Số tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 5 lập kỷ lục
Nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 476.322 tài khoản, cao hơn 76% so với kỷ lục lập hồi tháng 3.
Trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới gần 1,38 triệu tài khoản, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái |
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 5, thị trường ghi nhận 5.653.695 tài khoản giao dịch trong nước. Chỉ sau một tháng, số lượng tài khoản giao dịch mở mới đã lập kỷ lục 476.455 đơn vị, gấp đôi so với tháng trước.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mở mới 476.322 tài khoản, nâng số lượng tài khoản giao dịch của nhóm này lên 5.163.570 đơn vị. Nhà đầu tư tổ chức mở mới 123 tài khoản, nâng tổng số lên 13.793 đơn vị.
Trong 5 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới gần 1,38 triệu tài khoản, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Con số này gần bằng lượng mở mới cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
Một nhà đầu tư cá nhân có thể đăng ký nhiều tài khoản chứng khoán tại các công ty cung ứng dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, nếu coi mỗi tài khoản ứng với một cá nhân, tổng số lượng tài khoản hiện nay chiếm khoảng 5,7% dân số.
Như vậy, mục tiêu 5% dân số đầu tư vào chứng khoán đến 2025 của Chính phủ đã được hoàn thành sớm 3 năm. Mốc tiếp theo của chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 là 8%.
Đối với khối ngoại, số lượng tài khoản giao dịch đạt 41.118 đơn vị, tăng thêm 256 đơn vị so với tháng trước, tương đương 0,6%. Trong đó, số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân đứng tên tăng thêm 298 đơn vị thành 36.940 đơn vị. Mặt khác, số tài khoản của nhà đầu tư tổ chức giảm từ 4.220 đơn vị xuống 4.178 đơn vị.
Xin Bộ Chính trị chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nghiên cứu, thẩm định đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để báo cáo Bộ Chính trị.
Tàu cao tốc shinkansen của Nhật Bản có tốc độ hơn 300 km/giờ. Ảnh minh họa |
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 9/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, để giảm tải cho đường bộ và đường sắt hiện hữu, Bộ GTVT đã báo cáo với Thủ tướng về Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Thủ tướng giao cho Bộ KH&ĐT nghiên cứu, thẩm định đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao và trong kế hoạch sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Chính phủ phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ báo cáo Quốc hội để xin chủ trương đầu tư.
Theo phương án trước đó do Bộ GTVT xây dựng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đầu tư mới, bắt đầu với đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang. Vận tốc thiết kế 350 km/giờ, vận tốc khai thác 320 km/giờ, chỉ chở khách. Đường sắt hiện hữu được nâng cấp chỉ chở hàng. Tổng vốn đầu tư 58,71 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ KHĐT đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu, khai thác chung tàu hàng và tàu khách, tốc độ chạy tàu từ 160 - 200km/giờ.
Việt Nam xếp thứ 68/120 về chỉ số minh bạch ngân sách
Chỉ số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tăng 9 bậc so với 2019, xếp hạng thứ 68/120 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việt Nam xếp thứ 68/120 về chỉ số minh bạch ngân sách. Ảnh minh họa |
Theo kết quả Khảo sát ngân sách mở toàn cầu năm 2021 (OBS2021) vừa được Tổ chức hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước.
Việt Nam hiện xếp thứ 68 trên tổng 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng trên Campuchia và Myanmar nhưng vẫn đang xếp sau nhiều nước như Indonesia, Phillipines, Thái Lan và Malaysia.
3 trụ cột chính để IBP đánh giá tổng thể mức độ công khai ngân sách một quốc gia bao gồm: minh bạch ngân sách, giám sát ngân sách và sự tham gia của người dân. "Mức độ tham gia của công chúng" đánh giá cơ hội để công chúng tham gia vào các giai đoạn khác nhau của quy trình lập ngân sách.
Năm 2021, trụ cột về minh bạch ngân sách của Việt Nam đạt mức 44/100 điểm - xếp ở nửa cuối của bảng xếp hạng và đang ở mức độ "thông tin có sẵn giới hạn". Trụ cột giám sát ngân sách đạt 80/100 điểm - ở top đầu các nước có điểm tốt nhất; trụ cột về sự tham gia của công chúng được đánh giá 17/100 điểm - cao hơn trung bình toàn cầu là 14 điểm.
Ông Tất Thành Cang được giảm 18 tháng tù
Cựu Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM Tất Thành Cang được tòa phúc thẩm giảm 18 tháng tù, sau khi ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Ông Cang và các bị cáo nghe tuyên án |
Chiều 9/6, sau 3 ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận đề nghị của VKS, giảm án cho ông Tất Thành Cang, từ 10 năm xuống còn 8 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo HĐXX, bị cáo Cang khi là Phó Bí thư Thường trực phụ trách Văn phòng Thành ủy - chủ sở hữu vốn Thành ủy tại Công ty Sadeco, phải nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ phải thực hiện đấu giá để chọn cổ đông chiến lược và thẩm định giá trị cổ phần. Tuy nhiên, bị cáo đã bút phê "đồng ý" vào Tờ trình 1148, chấp thuận chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/CP cho Công ty CP Đầu tư Nguyễn Kim.
Văn phòng Thành ủy đã ra Thông báo 495 cụ thể hóa tờ trình này, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực. Từ đó, Sadeco đã chuyển nhượng 9 triệu cổ phần với giá thấp hơn thực tế, gây thất thoát hơn 669 tỷ đồng của Nhà nước. Khi vụ án bị phát hiện, Công ty Nguyễn Kim đã hoàn trả toàn bộ 9 triệu cổ phần cùng tiền lãi phát sinh cho Sadeco nên hậu quả đã được khắc phục.
Hà Nội chốt thời hạn xử lý xong các dự án 'ôm đất' vi phạm, chây ì triển khai
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu cơ bản đến hết quý IV/2022, tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.
Hết quý IV/2022, Hà Nội tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm |
Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 160 về thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố.
Theo Kế hoạch, cùng với triển khai thực hiện các văn bản về nội dung trên, các cấp, các ngành của Thành phố cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao công tác giám sát, đánh giá đầu tư; tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn Thành phố; kiên quyết thu hồi dự án kém hiệu quả sử dụng đất nhằm tạo môi trường đầu tư, khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố yêu cầu thiết lập kỷ cương trong công tác quản lý dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai; công khai các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, giám sát của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.
Về tiến độ thực hiện, UBND Thành phố yêu cầu trong quý II/2022, tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; quý III/2022, căn cứ phân loại, tập trung xử lý các nhóm dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với vi phạm đã đủ căn cứ; cơ bản đến hết quý IV/2022, tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai khác, phân loại và đề xuất những biện pháp xử lý cụ thể, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý dứt điểm dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Thành phố.
Sở GTVT TP.HCM đề xuất giảm một số loại phí hạ tầng cảng biển
Ngày 9/6, Sở GTVT TP.HCM có văn bản khẩn gửi UBND Thành phố đề xuất điều chỉnh thu phí hạ tầng cảng biển.
TP.HCM chính thức triển khai thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ 0h ngày 1/4/2022. |
Động thái này của Sở GTVT TP.HCM sau kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM.
Theo đó, Sở GTVT đề xuất mức thu phí hạ tầng cảng biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại các địa phương khác được hưởng mức phí hỗ trợ như các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại TP.HCM. Hiện nay, hàng hóa mở tờ khai tại các địa phương phải đóng phí hạ tầng cảng biển cao hơn hàng hóa mở tờ khai tại TP.HCM.
Đồng thời, Sở GTVT TP.HCM đề xuất giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa.
Về loại hàng hóa thu phí, đối với hàng chuyển khẩu là loại hàng không phải làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu khỏi Việt Nam. Quá trình vận chuyển hàng hóa có thể không qua cửa khẩu Việt Nam. Trong trường hợp hàng chuyển khẩu không xếp dỡ hàng xuống khu vực cửa khẩu, mà vẫn phải nộp phí hạ tầng cảng biển như các loại hàng khác là chưa hợp lý.
Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị đối với hàng chuyển khẩu có hoạt động xếp dỡ xuống khu vực cửa khẩu cảng biển mới thu phí và mức thu bằng mức thu hàng hóa xuất nhập khẩu là phù hợp.
Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố xem xét chấp thuận, trình HĐND Thành phố xem xét điều chỉnh trong tháng 7 tới.