Bản tin thời sự sáng 12/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là: đề xuất 5 Bộ giữ nguyên tên sau hợp nhất; giá vàng trong nước tăng 600.000 đồng, tiến sát mức 87 triệu đồng; huy động vốn tại TP.HCM đạt hơn 4 triệu tỷ đồng năm 2024; thông xe hai đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành trước Tết; Hà Nội sắp xóa sổ loạt nhà gỗ trên "đất vàng"…

Đề xuất 5 Bộ sẽ giữ nguyên tên sau hợp nhất

Bộ Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch được để xuất giữ nguyên tên sau khi hợp nhất, theo báo cáo của Bộ Nội vụ ngày 11/1.

Trụ sở Bộ Khoa học và Công Nghệ

Trụ sở Bộ Khoa học và Công Nghệ

Bộ Nội vụ vừa báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết 18, bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.

Bộ Khoa học và Công nghệ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giữ nguyên tên sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo được thành lập trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp nhất sẽ lấy tên Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Các đơn vị khác giữ nguyên tên gọi như hiện nay gồm: Bộ Ngoại giao, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công Thương; Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

Theo báo cáo, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí được chuyển từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kết thúc hoạt động. 18 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý sẽ chuyển về Bộ Tài chính. Tổng công ty Viễn thông MobiFone chuyển về Bộ Công an quản lý.

Với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chuyển thành Cục Thuế; Tổng cục Hải quan thành Cục Hải quan; Kho bạc nhà nước (cấp tổng cục) tổ chức lại thành tương đương cấp cục; Tổng cục Dự trữ Nhà nước thành Cục Dự trữ nhà nước; Tổng cục Thống kê thành Cục Thống kê. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức lại thành đơn vị sự nghiệp công lập, có 14 ban…

Sau khi tinh gọn, bộ máy Chính phủ khóa 15 (nhiệm kỳ 2021 - 2026) dự kiến có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ); 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan). Chính phủ sẽ giảm 13/13 tổng cục; 518 cục và tương đương; 218 vụ; 2.958 chi cục; 201 đơn vị sự nghiệp công lập.

Giá vàng trong nước tăng 600.000 đồng, tiến sát mức 87 triệu đồng

Sáng 11/11, giá vàng trong nước tăng tới 600.000 đồng theo đà tăng của thế giới, so với phiên đầu tuần đã tăng từ 1,2 - 1,3 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng SJC được niêm yết từ 84,8 - 86,8 triệu đồng/lượng

Giá vàng SJC được niêm yết từ 84,8 - 86,8 triệu đồng/lượng

Hai thương hiệu vàng trong nước phiên sáng 11/1 đảo chiều tăng khoảng 600.000 đồng mỗi lượng theo đà tăng của giá vàng thế giới.

Tại thời điểm 10 giờ, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Công ty Phú Quý và Công ty Doji cùng niêm yết giá vàng SJC từ 84,8 - 86,8 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Tương tự, giá vàng nhẫn SJC 999.9 cũng điều chỉnh tăng 600.000 đồng, hiện giao dịch ở mức 84,8 - 86,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tại Công ty Bảo Tín Minh Châu thông báo từ 85,5 - 86,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, vàng nhẫn tại Công ty Phú Quý tăng 400.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước, hiện từ 85,2 - 86,6 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). So với phiên đầu tuần, giá vàng trong nước tăng từ 1,2 - 1,3 triệu đồng mỗi lượng.

Trên thế giới, giá vàng đảo chiều tăng 19 USD so với cùng thời điểm phiên trước, hiện giao dịch ở mức 2.689 USD/ounce. Mức giá này tương đương 83 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank.

Huy động vốn tại TP.HCM đạt hơn 4 triệu tỷ đồng năm 2024

Tính đến cuối năm ngoái, huy động vốn trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 15,28% so với cùng kỳ 2023, trong khi dư nợ tín dụng tăng 11%, đạt hơn 3,9 triệu tỷ đồng.

Huy động vốn trên địa bàn TP.HCM tăng 15,28%, mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua

Huy động vốn trên địa bàn TP.HCM tăng 15,28%, mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua

Thông tin này vừa được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM chia sẻ.

Theo ông Lệnh, kết thúc năm 2024, huy động vốn và cho vay - hai trụ cột chính trong hoạt động của các tổ chức tín dụng tại TP.HCM - tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực và hoàn thành nhiệm vụ của chính sách tiền tệ.

Cụ thể, huy động vốn trên địa bàn đạt 4 triệu tỷ đồng, tăng 15,28%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, vượt xa các mức tăng 7,7% năm 2023, 4,6% năm 2022, 8,1% năm 2021 và 14,1% năm 2020.

Trong đó, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư tiếp tục ổn định, chiếm 35,5% tổng tiền gửi và tăng 7,92% so với cuối năm 2023.

Đại diện NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, nguồn tiền tiết kiệm từ dân cư không chỉ là kênh vốn quan trọng và bền vững cho các tổ chức tín dụng, mà còn phản ánh hiệu ứng tích cực từ chính sách tiền tệ, sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và chất lượng dịch vụ ngân hàng ngày càng được cải thiện.

Bên cạnh đó, các sản phẩm tiền gửi được đa dạng hóa, cùng với việc áp dụng công nghệ vào dịch vụ ngân hàng và các chính sách lãi suất linh hoạt, đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ cá nhân và tổ chức kinh tế.

Đặc biệt, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt cùng với các dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiện ích đã góp phần thúc đẩy luồng vốn lớn hơn vào hệ thống ngân hàng.

Thông xe hai đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành trước Tết

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn đầu tuyến qua Long An và cuối tuyến ở Đồng Nai dài gần 11 km sẽ được thông xe trước Tết, giảm áp lực giao thông cho khu vực.

Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Đồng Nai sắp thông xe

Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Đồng Nai sắp thông xe

Phương án tổ chức giao thông hai đoạn cao tốc trên vừa được Cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) phê duyệt sau khi thẩm định đủ điều kiện thông xe. Hai đoạn này có tổng chiều dài gần 11 km, trong đó khu vực qua Long An khoảng gần 4 km và hơn 7 km ở Đồng Nai.

Đoạn đầu tuyến qua Long An sẽ được thông xe bao gồm cả nút giao với tuyến TP.HCM - Trung Lương và vị trí giao với Quốc lộ 1. Đoạn cuối tuyến qua Đồng Nai cũng bao gồm thông xe cả hai nút giao với đường BOT 319 và giao lộ Quốc lộ 51 tại huyện Long Thành.

Theo Cục Đường bộ, đây là phương án tổ chức giao thông tạm, nhằm kết nối cao tốc với các trục đường quanh giúp giảm mật độ xe, hạn chế ùn tắc, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong đó, phương án dự kiến được đưa ra là đoạn đầu tuyến chỉ cho ô tô tải dưới 10 tấn, xe khách, ô tô loại nhỏ cùng xe phục vụ dự án, cứu hỏa, cứu thương lưu thông. Đoạn này cho phép tốc độ tối đa 40 km/h (qua nút giao) và 60 km/h (ngoài nút giao).

Đối với đoạn cuối tuyến, tốc độ tối đa cho phép khu vực ngoài nút giao là 100 km/h và tối thiểu 60 km/h. Đoạn này chỉ cho ô tô chạy, cấm xe máy, người đi bộ...

Để đảm bảo việc tổ chức giao thông phù hợp, an toàn, Cục Đường bộ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp với các bên liên quan tiếp tục rà soát lại phương án trên, cần thiết sẽ điều chỉnh trước khi áp dụng để người dân đi lại thuận lợi.

Được khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng. Tuyến đường rộng 24 m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP.HCM. Tuy nhiên, Dự án chậm triển khai do khó khăn về chính sách đầu tư, thiếu vốn.

Bán đấu giá 1 kg quốc bảo Ngọc Linh để tiếp sức cho làng tái định cư

UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) dự định bán đấu giá 1 kg sâm Ngọc Linh khoảng hơn 9 năm tuổi để lấy kinh phí hỗ trợ người dân làng tái định cư Tu Thó, xã Tê Xăng phát triển du lịch cộng đồng.

1 kg sâm Ngọc Linh do một người dân tặng cho địa phương để bán đấu giá

1 kg sâm Ngọc Linh do một người dân tặng cho địa phương để bán đấu giá

UBND huyện Tu Mơ Rông vừa thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá 1 kg sâm Ngọc Linh, được mệnh danh là "quốc bảo", nhằm hỗ trợ xây dựng làng tái định cư Tu Thó, xã Tê Xăng, thành điểm du lịch cộng đồng.

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, sự kiện này dự kiến diễn ra ngày 14/1, khi làng tái định cư Tu Thó được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là làng du lịch cộng đồng.

Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp tại làng và trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội, dành cho những người không thể tham dự trực tiếp. Người trả giá cao nhất sẽ sở hữu 1 kg sâm Ngọc Linh này.

Được biết, 1 kg sâm Ngọc Linh này được một cá nhân tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông ủng hộ cho UBND huyện để phát triển du lịch cộng đồng tại làng Tu Thó. Sâm Ngọc Linh này đã được trồng hơn 9 năm và có giá trị thị trường khoảng 200 triệu đồng/kg.

Khoảng 5 năm trước, UBND huyện Tu Mơ Rông đã di dời bà con từ khu vực sạt lở ra gần UBND xã Tê Xăng. Sau 5 năm, cuộc sống người dân đã có nhiều khởi sắc.

Hiện nay, làng có 164 hộ dân, trong đó 18,9% là hộ nghèo. Đa số người dân đã xây dựng nhà kiên cố, nhiều ngôi nhà được đầu tư 200 - 800 triệu đồng. Số hộ khá giả, có nhà ở khang trang khoảng 30 hộ.

Hà Nội sắp xóa sổ loạt nhà gỗ trên "đất vàng"

Dự kiến TP. Hà Nội sẽ thực hiện 7 dự án giải phóng mặt bằng nhà gỗ tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.

17 căn nhà gỗ được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước, do các bộ, ngành Trung ương quản lý, sử dụng và bố trí cho cán bộ, công nhân viên

17 căn nhà gỗ được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước, do các bộ, ngành Trung ương quản lý, sử dụng và bố trí cho cán bộ, công nhân viên

Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), 7 căn nhà gỗ gồm 1A , 9, 10, 11, 14, 16 và 17 Chương Dương sẽ được giải phóng mặt bằng.

Phường Chương Dương trước đây có 17 căn nhà gỗ do các bộ, ngành Trung ương quản lý, sử dụng và bố trí cho cán bộ, công nhân viên ở. Do xây dựng đã lâu, nhiều nhà gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng, được đánh giá ở cấp độ nguy hiểm D.

Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm, phường Chương Dương đã hỗ trợ người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, thu hồi đất tại khu nhà gỗ số 7, 9, 10, 11, 14, 16, 17, 1A. Theo kế hoạch, phần diện tích đất thu hồi sẽ được quận Hoàn Kiếm xây dựng các công trình công cộng.

Ngoài ra, kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của quận Hoàn Kiếm còn có nhiều dự án xây dựng, cải tạo trường học trên địa bàn như xây dựng ga C10, tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (tuyến số 2); xây dựng ga S12, tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3)...

Khánh thành thêm công viên ven sông Sài Gòn

Sau 2 tháng triển khai, công viên ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son tới Thủ Thiêm khánh thành ngày 11/1 phục vụ người dân, du khách vui chơi Tết Nguyên đán.

Các hạng mục trong công viên Sáng tạo đã hoàn thành

Các hạng mục trong công viên Sáng tạo đã hoàn thành

Công viên được đặt tên "Sáng tạo", nằm bên bờ sông phía Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, bắt đầu thi công từ tháng 11/2024 bằng nguồn vốn xã hội hóa. Với chiều dài khoảng 1 km, công viên được cải tạo từ dải đất trống chưa làm dự án ở ven sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Ba Son đến Thủ Thiêm). Đoạn này nối liền với công viên hiện hữu (từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn), đưa vào khai thác giúp chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan mới cho khu vực.

Theo UBND TP. Thủ Đức, công viên "Sáng tạo" được thiết kế theo phong cách hiện đại với nhiều hạng mục như: cung đường đi bộ xanh dọc bờ sông, sân khấu trung tâm, khu thể thao đa năng, sân trượt ván, sân bóng rổ mini, sân pickleball... Ngoài ra, Dự án còn nhiều tiện ích, dịch vụ như các cửa hàng phục vụ người dân, bãi đậu xe, hệ thống trang trí... Bên trong, bức tường lớn graffiti dài 30 m với nhiều gam màu rực rỡ tạo điểm nhấn cho công viên.

Ông Lưu Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP. Thủ Đức cho biết, công viên mở cửa với nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn, hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho người dân, du khách trải nghiệm không gian giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.

Ven sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm nằm đối diện công viên bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1 được xem là "mặt tiền" trung tâm TP.HCM. Theo quy hoạch, đoạn bờ sông phía Thủ Thiêm sẽ làm quảng trường công viên ven bờ, nhưng đến nay chưa triển khai. Nơi này trước đó nhiều đoạn là đất trống, địa hình không bằng phẳng.

Toàn TP.HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở với hơn 235.000 cây xanh. Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở Thành phố hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người nhưng thực tế đang rất thấp, chỉ khoảng 500 ha. Với dân cư thường trực ở Thành phố hơn 10 triệu người, tỷ lệ trên chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người.

Mới đây, Thành phố dự tính phát triển mảng xanh dọc sông Sài Gòn với 42 công viên, kết hợp đầu tư hạ tầng đa chức năng giúp cải tạo cảnh quan, phát triển kinh tế, dịch vụ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư