Bản lĩnh doanh nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong mấy thập niên, tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện đường lối Đổi Mới đến chủ trương tăng cường phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, một đội ngũ doanh nhân được hình thành, là rường cột cho công cuộc kiến tạo và ghi nhiều dấu ấn trong lịch sử đất nước. Nhiều thay đổi làm chúng ta càng vững tin hơn vào nội lực của mình. Nhiều thế hệ doanh nhân đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý thức xã hội và trách nhiệm với cộng đồng.
Những nhà máy dừng sản xuất ô tô để làm máy thở, các chuyến bay đưa đồng bào trở về quê hương… đã tạo nên ấn tượng đẹp đẽ về một lớp doanh nhân mới
Những nhà máy dừng sản xuất ô tô để làm máy thở, các chuyến bay đưa đồng bào trở về quê hương… đã tạo nên ấn tượng đẹp đẽ về một lớp doanh nhân mới

Tầng lớp thương nhân Việt bắt đầu manh nha xuất hiện vào thời nhà Lý, khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, hình thành các phường hội, làng nghề. Đến thời nhà Nguyễn, hệ thống thương cảng mở ra dọc theo bờ biển để buôn bán, trao đổi hàng hóa với nước ngoài, ở Việt Nam đã hình thành một tầng lớp doanh gia. Đầu thế kỷ 20, trong số họ có nhiều nhà tư sản dân tộc được ngoài nước biết đến, dám cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài.

Sau khi thống nhất đất nước, trải qua thời kỳ bao cấp khó khăn và khủng hoảng kinh tế, với tư duy “tự cởi trói”, quyết tâm “vượt rào”, một thế hệ mới giàu bản lĩnh đã xuất hiện, là tiền đề cho việc hình thành đội ngũ doanh nhân hiện nay.

Doanh nhân Việt Nam thời hiện đại mang trong mình những phẩm chất là kết tinh của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, những giá trị văn minh mới, đồng thời tiếp nối những giá trị truyền thống từ mơ ước thịnh vượng, hùng cường của dân tộc. Họ đã được bồi đắp để hình thành bản lĩnh, thích ứng với những đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới.

Suy ngẫm về bản lĩnh doanh nhân, tôi nhớ về vị danh tướng Trần Khánh Dư thời nhà Trần. Giới doanh nhân rất nên tôn vinh ông. Sau khi góp công lớn đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Khánh Dư được ban tước hiệu Nhân Huệ vương, là Phiêu Kỵ đại tướng quân. Đến khi thất thế, bị tước hết quyền hành, Trần Khánh Dư chọn nghề thương nhân. Ông chở thuyền buôn bán than vui vẻ kiếm sống. Quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai, ông lại được phục chức, làm Phó Đô tướng quân trấn giữ Vân Đồn. Trần Khánh Dư coi trọng việc kinh doanh, biết cách kết hợp quốc phòng với kinh doanh. Khi về già, năm 83 tuổi, Trần Khánh Dư còn tìm đến Tam Điệp, Trường Yên ở Ninh Bình, chỉ huy việc khai khẩn, lập đất mới, đặt trại An Trung. Dân theo ông lập thêm trại Động Khê, Tịch Nhi, nay thuộc Ý Yên, Nam Định. Trong buổi đầu lập làng, ông bỏ tiền ra giúp, dạy dân trồng cói, làm nghề thủ công, dệt chiếu… Trần Khánh Dư thọ tròn 100 tuổi, dân đã lập đền thờ, ghi tạc: “Nhân Huệ Vương mở mới bến sông, đồng ruộng tốt tươi nay vẫn đó”.

Tôi có ấn tượng sâu sắc về người đàn bà mở công ty đầu tiên ở Việt Nam cuối thế kỷ 19. Bà tên là Trần Thị Lan, thường gọi là cô Tư Hồng. Người đàn bà bé nhỏ này đã cạnh tranh thắng lợi với người Hoa, người Pháp trong công cuộc “động trời” là phá dỡ thành Hà Nội, lập nên khu vực Cửa Đông, Hàng Da, Đường Thành ngày nay. Bà lập đội tàu thủy vận tải sông biển, chỉ lái tàu và thợ xúc than là đàn ông, còn thủy thủ và phục vụ đều là phụ nữ. Bà đã đem thóc gạo trên mấy con tàu thu mua từ miền Nam trên đường ra Bắc phát hết cho những người dân miền Trung đói khổ vì cơn bão lớn tàn phá…

Tôi nhớ đến nhà tư sản Bạch Thái Bưởi, hồi đầu thế kỷ 20, đã bền bỉ và khôn khéo, đầy bản lĩnh để cạnh tranh với các hãng tàu thủy của người Hoa, người Pháp mà thành “Vua tàu thủy đất Bắc”. Khi thành người giàu có, Bạch Thái Bưởi là một Mạnh Thường Quân lớn và tâm huyết cho công cuộc chấn hưng văn hóa và dân trí.

Ngay thời đại mới, từ khi bắt đầu hình thành đội ngũ doanh nhân hiện nay, cũng có bao tấm gương bản lĩnh và kiên định trong vượt thoát định kiến và trói buộc, để mở đường làm ăn. Với họ, vượt qua thử thách ngặt nghèo để bắt đầu, hay bắt đầu lại con đường làm ăn, không bao giờ là muộn.

Trong thời điểm khó khăn vì đại dịch Covid-19, cả đất nước chung một tinh thần đoàn kết, dấy lên phong trào chia sẻ đi qua đại dịch. Các doanh nhân đã có những đóng góp nhân văn vào công cuộc phòng chống dịch. Những nhà máy dừng sản xuất ô tô để làm máy thở, những bệnh viện dã chiến được dựng lên, các chuyến bay đưa đồng bào trở về quê hương… đã tạo nên ấn tượng đẹp đẽ và ấm áp về một lớp doanh nhân mới. Đó là biểu tượng của lòng yêu nước, ý thức xã hội, trách nhiệm với cộng đồng.

Đi qua đại dịch cũng là một trải nghiệm bản lĩnh của doanh nhân. Những ngày chững lại vì đại dịch cũng là lúc vươn tầm nhìn xa hơn, vượt lên, để đón đợi những cơ hội sẽ đến.

Trải qua nhiều thăng trầm, thế hệ doanh nhân thời nay đã dần hiện lên những hình ảnh đáng ngưỡng vọng. Nhiều doanh nhân Việt Nam được xếp hạng tỷ phú thế giới. Đấy là những doanh nhân rất bản lĩnh, có phẩm chất và năng lực nền tảng, có hoài bão và kiên định. Họ là nguồn cảm hứng, là tấm gương dẫn dắt ước vọng dựng xây thịnh vượng.

Đã có một khái niệm mới là “Doanh nhân dân tộc” để xưng gọi những doanh nhân tiêu biểu này.

Phát biểu nhân Ngày Doanh nhân (13/10/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Các doanh nhân đã có sự hy sinh lớn trong việc xây dựng đất nước và làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình. Hiện chúng ta đã có hàng triệu doanh nhân đang điều hành gần 750.000 doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra việc làm cho hàng chục triệu người dân, đóng thuế cho Nhà nước và tham gia giải quyết vấn đề xã hội, làm việc không ngừng nghỉ 24/7, có khi ngay cả trong mơ cũng còn trăn trở về bài toán kinh doanh, về thương trường, về trách nhiệm lớn lao phải gánh vác. Đằng sau mỗi doanh nhân không chỉ là tài sản của cá nhân mình mà còn là cuộc sống của hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn hay hàng chục nghìn lao động và gia đình họ. 30 năm qua, chúng ta đã cùng nhau làm nên câu chuyện vượt nghèo vĩ đại, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế và 30 năm tới, chúng ta sẽ cùng nhau viết tiếp câu chuyện một Việt Nam giàu mạnh, ngẩng cao đầu đi khắp năm châu”.

Chuyên đề