc lệnh bắt đối tượng Hà Hải Đăng

Công an đọc lệnh bắt đối tượng Hà Hải Đăng

Ngày 2/1, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt tạm giam đối tượng Hà Hải Đăng (SN 1989, trú quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đăng là Giám đốc phòng giao dịch một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo kết quả điều tra, từ năm 2019 - 2022, ngoài công việc chính là Giám đốc phòng giao dịch một ngân hàng trên địa bàn Tỉnh, Đăng còn kinh doanh bất động sản. Để vay mượn tiền của nhiều người nhằm trả nợ, Đăng thông tin gian dối mục đích vay mượn tiền để làm thủ tục đáo hạn ngân hàng cho khách. Thực tế, Đăng đầu tư bất động sản, trả nợ cá nhân, dẫn đến không có khả năng trả nợ. Tổng số tiền Đăng chiếm đoạt của các bị hại hơn 14 tỷ đồng.

Chuyên đề