Bán HSMT không phải là công việc sơ tuyển nhà thầu, bên mời thầu không được đưa ra các điều kiện “thêm, riêng” để hạn chế nhà thầu mua HSMT. Ảnh: Tường Lâm |
Tiền kiểm năng lực nhà thầu để tránh lãng phí?
Theo nội dung thông báo mời thầu đăng trên Báo Đấu thầu số 240 ngày 15/12/2016, Gói thầu số 01: Thiết kế và thi công xây lắp thuộc Dự án Xây dựng trạm bơm Đồng Én, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình được đấu thầu rộng rãi trong nước, do Ban Quản lý dự án cơ sở hạ tầng thủy lợi Ninh Bình mời thầu. Thời gian phát hành HSMT từ 08 giờ ngày 20/12/2016 đến 08 giờ ngày 09/01/2017, phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, nguồn vốn là ngân sách tỉnh Ninh Bình. Gói thầu này có bảo đảm dự thầu 500 triệu đồng và dự kiến sẽ đóng thầu vào 9 giờ ngày 9/1/2017.
Có nhà thầu sau nhiều ngày đeo đuổi mua HSMT gói thầu nêu trên nhưng vẫn không mua được, đã bức xúc phản ánh đến Báo Đấu thầu rằng, hơn chục năm làm nhà thầu xây dựng, chưa thấy có Ban QLDA nào đưa ra những đòi hỏi vô lý như vậy khi nhà thầu đến mua HSMT. Nhà thầu cho biết đã cử cán bộ đi từ Hà Nội đến trụ sở làm việc của Ban ở Ninh Bình, trình giấy giới thiệu để mua HSMT gói thầu trên. Theo yêu cầu của Ban, cán bộ của nhà thầu đã quay về Hà Nội lấy hồ sơ năng lực đến nộp cho Bên mời thầu. Sau một thời gian “thẩm tra” hồ sơ năng lực của nhà thầu, Ban này vẫn không chịu bán HSMT cho nhà thầu với lý do đây là gói thầu hỗn hợp, yêu cầu nhà thầu phải có đủ năng lực thiết kế và thi công thì mới bán HSMT. Trong khi đó, nhà thầu này chỉ được Trưởng ban Ban này đánh giá là có đủ năng lực để thi công (thiếu năng lực thiết kế). Vì vậy, Ban đã yêu cầu nhà thầu phải có văn bản liên danh, liên kết với một nhà thầu thiết kế khác thì mới bán HSMT.
Làm rõ phản ánh của nhà thầu, phóng viên Báo Đấu thầu đã trao đổi với bà Tơ Thị Vân, cán bộ kế toán của Ban. Bà Vân cho biết, quy trình bán HSMT của Ban Quản lý dự án cơ sở hạ tầng thủy lợi Ninh Bình là nhà thầu phải nộp cho bộ phận kỹ thuật của Bên mời thầu và sau khi bộ phận này đồng ý cho làm các thủ tục mua HSMT thì mới đến phần công việc của bà Vân, vì bà Vân chỉ là cán bộ kế toán, không có thẩm quyền quyết định bán hay không bán HSMT cho nhà thầu.
Giải thích với phóng viên Báo Đấu thầu về yêu cầu “phải tiền kiểm năng lực của nhà thầu rồi mới bán HSMT”, ông Trần Quang Vinh, cán bộ kỹ thuật phụ trách việc “thẩm tra” này cho biết, sở dĩ Ban đưa ra yêu cầu như vậy là để tránh lãng phí cho nhà thầu. Đây là gói thầu hỗn hợp (EC) nên nhà thầu phải có đủ năng lực thiết kế và thi công thì mới có đủ khả năng để thực hiện gói thầu. Mục đích của việc “sàng lọc” này là để tránh lãng phí cho nhà thầu, tránh việc nhà thầu phải mất tiền mua HSMT, mất công đi lại nhưng mua xong HSMT thì không đủ năng lực làm hồ sơ dự thầu.
7 ngày vẫn chưa phát hành được 1 bộ HSMT!
Gói thầu nêu trên được mời thầu từ ngày 20/12/2016 nhưng đến sáng ngày 27/12 (1 tuần kể từ ngày đầu phát hành HSMT), ông Trần Quang Vinh khẳng định với phóng viên là vẫn chưa phát hành được 1 bộ HSMT nào. Ông Vinh có “trần tình” việc nhà thầu Hà Nội đến nhiều ngày nhưng vẫn chưa mua được HSMT là do sau khi Ban “thẩm tra” năng lực và yêu cầu có văn bản liên danh với nhà thầu khác (có năng lực thiết kế) thì mới bán HSMT thì không thấy nhà thầu quay lại mua. Đây “là yêu cầu riêng của Ban và chỉ muốn tốt cho nhà thầu, tránh để nhà thầu lãng phí tiền mua HSMT mà thôi”, ông Vinh khẳng định và cho biết, nếu nhà thầu vẫn quyết tâm muốn mua HSMT thì có thể quay lại, Ban sẽ xem xét bán HSMT cho nhà thầu đã phản ánh.
Trao đổi với ông Vinh, phóng viên khẳng định, việc Ban đưa ra yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ năng lực, sau khi kiểm tra hồ sơ năng lực thấy nhà thầu có khả năng đáp ứng yêu cầu gói thầu mới chịu bán HSMT là không đúng với quy định của pháp luật về đấu thầu, thậm chí rơi vào điều cấm. Theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, cản trở nhà thầu là một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, tổ chức, cá nhân cản trở nhà thầu bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.
TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia lâu năm về đấu thầu cũng khẳng định, rõ ràng việc một số bên mời thầu/chủ đầu tư đưa ra điều kiện “bổ sung” so với quy định của pháp luật về đấu thầu là hành vi cản trở nhà thầu. Việc bán HSMT cần phải được thực hiện rộng rãi, công khai và không hạn chế nhà thầu. Bán HSMT không phải là công việc sơ tuyển nhà thầu, bên mời thầu không được đưa ra các điều kiện “thêm, riêng” để hạn chế nhà thầu mua HSMT. Hành vi này của Bên mời thầu dù thực sự có ý tốt cho nhà thầu nhưng không “ổn” so với quy định của pháp luật về đấu thầu.