Bản tin thời sự sáng 16/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khơi đào 7 cù lao trên sông Phan chống ngập cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; thông xe cầu gần 350 tỷ đồng ở huyện đảo Cần Giờ; EVN kiểm điểm nhiều tập thể, cá nhân để thiếu điện; Sacombank muốn đầu tư vào Bamboo Airways…

Khơi đào 7 cù lao trên sông Phan chống ngập cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Địa phương và chủ đầu tư thống nhất nạo vét khoảng 1,5 km trên sông Phan bao gồm 7 cù lao giúp chống ngập cao tốc đi qua huyện Hàm Tân.

Lòng sông đoạn dưới cầu Sông Phan, cách vị trí ngập hơn 1,2 km, sẽ được nạo vét

Lòng sông đoạn dưới cầu Sông Phan, cách vị trí ngập hơn 1,2 km, sẽ được nạo vét

Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho biết, UBND huyện Hàm Tân và Ban Quản lý dự án Thăng Long (Chủ đầu tư) đã thống nhất phương án chống ngập trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua xã Sông Phan.

Theo phương án đề ra, các đơn vị liên quan sẽ nạo vét lòng sông Phan đoạn từ hạ lưu cống (chỗ cao tốc bị ngập) đến điểm cầu sông Phan với chiều dài khoảng 1,5 km, rộng hơn 25 m. Việc khơi đào tập trung vào 7 cù lao nhỏ ở giữa sông có nhiều cây ảnh hưởng dòng chảy.

Công ty CP Tư vấn xây dựng 533 (tư vấn thiết kế cao tốc) tính toán, sau khi dọn dẹp, mực nước sông Phan đoạn này có thể hạ thấp ở vị trí cống từng bị ngập khoảng 1,12 m và tại cầu Sông Phan là 0,12 m. Hiện ban điều hành tập kết máy móc để triển khai trong tháng này.

Chính quyền huyện Hàm Tân lưu ý quá trình nạo vét không được làm sạt lở hai bên bờ sông ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Những cây gỗ thu được khi dọn dẹp phải xử lý theo Luật Lâm nghiệp.

Trước đó, sáng 29/7, sau 3 tháng đưa vào sử dụng, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại đoạn qua xã Sông Phan (huyện Hàm Tân) bị ngập sâu 0,7 m kéo dài nhiều giờ trên phạm vi 100 m, khiến giao thông ùn tắc. Chủ đầu tư cho rằng "ngập do mưa lớn, nước sông dâng cao không kịp thoát".

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng.

Thông xe cầu gần 350 tỷ đồng ở huyện đảo Cần Giờ

Cầu Vàm Sát 2 nối xã Lý Nhơn với trung tâm huyện Cần Giờ, vốn đầu tư 343 tỷ đồng hoàn thành góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ở huyện đảo duy nhất của TP.HCM.

Cầu Vàm Sát 2 (phía trên)

Cầu Vàm Sát 2 (phía trên)

Sáng 15/9, công trình được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP - Chủ đầu tư) cho thông xe sau 5 năm triển khai. Cầu Vàm Sát 2 nằm song song cầu cũ, điểm đầu ở đường Lý Nhơn, điểm cuối tại ngã ba Lý Nhơn - đê Soài Rạp. Công trình có tổng chiều dài hơn 1 km, trong đó phần cầu dài 434 m, rộng 10 m.

Khởi công tháng 3/2018, cầu Vàm Sát 2 dự kiến hoàn thành sau 1 năm giúp thay cầu cũ đã quá tải, xuống cấp, mất an toàn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, công trình phải dừng do vướng giải phóng mặt bằng. Sau gần 3 năm, tháng 10/2022, huyện Cần Giờ hoàn tất đền bù, giao toàn bộ diện tích xây cầu giúp việc thi công được đẩy nhanh.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc TCIP chia sẻ, cầu Vàm Sát 2 hoàn thành góp phần tăng kết nối giao thông từ xã Lý Nhơn qua đường Rừng Sác để vào trung tâm huyện Cần Giờ cũng như nội đô TP.HCM. Đồng thời, công trình giúp người dân dễ dàng di chuyển, giao thương hàng hóa, phát triển du lịch khi thuận tiện đến phà Cần Giờ - Cần Giuộc qua tỉnh Long An.

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của Thành phố giáp biển. Địa phương này có tổng diện tích hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn, sông rạch. Nơi đây có nhiều làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa đặc sắc, thuận lợi phát triển các loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - tín ngưỡng.

EVN kiểm điểm nhiều tập thể, cá nhân để thiếu điện

Ban Tổng giám đốc, thành viên HĐTV và lãnh đạo các công ty con trực thuộc của EVN đều bị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm khi để xảy ra thiếu điện hồi cuối tháng 5.

Các kết quả kiểm điểm tại EVN đã được báo cáo và đang chờ chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Các kết quả kiểm điểm tại EVN đã được báo cáo và đang chờ chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương vào tháng 7/2023, EVN chậm đầu tư nguồn, lưới điện; điều độ hệ thống mất cân đối dẫn tới thiếu điện mùa khô 2023.

Tại văn bản vừa gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết, đã tiếp thu, cầu thị và thực hiện nghiêm các kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra của Bộ Công Thương.

EVN đã họp, xem xét trách nhiệm tập thể Hội đồng thành viên, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc liên quan việc để xảy ra thiếu điện.

Bên cạnh đó, tập thể Ban giám đốc, Giám đốc các đơn vị trực thuộc như Công ty Nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Công ty Mua bán điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), và một số lãnh đạo ban, trưởng ban của Tập đoàn cũng bị xem xét, kiểm điểm.

Lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), 5 tổng công ty điện lực, 3 tổng công ty phát điện, tập thể Ban giám đốc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức cũng bị kiểm điểm để khắc phục những tồn tại, chấn chỉnh trong quản lý, điều hành cung ứng điện.

Các kết quả kiểm điểm được tập đoàn này báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đang chờ chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Nguyên nhân là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính bị sụt giảm huy động do hạn hán. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy tại các khu công nghiệp phía Bắc vì thế bị cắt điện trong nhiều giờ, liên tục trong tuần.

Trong báo cáo đưa ra vào tháng 8, World Bank ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện tháng 5, 6 vừa qua khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP.

Sacombank muốn đầu tư vào Bamboo Airways

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - chủ nợ lớn của Bamboo Airways - có chủ trương tham gia đầu tư vào hãng này và đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận.

Sacombank là chủ nợ lớn của Bamboo Airways

Sacombank là chủ nợ lớn của Bamboo Airways

Thông tin này được ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT Bamboo Airways chia sẻ tại phiên họp bất thường sáng 15/9 của hãng bay này. Trước khi gia nhập HĐQT Bamboo Airways, ông Tuệ từng làm Phó Tổng giám đốc Sacombank từ năm 2012 và hiện vẫn giữ vai trò thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Ông Tuệ cho biết, Sacombank đang là tổ chức tín dụng tham gia tài trợ lớn vào Bamboo Airways. Vì vậy, Sacombank thực sự quan tâm đến quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways và kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp này.

Theo ông Tuệ, Sacombank đã có chủ trương đầu tư vào Bamboo Airways. Tuy nhiên, là một tổ chức tín dụng nên việc Sacombank đầu tư vào Bamboo Airways được coi là đầu tư ngoài ngành. Vì vậy, nhà băng này đang phải xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận mới có thể thực hiện được.

Trước đó, hồi tháng 8, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho Bamboo Airways, trong đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm việc với hãng hàng không này để gỡ khó về vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện.

Tại phiên họp sáng 15/9, Bamboo Airways đã thông qua một số nội dung liên quan đến cơ cấu mới của ban quản trị, và một số thay đổi về điều lệ công ty, quy chế hoạt động của HĐQT, ban hành quy chế quản trị Công ty, cũng như phương hướng lựa chọn cổ đông chiến lược.

Theo đó, Đại hội đã đồng ý với kiến nghị của Chủ tịch HĐQT Lê Thái Sâm về việc giao HĐQT tổ chức, thực hiện rà soát xác định nguồn vốn của Công ty, tăng/giảm vốn điều lệ nhằm mục tiêu tái cấu trúc Bamboo Airways và huy động vốn từ cổ đông chiến lược.

Tháo dỡ trạm thu phí trên Quốc lộ 20 từ ngày 15/9

Khu Quản lý đường bộ IV (Bộ Giao thông vận tải) vừa gửi văn bản đến cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình tháo dỡ trạm thu phí BOT Quốc lộ 20 Tân Phú từ ngày 15/9.

Trạm thu phí Quốc lộ 20 bắt đầu được tháo dỡ

Trạm thu phí Quốc lộ 20 bắt đầu được tháo dỡ

Trạm được tháo dỡ sau 3 năm ngừng thu phí cho Dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 20 (nhà đầu tư là Liên doanh Công ty TNHH Hùng Phát, đầu tư Dự án từ năm 2010).

Sau khi tháo dỡ, đơn vị thi công sẽ sửa chữa mặt đường đoạn qua trạm thu phí nhằm đảm bảo an toàn và tăng khả năng khai thác tuyến đường. Dự kiến, việc tháo dỡ hoàn thành vào đầu tháng 11.

Trước đó, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai nhiều lần có văn bản gửi Khu Quản lý đường bộ IV đề nghị tháo dỡ trạm BOT trên các quốc lộ 1A, 1K và 20 qua địa bàn Tỉnh nhằm đảm bảo an toàn. Trạm thu phí Quốc lộ 1K đã được Cục Đường bộ tháo dỡ từ tháng 6.

Hiện tỉnh Đồng Nai còn trạm thu phí trên Quốc lộ 1A qua TP. Biên Hòa và 2 trạm thu phí T1, T2 trên Quốc lộ 51 chưa tháo dỡ, nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Hà Nội có khoảng 2.000 chung cư mini

Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hanoi) cho biết, toàn Thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ…

Tòa chung cư mini bị cháy ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân) khiến 56 người thiệt mạng

Tòa chung cư mini bị cháy ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân) khiến 56 người thiệt mạng

Chiều 15/9, UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 796 ngày 13/9 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, đại diện Công an TP. Hà Nội quán triệt về kế hoạch tổng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với loại hình chung cư mini.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiến hành tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, an toàn điện, an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với 100% chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

UBND Thành phố cũng giao chủ tịch UBND các quận, huyện thành lập đoàn kiểm tra thực hiện nghiêm túc các nội dung trên, hoàn thành đúng thời gian, tiến độ đề ra.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện EVN Hanoi cho biết, theo rà soát của Điện lực Hà Nội, toàn Thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung nhiều nhất ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ…

Thực hiện kế hoạch của UBND TP. Hà Nội về việc trên, EVN Hanoi đang rà soát tất cả các trường hợp này, đảm bảo phần pháp lý ngành điện quản lý được an toàn.

TP.HCM có 42.200 nhà cho thuê dạng "chung cư mini"

Theo đại diện Công an TP.HCM, Thành phố có khoảng 42.200 nhà trọ cho thuê kiểu "chung cư mini", đa số trang bị hệ thống chữa cháy nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đa số nhà trọ cho thuê tại TP.HCM được trang bị hệ thống chữa cháy nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Đa số nhà trọ cho thuê tại TP.HCM được trang bị hệ thống chữa cháy nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thông tin trên được Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, cho biết tại cuộc họp báo mới đây về tình hình kinh tế - xã hội.

Theo ông Hà, quy định hiện hành chưa có khái niệm chung cư mini. Loại hình này tương đồng mô hình nhà trọ xây từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, lối đi, cầu thang chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng cho các hộ gia đình.

Đa số nhà trọ như trên được lắp hệ thống phòng cháy, chữa cháy, song tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, do sử dụng nhiều thiết bị điện không đúng cách. Căn hộ không được trang bị hệ thống chữa cháy hoặc có nhưng chưa kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ; không có lực lượng được tập huấn nghiệp vụ phòng, chữa cháy túc trực thường xuyên; người ở chưa được trang bị kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy.

Thượng tá Hà đánh giá nguy hiểm nhất là các nhà cho thuê cao tầng có hầm giữ xe và không được thiết kế lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy và giải pháp an toàn, dễ xảy ra các vụ cháy. Nếu cháy xuất phát từ hầm giữ xe sẽ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP.HCM, Công an Thành phố đã triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát các nhà trọ đông người. Công an sẽ kiên quyết xử nghiêm sai phạm về phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở này. "Việc này đã làm thường xuyên, đến nay tăng cường tổng kiểm tra, rà soát", ông Hà nói.

Bình Định dự kiến đầu tư 1.500 tỷ đồng làm 4 nhà máy xử lý nước thải

Tỉnh Bình Định xin triển khai dự án xử lý nước thải, thoát nước cho thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn và huyện Tây Sơn với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng.

Nhà dân ở Bình Định ngập trong lũ năm 2021

Nhà dân ở Bình Định ngập trong lũ năm 2021

Đề xuất trên được nêu trong công văn UBND tỉnh Bình Định gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 15/9, nhằm cải thiện môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng và tạo cảnh quan tại thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn và huyện Tây Sơn.

Trong đó, 1.100 tỷ đồng là vốn vay ODA ưu đãi, 26 tỷ đồng là vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD), còn lại là vốn đối ứng.

Dự án gồm hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải tại thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn và huyện Tây Sơn. Hạng mục quan trọng là 4 nhà máy xử lý nước thải, công suất 2.500 - 8.000 m3/ngày đêm. Thời gian thực hiện là giai đoạn 2026 - 2029.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, trong 11 địa phương cấp huyện của Tỉnh, chỉ TP. Quy Nhơn bước đầu có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Chuyên đề