Bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -   Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT). Trong đó, việc bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT (các khoản 4, 5 và 6 Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được “nút thắt” trong cơ chế thanh toán BHYT kéo dài trong nhiều năm nay.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cùng với việc bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT, Nghị định 75 quy định việc thanh toán chi phí KCB BHYT thực hiện theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng kể từ ngày 1/1/2019.

Cụ thể, Chính phủ giao cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập dự toán chi KCB BHYT; thực hiện thông báo số dự kiến chi KCB BHYT tới cơ sở KCB để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí KCB BHYT trong năm, nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT của cơ sở KCB trong trường hợp vượt số dự kiến chi.

Trường hợp cơ sở KCB có số dự kiến chi trong năm tăng hoặc giảm so với số đã được thông báo, cơ sở y tế có văn bản gửi Bảo hiểm Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 15/10 hàng năm để tổng hợp, điều chỉnh trong phạm vi dự toán được giao.

Theo Bộ Y tế, trong những năm qua, do bất cập trong quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT dẫn đến tình trạng các chi phí KCB trong phạm vi điều kiện, tỷ lệ thanh toán, phạm vi quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT do cơ sở KCB cung cấp và không thu tiền của người bệnh mặc dù đã được cơ quan Bảo hiểm Xã hội giám định là các chi phí hợp pháp nhưng do quy định của tổng mức thanh toán, các chi phí này lại bị xem xét lại, không được thanh toán vì lý do vượt tổng mức, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ sở KCB và dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của người bệnh.

Thực tế, phản ánh của các bệnh viện với Báo Đấu thầu cho thấy, tình trạng bị xuất toán, “treo” thanh toán BHYT xảy ra khá phổ biến và kéo dài trong nhiều năm qua. Một số bệnh viện bị nợ đọng vài chục tỷ đồng, nhưng không ít bệnh viện có số nợ lên tới cả trăm tỷ đồng, dẫn đến nợ tình trạng vòng quanh (vì không được Bảo hiểm Xã hội thanh toán nên bệnh viện trở thành “con nợ”, nợ tiền nhà thầu, nhà thầu gặp không ít khó khăn trong việc xoay vòng vốn…). Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến hết tháng 8/2022, theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), các bệnh viện trên địa bàn Thành phố bị Bảo hiểm Xã hội từ chối thanh toán 1.400 tỷ đồng vì vượt tổng mức thanh toán theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP...

Liên quan đến vướng mắc về cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị cho các cơ sở y tế, trước đó Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế như: Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022, Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04/3/2023.

“Theo quy định mới tại Nghị định 75, các chi phí KCB BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT đã được cơ quan Bảo hiểm Xã hội giám định sẽ thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Cơ chế thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế… sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành. Các quy định này sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan Bảo hiểm Xã hội, tạo điều kiện cho cơ sở KCB nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh BHYT”, Bộ Y tế kỳ vọng.

Chuyên đề