Bản tin thời sự sáng 12/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sản lượng điện tăng 12,4% trong 6 tháng; hơn 100 dự án ở TP.HCM không dùng hết vốn được giao; Việt Nam lần đầu triển khai “hộ chiếu vườn quốc gia”; đầu tư 2.300 tỷ đồng mở rộng đường kết nối Long An - TP.HCM…

Sản lượng điện tăng 12,4% trong 6 tháng

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 151,74 tỷ kWh trong 6 tháng vừa qua, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống của EVN đạt 151,74 tỷ kWh

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống của EVN đạt 151,74 tỷ kWh

EVN cho biết, sản lượng và tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2024 gồm thủy điện (28,63 tỷ kWh, chiếm 18,9%), nhiệt điện than (86,34 tỷ kWh, 56,9%), tua bin khí (13,12 kWh, 8,6%), điện nhập khẩu (2,56 tỷ kWh, 1,7%) và năng lượng tái tạo (20,73 tỷ kWh, 13,7%). Với năng lượng tái tạo, điện mặt trời đạt 13,91 tỷ kWh, điện gió đạt 6,15 tỷ kWh.

Bên cạnh đó, nhu cầu phụ tải, mức tiêu thụ điện cao nhất trong 6 tháng đầu năm đều diễn ra trong tháng 6. Cụ thể, sản lượng điện tiêu thụ ngày lớn nhất (ngày 14/6) đạt 1,02 tỷ kWh và công suất lớn nhất đạt 49.533 MW (19/6) tương ứng tăng 11,05% và 7,87% so với cùng kỳ.

Lũy kế đến tháng 6 vừa qua, sản lượng điện truyền tải đạt 121,47 tỷ kWh, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó công suất, sản lượng truyền tải điện từ khu vực miền Trung, miền Nam ra miền Bắc thường xuyên duy trì ở mức cao để tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc.

Sản lượng điện thương phẩm lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 135,64 tỷ kWh, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Trong đó, mức tăng trưởng điện của một số thành phần điển hình như sau: điện năng cho sinh hoạt tăng 16,07%, điện năng cho công nghiệp - xây dựng tăng 12,8%, điện năng cho thương mại-dịch vụ tăng 16,58%, điện năng cho nông nghiệp tăng 14,02%...

Trong tháng 7, dự báo có thể xảy ra nắng nóng cực đoan tại miền Bắc. Công suất cực đại toàn hệ thống có thể trên 52.000 MW, riêng miền Bắc có thể lên trên 27.000 MW. Sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức khoảng 920,5 triệu kWh/ngày, tăng 10,15% so với cùng kỳ năm 2023.

Hơn 100 dự án ở TP.HCM không dùng hết vốn được giao

Hàng loạt dự án đầu tư công tại TP.HCM không giải ngân hết vốn đã phân bổ, được đề xuất cắt giảm chuyển sang công trình khác, với tổng số tiền hơn 8.400 tỷ đồng.

Công trường nút giao An Phú

Công trường nút giao An Phú

Theo tờ trình điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND TP.HCM, hơn 100 dự án trên địa bàn dự kiến không dùng hết vốn. Phần lớn các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thoát nước, giải phóng mặt bằng...

Trong đó, Dự án thành phần 2 - bồi thường, giải phóng mặt bằng Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM có số vốn dự kiến cắt giảm lớn nhất với hơn 2.300 tỷ đồng, trong tổng vốn được bố trí là 6.500 tỷ đồng.

Tương tự, công trình xây dựng nút giao An Phú, TP. Thủ Đức, cũng được đề xuất giảm vốn 600 tỷ đồng, trong tổng tiền được bố trí 1.320 tỷ đồng. Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, quận Tân Bình được giao hơn 1.800 tỷ đồng cũng sẽ cắt giảm 400 tỷ đồng. Một số dự án khác như nút giao Mỹ Thủy, TP. Thủ Đức, cũng điều chỉnh giảm 150 tỷ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi, quận 8, giảm 470 tỷ đồng...

Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất điều chuyển số tiền khó giải ngân từ các dự án trên sang các công trình đang có nhu cầu để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, thúc tiến độ đầu tư.

Theo đó, trong hơn 8.400 tỷ đồng cắt giảm từ các dự án, Sở kiến nghị bố trí cho nhiều công trình xây trường học tại các quận huyện; bồi thường, giải phóng mặt bằng khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân... Đồng thời, nguồn vốn trên cũng dự kiến chuyển cho 7 dự án khởi công mới, gồm: bồi thường, giải phóng mặt bằng hai đoạn Vành đai 2 (đoạn 1 và 2) qua địa bàn TP. Thủ Đức với tổng số tiền 7.640 tỷ đồng...

Năm 2024, TP.HCM được giao 75.577 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn. Tính đến hết tháng 6, giải ngân đầu tư công của Thành phố chỉ mới đạt hơn 10.000 tỷ đồng, khoảng 13%.

Trước đó, tại kỳ họp hồi tháng 5 năm nay, HĐND TP.HCM cũng đã quyết định điều chuyển số vốn hơn 4.800 tỷ đồng từ các dự án giải ngân chậm sang các công trình giải ngân cao, có nhu cầu lớn hơn. Đây là một trong những giải pháp được TP.HCM thực hiện để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu đạt 95% vào cuối năm 2024.

Việt Nam lần đầu triển khai “hộ chiếu vườn quốc gia”

Việt Nam lần đầu tiên triển khai hộ chiếu vườn quốc gia nhằm tạo động lực cho du khách trải nghiệm và khám phá các giá trị của hệ sinh thái rừng.

Cuốn hộ chiếu vườn quốc gia bản giấy

Cuốn hộ chiếu vườn quốc gia bản giấy

Sáng 11/7, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai sáng kiến hộ chiếu vườn quốc gia. Trong giai đoạn đầu, hộ chiếu được áp dụng tại 34 vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hoạt động du lịch. Du khách trong và ngoài nước có thể sở hữu hộ chiếu này khi tới du lịch tại đây.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Lâm nghiệp cho biết, hộ chiếu vườn quốc gia có 2 loại gồm bản giấy và bản điện tử với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, được phát miễn phí cho khách tham quan. Mỗi cuốn hộ chiếu có thời hạn 5 năm, chứa thông tin về chủ sở hữu như tên tuổi, giới tính, chữ ký, số CCCD, ngày cấp và hạn.

Hộ chiếu dùng để xác nhận hành trình khám phá các vườn quốc gia của Việt Nam mà người chủ sở hữu đặt chân tới. Thông qua đó, người chủ sẽ được tích điểm, quy đổi ra các giải thưởng. Đó có thể là giảm giá dịch vụ ăn uống, hoặc lưu trú. Ngoài ra, trong hộ chiếu còn cung cấp thông tin về 36 vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hoạt động du lịch.

Cũng theo ông Bảo, thời gian tới Cục sẽ kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các công ty lữ hành để hộ chiếu được phổ biến rộng rãi tới người dân. Hộ chiếu vườn quốc gia hiện được một số quốc gia như Mỹ, Thái Lan áp dụng.

Việt Nam được xem là một trong 12 nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Đến nay, cả nước đã xác lập 167 khu rừng đặc dụng, trong đó có 34 vườn quốc gia, 56 khu bảo tồn thiên nhiên, 14 khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 54 khu bảo vệ cảnh quan và các khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.

Với diện tích rừng trên 14,7 triệu ha, cùng tỷ lệ che phủ 42,2%, rừng Việt Nam là nơi cư trú của hàng chục nghìn loài động vật, thực vật hoang dã.

Hợp long cầu nối Bình Dương và Đồng Nai

Sau gần 3 năm thi công, cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai hợp long, chờ thông tuyến vào đầu tháng 9.

Cầu Bạch Đằng 2 hợp long sau gần 3 năm xây dựng

Cầu Bạch Đằng 2 hợp long sau gần 3 năm xây dựng

Chiều 11/7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương tổ chức lễ hợp long cầu Bạch Đằng 2, nối huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai với TP. Tân Uyên.

Dự án bắc qua sông Đồng Nai là cầu thứ 2 nối hai tỉnh này sau cầu Thủ Biên, được khởi công ngày 27/12/2021 với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng (chia đều cho 2 tỉnh). Cầu dài 410 m, rộng 17 m, 4 làn xe, cùng với hai đường dẫn tổng chiều dài hơn 2,8 km, do liên danh Cienco 4 và Công ty CP đầu tư và xây dựng 492 thực hiện.

Ông Hoàng Năng Tuân, Chỉ huy trưởng công trường cầu Bạch Đằng 2 cho biết, đến nay Dự án đã hoàn thành được 85% tiến độ, sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng dịp 2/9 tới.

Dự án khi đưa vào sử dụng giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp phía thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) với TP. Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom (Đồng Nai).

Đầu tư 2.300 tỷ đồng mở rộng đường kết nối Long An - TP.HCM

Đường tỉnh 838 dài 13 km tại huyện biên giới Đức Huệ, tỉnh Long An đi TP.HCM sẽ được đầu tư mở rộng, tổng kinh phí 2.300 tỷ đồng, triển khai từ năm 2026.

Đường tỉnh 838 hiện hữu

Đường tỉnh 838 hiện hữu

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, Dự án có điểm đầu giao với đường tỉnh 822B tại ngã ba Ông Đường, xã Mỹ hạnh Bắc và điểm cuối tại cửa khẩu Mỹ Quý Tây, xã Mỹ Quý Tây.

Đơn vị tư vấn đưa ra 2 phương án mở rộng đường. Phương án một là nâng cấp tuyến đường lên 33 m, tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 500 tỷ đồng. Phương án còn lại đầu tư đường rộng 30 m, kinh phí trên 2.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng gần 370 tỷ đồng. Cả 2 phương án đều có quy mô hoàn thiện 6 làn xe.

UBND huyện Đức Huệ sau đó đã chọn phương án một. Địa phương này hiện được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, khảo sát vị trí và lập dự án tái định cư. Dự kiến, Dự án sẽ được triển khai giai đoạn 2026 - 2030.

Đức Huệ là huyện biên giới giáp ranh với Campuchia và tỉnh Tây Ninh, nằm gần TP.HCM. Khi Dự án hoàn thành sẽ kết nối với đường tỉnh 822B và các trục đường liên vùng đến đường Võ Văn Kiệt, TP.HCM. Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của phương tiện, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Bình Dương sắp có trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam

Dự án WTC Gateway có quy mô lên đến 168.000 m2 nằm ngay trung tâm Thành phố mới Bình Dương, do chủ đầu tư Becamex IDC phát triển.

Phối cảnh trung tâm thương mại WTC Gateway

Phối cảnh trung tâm thương mại WTC Gateway

Tại Thành phố mới Bình Dương, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP - Becamex IDC (HoSE: BCM) dự kiến xây dựng trung tâm thương mại thứ hai với tên gọi WTC Gateway.

Theo giới thiệu, khi hoàn thành, WTC Gateway sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam với diện tích 168.000 m2 bao gồm nhiều hạng mục như đài phun nước ngoài trời, quảng trường lớn, trung tâm mua sắm cao 6 tầng, rạp chiếu phim, khu ẩm thực, khu vui chơi thể thao trong nhà, khách sạn, văn phòng hội nghị.

Đồng thời, công trình cũng có cả nhà ga Metro trung tâm của Thành phố mới Bình Dương.

Becamex IDC cho rằng, trung tâm thương mại này sẽ nắm vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà bán lẻ, F&B, dịch vụ giải trí..., qua đó tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Nơi này dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.

Thành phố mới Bình Dương là khu vực đang được đầu tư phát triển ở Bình Dương, có diện tích quy hoạch 1.000 ha, chiếm 1/4 diện tích Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương. Một số dự án nhà ở và thương mại đang được triển khai tại đây.

Về chủ đầu tư Becamex IDC của dự án WTC Gateway, doanh nghiệp được thành lập từ năm 1976, sau đó được cổ phần hóa và đưa cổ phiếu BCM lên giao dịch tại UPCoM trong năm 2018. Đến 2020, Tổng công ty chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Doanh nghiệp hiện trực thuộc tỉnh Bình Dương với 95,44% vốn thuộc sở hữu của UBND Tỉnh. Tuy nhiên cuối tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định giảm tỷ lệ này xuống mức trên 65% đến hết năm 2025, tức sẽ thoái hơn 30% cổ phần.

Becamex IDC được mệnh danh là "trùm" khu công nghiệp ở Bình Dương, đồng thời cũng là nhà phát triển hạ tầng số 1 Việt Nam. Doanh nghiệp hiện sở hữu và trực tiếp vận hành 7 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.700 ha, chiếm hơn 30% thị phần cấp tỉnh và lớn thứ ba tại Việt Nam với 3,6% thị phần toàn quốc.

Hàng loạt cán bộ tại Đắk Lắk bị kỷ luật do liên quan đến gói thầu AIC

Với việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm liên quan đến các gói thầu do AIC thực hiện, nhiều lãnh đạo sở, ngành tại Đắk Lắk bị kỷ luật, xem xét kỷ luật.

Khu vực xử lý rác thải y tế do Sở Y tế Đắk Lắk mua sắm của AIC đặt tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên không được sử dụng, bỏ phí nhiều năm qua

Khu vực xử lý rác thải y tế do Sở Y tế Đắk Lắk mua sắm của AIC đặt tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên không được sử dụng, bỏ phí nhiều năm qua

Ngày 11/7, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có thông cáo về kết quả phiên họp định kỳ, qua đó kết luận nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đã thi hành kỷ luật nhiều đảng viên có vi phạm, khuyết điểm liên quan đến việc tổ chức thực hiện các gói thầu do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) thực hiện.

Cụ thể, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kỷ luật khiển trách đối với: ông Đoàn Tùng, ông Hồ Xuân Phước (cùng nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính nhiệm kỳ 2010 - 2015); ông Võ Minh Sơn, nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk; ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính.

UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Phi Tiến, nguyên Giám đốc Sở Y tế.

Riêng ông Đinh Xuân Diệu, ngoài việc xem xét, thi hành kỷ luật về Đảng, UBKT Tỉnh ủy thống nhất đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk xem xét, bố trí công tác khác đối với ông Diệu cho phù hợp.

Cùng liên quan đến thực hiện các gói thầu AIC, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với bà Lê Thị Oanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính và ông Vũ Văn Tùng, nguyên Trưởng phòng Văn hóa xã hội, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk.

UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Phan Hồng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk kiểm điểm, xem xét trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm liên quan đến việc tổ chức thực hiện các gói thầu với Công ty AIC thực hiện đối với các ông, bà sau: Phùng Văn Định, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Lữ Ngọc Sinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, nguyên Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Võ Danh Sơn, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trần Thị Hà, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh; Bùi Trường Phong, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Chuyên đề