Bán đấu giá lô phế liệu tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Điều kiện tham gia đấu giá cản trở doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô đang tổ chức bán đấu giá lô phế liệu (nhựa, giấy) tồn đọng tại cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo phản ánh của doanh nghiệp, mặc dù có đầy đủ giấy phép và năng lực để tham gia đấu giá, nhưng tổ chức bán đấu giá đã từ chối bán hồ sơ cho doanh nghiệp với lý do không có tên trong Danh sách tổ chức, cá nhân được cấp phép xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Tài sản bán đấu giá là phế liệu nhựa và phế liệu giấy tồn đọng tại cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh minh họa: Nguyễn Nga
Tài sản bán đấu giá là phế liệu nhựa và phế liệu giấy tồn đọng tại cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh minh họa: Nguyễn Nga

Tài sản bán đấu giá gồm 2 tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân là phế liệu nhựa và phế liệu giấy, tổng giá khởi điểm hơn 7,4 tỷ đồng. Thời gian bán hồ sơ đấu giá từ ngày 5/5 - 18/5/2021 tại Văn phòng giao dịch Chi nhánh Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô, số 595 Phạm Văn Đồng, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa.

Thông báo đấu giá cho biết, mọi cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo luật định mua hồ sơ, nộp hồ sơ và tiền đặt trước tham gia đấu giá, không thuộc trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá theo luật định.

Theo phản ánh của một doanh nghiệp, ngày 12 và ngày 17/5/2021 tới mua hồ sơ đấu giá, nhưng địa chỉ 595 Phạm Văn Đồng không có bất cứ một biển hiệu công ty nào, mà đó là một hầm rượu. Khi liên hệ điện thoại thì có cán bộ của Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô tới bán hồ sơ.

Sau khi xem xét hồ sơ của doanh nghiệp gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy xác nhận đủ điều kiện để bảo đảm môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (GXNĐĐK); Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, cán bộ nói trên không bán hồ sơ đấu giá cho doanh nghiệp. Lý do được đưa ra là “không đủ điều kiện tham gia đấu giá”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô xác nhận việc không bán hồ sơ đấu giá cho doanh nghiệp trên. Cán bộ này cho biết, theo quy chế đấu giá, khách hàng đăng ký tham gia đấu giá phải có tên trong Danh sách tổ chức, cá nhân được cấp phép xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Danh sách được cấp phép) và còn hạn ngạch nhập khẩu phế liệu (nhựa, giấy).

Đề nghị làm rõ việc doanh nghiệp không mua được hồ sơ đấu giá do không có tên trong Danh sách được cấp phép, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (người có tài sản) cho biết, việc bán và tiếp nhận hồ sơ đấu giá là trách nhiệm của Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô. Theo phân công của Tổ công tác liên ngành xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển thì Tổng cục Môi trường là cơ quan ban hành tiêu chí lựa chọn các cơ sở được cấp GXNĐĐK tham gia đấu giá (Công văn số 113/TCMT-QLCT).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc đưa ra điều kiện phải có tên trong Danh sách được cấp phép tham gia đấu giá các lô hàng phế liệu tồn đọng căn cứ theo các văn bản của Tổng cục Môi trường.

Sau khi nhận được phản ánh từ Báo Đấu thầu đối với trường hợp doanh nghiệp không mua được hồ sơ đấu giá, ông Sang cho biết, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ cho dừng cuộc đấu giá này để rà soát lại thông tin phản ánh và đối chiếu các quy định pháp luật.

Theo Công văn số 1670/TCMT-QLCT ngày 29/5/2020 của Tổng cục Môi trường, số doanh nghiệp được cấp GXNĐĐK đối với giấy phế liệu là 15 doanh nghiệp (gồm 8 doanh nghiệp ở khu vực miền Bắc; 1 doanh nghiệp ở miền Trung và 6 doanh nghiệp ở miền Nam). Đối với nhựa phế liệu, Danh sách gồm 22 doanh nghiệp (trong đó 13 doanh nghiệp ở miền Bắc, 9 doanh nghiệp ở miền Nam). Về tiêu chí để được vào danh sách này, Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin.

Chuyên đề